Thiên nhiên không chỉ hiện lên với vẻ đẹp vốn có mà còn đẹp hơn khi gắn với con người. Trong quá trình miêu tả Phạm Duy Nghĩa thường lấy thiên nhiên để diễn tả dòng tâm trạng của con người. Đoạn văn kết thúc truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng đã diễn tả tâm trạng của Thuận khi phải đấu tranh giằng xé với chính mình để giữ gìn nhân phẩm . Nhà văn đã dùng những câu văn mượt mà, chau chuốt để thể hiện được sự thủy chung, trong trắng của Thuận: “Hoa mận trút xuống ào ào thành một cơn mưa trắng xóa, xác hoa dâng ngập bắp chân. Cả hai cứ trần truồng bước đi trong mưa hoa, không thấy ngượng ngùng, người nhẹ bỗng, bâng lâng trong ý nghĩa siêu thoát và chay tịnh. Tấm thân Hà thơm ngát như một tiên đồng. Lòng Thuận trong vắt, sạch tinh , tuyệt không còn ham muốn, trong tính đa dạng của trần thế, là trừ diệt cái
gốc của mọi đau khố chân lí phật đạo là thế, giản dị, tươi lành và tinh khiết như một cơn mưa ở cõi vĩnh hằng”
Có thể nói, từ ngữ, hình ảnh trong lời văn miêu tả của Phạm Duy Nghĩa trở thành lời văn tâm tình, bày tỏ sự nâng niu trân trọng con người và cuộc sống. Điều này không chỉ thể hiện qua cái nhìn tâm cảnh khi mô tả cảnh vật thiên nhiên mà còn bộc lộ rõ nét qua những dòng văn thấm thìa sâu lắng khi mô tả những cảm giác, suy nghĩ của nhân vật.
Và tất nhiên không thể không tìm hiểu chất thơ trong lời văn của Phạm Duy Nghĩa mà không nhắc đến tính nhạc của nó. Khảo sát một đoạn văn trong truyện ngắn Đồi hoa lạnh sẽ thấy rõ điều này: “Anh thấy mình như một khu vườn bị lãng quên, một buổi trưa mùa đông bỗng thảng thốt nhận ra mình hoang vắng. Thèm được nắng gió ru mình. Thèm được thấy mình xao xác. Thèm được căng những tế bào xanh hút ánh xuân non hồng hào tan chảy, và vỡ òa ra, run rẩy trong dòng mưa ướt ngọt đầu mùa”. Toàn bộ đoạn văn có 41 thanh bằng và 36 thanh trắc, có sự kết hợp của các động từ diễn tả cảm xúc: thảng thốt, thấy, căng, vỡ òa. Đặc biệt là ba câu văn cuối được lặp lại cấu trúc “thèm được” như một nốt nhấn của cảm xúc. Đó là khát khao của con người muốn được sống là chính mình. Những động từ mạnh được sử dụng trong câu văn càng làm cho niềm khao khát ấy thêm mãnh liệt. Chất thơ trong văn Phạm Duy Nghĩa còn biểu hiện ở cách đặt tên tác phẩm. Phạm Duy Nghĩa đã mang đến cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, pháng phất hơi thở của những huyền thoại và cổ tích ngay từ nhan đề truyện như: