Thứ nhất, về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTHNHĐ
Theo quy định của BLDS 2015,yếu tố lỗi không còn là một trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTHNHĐ. Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc vẫn coi xem lỗi là yếu tố bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm xâm phạm quyền. Các quy định của BLDS 2015 của Việt Nam cho thấy rất nhiều trường hợp người gây thiệt hại phải bồi thường cho dù không có lỗi. Người thành niên, người thành niên bị tâm thần hay người chưa thành niên một khi thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác thì đều làm phát sinh trách nhiệm BTTH. Các quy định căn cứ phát sinh BTTH trong BLDS 2015 hiện nay là kết quả của sự đúc kết kinh nghiệm trong quá trình thi hành BLDS 2005, sự tiếp thu lý luận thế giới đương đại. Theo người viết BLDS 2015 thể hiện nhiều ý tưởng mới của các nhà làm luật Việt Nam về trách nhiệm BTTHNHĐ. Nhưng, các quy định luôn có sự gắn kết với nhau. Nếu có sự thay đổi tư duy về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTHNHĐ thì cùng với nó phải có sự nghiên cứu kỹ hơn về lỗi. Lỗi cần được xem xét ở hai góc độ. (1) Đánh giá về trạng thái chủ quan của người thực hiện hành vi gây thiệt hại. (2) Sự đánh giá khách quan đối với hành vi của người gây thiệt hại.
Thứ hai, nguyên tắc BTTH
Nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại là nguyên tắc chủ đạo trong các nguyên tắc BTTHNHĐ. Những nguyên tắc khác có tác dụng bổ sung hoặc là ngoại lệ của nguyên tắc trên. Khi xác định mức độ BTTH, theo quy định của luật Trung Quốc thì không cần quan tâm đến các yếu tố về lỗi, tình trạng kinh tế của người gây thiệt hại. Về nguyên tắc, người gây thiệt hại có hành vi xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của người khác thì người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ những tổn thất mà mình gây ra cho người khác. Khác với luật Trung Quốc, BLDS 2015 có quy
82
định cho phép người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Theo người viết, quy định trên thể hiện tính nhân đạo, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho người chịu trách trách nhiệm bồi thường, mức BTTH dễ được người chịu trách nhiệm bồi thường chấp nhận và tự nguyện thi hành.
Luật dân sự luôn tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa các chủ thể dân sự. Đây là nguyên tắc chung được vận dụng xuyên suốt BLDS. Trong nguyên tắc BTTH, các bên có quyền tự do thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường. Mọi chuyện sẽ trở lên rất dễ dàng nếu các bên thỏa thuận được với nhau. Nhưng nếu các bên không tự thỏa thuận được với nhau thì pháp luật cần đưa ra phương án giải quyết. Tùy từng trường hợp pháp luật sẽ có những phương án phù hợp. Bên cạnh đó, phải có những phương án tổng quát cho việc BTTH. Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng về phương thức BTTH trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc BTTH sẽ được thanh toán một lần hoặc nhiều lần? Luật trách nhiệm xâm phạm quyền Trung Quốc quy định theo hướng nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án ưu tiên áp dụng phương thức thanh toán một lần. Phương thức thanh toán một lần có tác dụng đảm bảo cho quyền lợi của người bị thiệt hại được bù đắp kịp thời. Chỉ khi người gây thiệt hại điều kiện kinh tế khó khăn, không đủ khả năng thanh toán một lần thì mới được phép thanh toàn nhiều lần, nhưng phải đưa ra biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, để đương, tín chấp.v.v..
Thứ ba, năng lực chịu trách nhiệm BTTH
Năng lực trách nhiệm BTTH được phân biệt bởi ba đối tượng là cá nhân, pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Các quy định về năng lực chịu trách nhiệm BTTH theo quy định của pháp luật Trung Quốc và Việt Nam tương đối giống nhau. Điểm khác nhau cơ bản là Luật Trung Quốc quy định rõ ràng hơn về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của từng đối tượng.
- Đối với cá nhân: Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường được xác định dựa trên năng lực hành vi, khả năng tài chính, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi
83
của cá nhân. Theo Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc thì năng lực hành vi của cá nhân được chia làm 3 cấp độ: Không có năng lực hành vi dân sự, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có năng lực hành vi dân sự hạn chế. BLDS 2015 của Việt Nam không phân chia cấp độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân một cách rõ ràng. Điều 21 BLDS 2015 khi quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên chỉ phân ra các độ tuổi và chỉ ra năng lực của họ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Đặc biệt, khoản 2 Điều 11 Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc quy định: “Công dân từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thu nhập từ lao động là nguồn chính để nuôi sống bản thân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Như vậy, theo luật Trung Quốc người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ không chỉ là công dân từ đủ 18 tuổi trở lên.
