- Truyền thụ kiến thức về lý thuyết chuyên môn:
Đây là công việc đầu tiên mà người GVDN cần truyền thụ để HS có thể lĩnh hội những kiến thức hiểu biết cần thiết liên quan đến công việc thực hành. Vốn hiểu biết về lý thuyết chuyên môn của HS càng sâu càng tạo điều kiện tốt cho họ ứng dụng vào công việc cụ thể khi thực hành và tạo tư duy kỹ thuật sáng tạo trong quá trình hành nghề, nâng cao năng lực “đọc sách” tự bồi dưỡng khi ra trường (một điều kiện không thể thiếu đối với công nhân kỹ thuật ngày nay).
Đặc điểm của HS học nghề hiện nay là khả năng tiếp thu kiến thức lý thuyết còn hạn chế, do phần lớn họ là những HS kém ở bậc phổ thông (không thể thi đậu đại học và cao đẳng mới chấp nhận vào học nghề). Trong khi đó, việc giảng dạy lý thuyết trong các trường dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn khi phải lựa chọn nội dung sao cho vừa với sức học của HS. Việc tham khảo tài liệu nước ngoài của GVDN hiện nay rất hạn
chế (do trình độ ngoại ngữ yếu), các tài liệu trong nước thường do những người nghiên cứu lý thuyết biên soạn, do đó nội dung rất khó hiểu và không thích hợp với cấp dạy nghề. Chính vì thế, nhiệm vụ của GV khi dạy lý thuyết chuyên môn nghề không hề đơn giản, họ cần có khả năng chuẩn bị lý thuyết sao cho phù hợp với học sinh, để học sinh dễ hiểu và điều quan trọng là có thể vận dụng lý thuyết đó vào thực hành.
- Truyền thụ kiến thức, kỹ năng , kỹ xảo và kinh nghiệm thực hành.
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của GV trong các trường dạy nghề, mục đích của HS khi vào trường học là sau khi ra trường có một nghề thành thạo để có thể kiếm sống bằng chính nghề đã học. Vì vậy, mà họ cần luyện tập kỹ năng, kỹ xảo thực hành, từ quy trình xử lý đến các thao tác cơ bản (GVDN cần phải làm mẫu và hướng dẫn thường xuyên). Nội dung thực hành phải sát với thực tế lao động ngoài thị trường, phải giải thích được các vấn đề bằng logic lý thuyết để chuyển hóa thành kiến thức, kinh nghiệm cho HS.