5. Nội dung và kết quả nghiên cứu
5.4.4. Dẫn truyền của cú sốc tỷ giá vào lạm phát
Tỷ giá hối đoái là yếu tố rất nhạy cảm với sự thay đổi của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát. Đã có nhiều bài nghiên cứu tìm thấy một sự dẫn truyền đáng kể của tỷ giá vào lạm phát ở nhiều nền kinh tế như McCarthy (1999) đo lường mức độ dẫn truyền của tỷ giá vào giá nhập khẩu và giá sản xuất ở các nước Đức, Nhật, Hà Lan, Thụy Điển, Anh Mỹ giai đoạn từ năm 1976 đến 1998. Hay Bhudia (2002) tìm thấy sự
bằng chứng về sự dẫn truyền của tỷ giá vào lạm Phát ở Nam Phi và Duma(2006) cũng cho thấy ở Sri Lanka có sự dẫn truyền mạnh của tỷ giá vào lạm phát ở Sri Lanka. Vậy, sự dẫn truyền của tỷ giá vào lạm phát ở các nước Châu Á đang phát triển có nhiều ý nghĩa hay không ? Kết quả ước lượng từ hàm phản ứng đẩy trong bài nghiên cứu này cho thấy rằng tỷ giá hối đoái có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách tiền tệ và có một sự dẫn truyền đáng kể của tỷ giá đến giá cả trong nước ở 10 nước đang phát triển ở Châu Á được xem xét ở đây. Trong mô hình VAR này, cú sốc tỷ giá được giả định tham gia vào mô hình như một biến ngoại sinh trong giai đoạn có sự giảm giá của đồng USD và nó sẽ tương tác với các biến nội sinh khác. Hay nói một cách khác, tỷ giá hối đoái cũng chịu sự tác động từ những thay đổi của cung cầu trong nước. Kết quả phân tích thực nghiệm giai đoạn 2000-2012 chỉ ra hai kết quả chính về sự dẫn truyền của tỷ giá vào lạm phát ở 10 nước Châu Á đang phát triển.
Thứ nhất, tỷ giá hối đoái dẫn truyền cao hơn so với dẫn truyền của những cú sốc
giá dầu và giá lương thực cho cả lạm phát CPI, CPI-F và CPI-NF. Điều này hoàn toàn thống nhất với kết quả của bài nghiên cứu về lạm phát ở các nước đang phát triển ở Châu Á của Juthathip Jongwanich và Donghuyn Park năm 2007 cũng tìm thấy rằng tỷ giá dẫn truyền cao hơn hẳn so với giá dầu và giá lương thực. Có hai kênh chính thông qua đó tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Đầu tiên là tỷ giá tác động đến chi phí đầu vào thông qua nhập khẩu từ đó ảnh hưởng đến mức giá thành phẩm. Thứ hai, tỷ giá thay đổi tác động tổng cầu và kỳ vọng lạm phát trong nước. Ở Việt Nam, 1% thay đổi của tỷ giá sẽ làm cho lạm phát giá tiêu dùng thay đổi từ 5% đến 7%. Trong khi đó, 1% thay đổi trong giá dầu và giá lương thực chỉ làm cho lạm phát CPI thay đổi từ 0,05% đến 1%. Kết quả này cũng đươc tìm thấy tương có các nước còn lại như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ. Kết luận thứ hai là, hệ số dẫn truyền tích lũy của tỷ giá hối đoái vào lạm phát CPI dương ở các quốc gia nhập khẩu như Indonesisa, Philippines và hệ số dẫn truyền âm ở các quốc gia xuất khẩu như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam. Cụ thể, hệ số dẫn truyền cao nhất của tỷ giá vào lạm phát CPI ở hai quốc gia nhập khẩu trên là 0,27%