Ngoài ra, pháp luật Trung Quốc quy định khá chi tiết về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân trong mối quan hệ lao động giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức. Trong quan hệ lao động thì người sử dụng lao động luôn phải đứng ra chịu trách nhiệm BTTH cho người khác nếu người lao động đang thực hiện công việc của người sử dụng lao động.
- Đối với pháp nhân: Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của pháp nhân phát sinh kể từ thời điểm pháp nhân được thành lập. Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của pháp nhân tùy thuộc vào vốn điều lệ của pháp nhân. Điều đáng lưu tâm ở đây là điều kiện để pháp nhân chịu trách nhiệm BTTH. Hiện nay, trong quy định về trách nhiệm của pháp nhân tại Điều 87 BLDS 2015, các nhà làm luật Việt Nam đang cố gắng phân tách trách nhiệm của pháp nhân và người của pháp nhân. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân. Ngược lại, người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác. Việc phân tách trách nhiệm được dựa trên tiêu chí người của pháp nhân có nhân danh hay không nhân danh
84
pháp nhân khi xác lập, thực hiện nghĩa vụ dân sự. Luật Trung Quốc hiện nay không sử dụng thuật ngữ “nhân danh pháp nhân”, vì không cắt nghĩa được thế nào là nhân danh pháp nhân. Khi thực hiện công việc của pháp nhân, người của pháp nhân chỉ biết rằng họ cần phải hoàn thành nhiệm vụ công việc. Ví dụ: Một nhân viên tiếp thị sản phẩm cần phải nhân danh công ty đến gặp khách hàng, nhưng nếu chỉ là một nhân công thi công công trình thông thường họ không cần phải nhân danh công ty khi làm việc. Trách nhiệm BTTHNHĐ phát sinh khi nhân công thi công trình đang thực hiện công việc cho công ty gây thiệt hại cho người khác, chẳng hạn như thiệt hại về sức khỏe. Lúc này, pháp nhân phải BTTHNHĐ mà không cần quan tâm nhiều đến việc người nhân công này có đang nhân danh công ty để thi công công trình hay không.
Thứ tư, về xác định thiệt hại
Luật Trung Quốc và Việt Nam đều đưa ra nhiều cách tính toán chi phí bồi thường khác nhau. Mục đích của các cách tính đều hướng tới việc thiệt hại được bù đắp toàn bộ. Thiệt hại được bù đắp toàn bộ là mục tiêu lý tưởng của chế định BTTHNHĐ. Thông thường có hai cách để xác định chi phí bồi thường. Một là, dựa vào chi phí phát sinh thực tế. Tức các khoản tiền bồi thường được tính toán dựa trên số liệu thực tế phát sinh, không mang tính ước đoán. Hai là, ấn định một mức bình quân nào đó. Pháp luật Việt Nam khi quy định về xác định thiệt hại và thời hạn hưởng bồi thường có sự nhập nhằng trong việc áp dụng phương pháp trên. Ngược lại, pháp luật Trung Quốc thiên về áp dụng phương pháp thứ hai. Những khoản chi phí bồi thường có thể xác định được dựa trên số liệu phát sinh thực tế sẽ được áp dụng cách tính như nhất. Những khoản chi phí phát sinh trong tương lai khó có thể tính toán cụ thể. Những khoản chi phí không có số liệu thực tế hoặc phát sinh trong tương lai, theo pháp luật Trung Quốc, việc tính thiệt hại trên cơ sở ấn định một mức bình quân và tính trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: Khoản tiền bồi thường tàn tật, tiền bồi thường do chết người, chi phí mai táng.v.v..
Ngoài ra, đối với thiệt hại về tài sản, thiệt hại về nhân thân, pháp luật Việt Nam và Trung Quốc có quy định khác nhau như sau:
85
- Đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:
Pháp luật Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Điều 589 BLDS 2015 mới chỉ nêu ra các dạng thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Các văn bản hướng dẫn khác cũng không chỉ rõ cách xác định các dạng thiệt hại. Vấn đề đặt ra khi xác định giá trị tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng là cần lấy mốc thời gian nào để xác định thiệt hại về tài sản? Tức, giá trị tài sản thiệt hại được xác định tại thời điểm có hành vi xâm phạm quyền, thời điểm bắt đầu tố tụng hay thời điểm kết thúc tố tụng.v.v... Theo hướng dẫn của TAND tối cao Trung Quốc thì mốc thời gian xác định giá trị tài sản bị thiệt hại là thời điểm phát sinh hành vi xâm phạm quyền.