(9 tháng sau cú sốc) ở Indonesia vào kì thứ 3 và 0,48% ở Philippines vào kì thứ 5 (15 tháng sau cú sốc). Đối với Việt Nam hệ số dẫn truyền của tỷ giá hối đoái vào lạm phát giá tiêu dùng là -5,9% ở kì thứ 5, con số này ở Ấn Độ, Thái Lan lần lượt là -0,045% và -0,35%. Điều này có vẻ như ngược lại với cách lập luận thông thường. Biến tỷ giá trong bài nghiên cứu này được lấy là tỷ giá niêm yết trực tiếp nên một sự tăng lên của tỷ giá đồng nghĩa với nội tệ giảm giá. Theo lập luận thông thường điều này sẽ kích thích tăng trưởng xuất khẩu do hàng hóa nội địa tăng sức cạnh tranh và hạn chế nhập khẩu do chi phí nhập khẩu tăng cao. Nếu những lập luận trên là đúng với thực tế thì ở những nước xuất khẩu sẽ tăng khối lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, tuy nhiên nguồn cung trong nước không thể tăng do đã đạt đến mức sản xuất tiềm năng. Vì thế một sự gia tăng xuất khẩu sẽ làm giảm mức cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội đia, cung trong nước giảm trong khi cầu gia tăng sẽ làm cho giá cả trong nước tăng vọt dẫn đến lạm phát tăng. Tức là sẽ có một sự dẫn truyền dương của tỷ giá vào lạm phát ở các nước xuất khẩu. Tuy nhiên kết quả thực nghiệm tính toán ra lại cho kết luận ngược lại, điều này cũng phù hợp với kết quả được Duma tìm thấy năm 2006 có một sự dẫn truyền âm từ tỷ giá vào lạm phát ở Sri Lanka. Sự dẫn truyền âm này có thể được giải thích như sau: đầu tiên, khi tỷ giá tăng hay nội tệ giảm giá có thể không đi kèm với xuất khẩu gia tăng do cung nội địa đã đạt đến mức tiềm năng của nền kinh tế không thể gia tăng trong ngắn hạn. Đồng thời có những rào cản hạn chế gia tăng xuất khẩu do sản phẩm các nước không thể thay thế hoàn toàn cho nhau. Chính những điều này đã làm cho xuất khẩu không thể tăng trong ngắn hạn. Thứ hai là, các quốc gia xuất khẩu ròng này hàng năm vẫn nhập một lượng lớn dầu và lương thực. Khi giá dầu và lương thực tăng cao thì nếu nhập khẩu các nước này sẽ gánh chịu một mức chi phí đầu vào cao do giá nhập khẩu tăng lên. Xem xét hai tác động này, nếu lợi nhuận từ việc gia tăng xuất khẩu không đủ để bù đắp chi phí nhập khẩu, các quốc gia này sẽ chuyển sang tăng cung cấp cho thị trường nội địa. Và Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam là những nước như thế, chính việc chuyển sang tăng cung cấp trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa gia tăng đã hạn chế được sự phụ thuộc vào giá dầu, giá lương thực. Đồng thời ở ba quốc gia này chính phủ thực hiện rất nhiều khoản trợ cấp lương thực, nhiên liệu
(ADB 2008 ). Kết hợp những yếu tố trên đã dẫn đến một mức dẫn truyền âm của giá dầu, giá lương thực ở những nước này. Tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ, Trung Quốc và Cambodia là hai quốc gia xuất khẩu ròng nhưng có hệ số dẫn truyền dương. Cụ thể, hệ số dẫn truyền của tỷ giá vào lạm phát CPI ở Trung Quốc và Cambodia lần lượt là 0,013% và 3,5%. Sở dĩ điều này có thể là do ở hai nước lợi nhuận thu được từ việc tăng xuất khẩu cao chi phí đầu vào tăng do gia nhập khẩu nên theo như lập luận ở trên, nguồn cung nội địa sẽ bị cắt giảm và từ đó làm gia tăng lạm phát.
Tiếp theo xem xét đến các quốc gia nhập khẩu như Indonesia và Philippines, hai quốc gia này có nguồn dầu và lương thực phụ thuộc cao vào việc nhập khẩu từ bên ngoài. Chính sự phụ thuộc cao này đồng nghĩa với việc có lịch sử không có khả năng tự đáp ứng nhu cầu nội địa. Chính vì thế trong giai đoạn giá lương thực và giá dầu thế giới tăng mạnh, các nước này vẫn phải chấp nhận nhập khẩu với giá nhập khẩu cao do ngoại tệ tăng giá (xét trong trường hợp tỷ giá tăng) để duy trì được các hoạt động chủ yếu của nền kinh tế. Chi phí đầu vào tăng cao do nhập khẩu sẽ là động lực đẩy giá tiêu dùng tăng lên và kết quả là lạm phát CPI tăng vọt. Hay hệ số dẫn truyền của tỷ giá vào lạm phát ở các nước nhập khẩu này sẽ dương.