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm hoàn toàn có thể dẫn đến thiệt hại về tinh thần nếu tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa tinh thần đặc biệt đối với chủ sở hữu. Ở Trung Quốc, những vật như vậy được gọi với thuật ngữ “Vật phẩm kỷ niệm đặc định có ý nghĩa nhân cách tượng trưng”. Khi những vật phẩm như vậy bị hủy hoại sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của chủ sở hữu. Vật phẩm kỷ niệm có thể có giá trị sử dụng hoặc không có giá trị sử dụng, có giá trị vật chất hoặc không có giá trị vật chất, nhưng vật phẩm kỷ niệm nhất định phải mang giá trị tinh thần đối với chủ sở hữu. Vật phẩm kỷ niệm đặc định bị xâm phạm sẽ gây ra tổn thất, đau thương về tinh thần cho chủ sở hữu. Vì vậy, khi vật phẩm kỷ niệm bị xâm phạm thì người gây thiệt hại ngoài việc phải BTTH về tài sản còn phải BTTH về tinh thần cho chủ sở hữu. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về khoản tiền BTTH về tinh thần do tài sản bị xâm phạm.
Ở Việt Nam, BLDS 2005 quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại phần sáu. Đến BLDS 2015, các nhà làm luật đã không đưa các quy định về quyền sở hữu trí tuệ vào Bộ luật này. Các vấn đề về BTTHNHĐ do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt là Thông tư liên tịch số: 02/2008/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BVHTT-BKH-BTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại
86
TAND. Các nhà làm luật Trung Quốc đưa quyền sở hữu trí tuệ vào quy định tại mục 3, chương V Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc. Do đó, trong chế định BTTHNHĐ cũng có quy định về BTTHNHĐ do quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Các quy định về BTTH do quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm trong Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức độ hết sức cơ bản, nhưng cần thiết.
- Đối với thiệt hại do nhân thân bị xâm phạm:
Đối với thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm dẫn đến tàn tật, pháp luật Trung Quốc có 2 loại chi phí bồi thường mà pháp luật Việt Nam không quy định hoặc quy định không rõ ràng là: tiền bồi thường tàn tật, chi phí khám chữa bệnh trong tương lai. Khoản tiền bồi thường tàn tật có ý nghĩa hỗ trợ kinh tế cho người bị thiệt hại do thu nhập bị giảm sút do tàn tật. Người bị xâm phạm sức khỏe dẫn đến tàn tật sẽ bị ảnh hưởng tới khả năng lao động. Thu nhập của người tàn tật có thể bị giảm sút tùy vào mức độ tàn tật. Do đó, để đảm bảo cuộc sống cho người bị tàn tật, người gây thiệt hại còn phải chi trả tiền bồi thường tàn tật. Ngoài ra, trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm dẫn đến người bị thiệt hại mất khả năng lao động thì người gây thiệt hại còn phải bồi thường chi phí sinh hoạt cho người được người tàn tật nuôi dưỡng. Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định về trường hợp nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động thì người gây thiệt hại phải bồi thường tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo điểm c, khoản 1, Điều 591 BLDS 2015 thì chi phí cấp dưỡng trên chỉ áp dụng cho trường hợp thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Nói cách khác, người bị thiệt hại mất khả năng lao động hay bị chết đều không thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định trường hợp khi người bị thiệt hại chết thì người gây thiệt hại phải bồi thường chi phí cấp dưỡng, còn nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động thì chi phí cấp dưỡng đang bị bỏ ngỏ.
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại có thể là chi phí phát sinh ở thời điểm hiện tại hoặc phát sinh trong tương lai, vì quá trình khám chữa bệnh, phục hồi
87
chức năng cho người bị thiệt hại có thể diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định hoặc diễn ra trong khoảng thời gian dài, thậm chí là suốt cuộc đời người bị thiệt hại. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về chi phí khám chữa bệnh phát sinh trong tương lai. Thực trạng cho thấy, khi giải quyết các vụ án BTTHNHĐ do sức khỏe bị xâm phạm, Tòa án mới chỉ giải quyết tốt những khoản chi phí khám chữa bệnh phát sinh đến thời điểm xét xử. Pháp luật chưa đưa ra phương án giải quyết đối với những khoản chi phí phát sinh trong tương lai, nên thực tiễn giải quyết vẫn còn nhiều vướng mắc. Từ đó gây trở ngại cho người bị thiệt hại trong việc đưa ra yêu cầu BTTH.
Đối với thiệt hại về tính mạng, ngoài những chi phí thông thường như chi phí cứu chữa, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết, chi phí mai tang, chi phí cấp dưỡng, tiền bù đắp tinh thần, pháp luật Trung Quốc còn quy định thêm một khoản bồi thường là tiền bồi thường do chết người. Nếu người bị thiệt hại không bị xâm phạm đến tính mạng thì người đó sẽ có thu nhập và tạo ra tích lũy. Người thân của