Cách xác định thiệt hại theo pháp luật Trung Quốc

Một phần của tài liệu So sánh chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật việt nam và pháp luật trung quốc (Trang 51 - 61)

46

Xâm phạm vật quyền là hình thức chủ yếu và cơ bản nhất của hành vi xâm phạm tài sản của người khác. Bao gồm hành vi hủy hoại tài sản của người khác khiến tài sản bị hư hỏng về hình thức bên ngoài và chất lượng bên trong, thậm chí dẫn đến hư hỏng hoàn toàn tài sản. Hành vi xâm phạm vật quyền trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị và giá trị sử dụng của tài sản. Ví dụ: Chiếc xe bị đâm hỏng, bình hoa cổ bị đập vỡ, đồ điện gia dụng bị đốt cháy, vật kiến trúc bị hủy hoại.v.v.. Theo Điều 19 Luật trách nhiệm xâm phạm quyền Trung Quốc có quy định chung về xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau: “Xâm hại tài sản của người khác, thì giá trị tài sản tổn thất căn cứ vào giá cả thị trường tại thời điểm phát sinh tổn thất hoặc phương pháp khác để tính toán”. Nếu tài sản đã qua sử dụng nhiều năm thì giá cả tài sản phải là giá đã khấu hao giá trị sử dụng của tài sản tương ứng trên thị trường. Ví dụ: Một chiếc xe đã sử dụng 5 năm bị hủy hoại thì giá cả của chiếc xe là giá trên thị trường của loại xe cũ cùng loại và cùng thời gian sử dụng. Nếu trên thị trường không còn bán tài sản như vậy, dẫn đến không có giá cả thị trường để so sánh thì có thể áp dụng các phương thức tính toán khác như phương thức đánh giá giá trị.v.v.. Ví dụ: Đồ cổ bị hủy hoại mà trên thị trường không có giá cả để so sánh thì có thể căn cứ vào sự đánh giá của cơ quan chuyên môn để xác định.

Thiệt hại về tài sản nêu trên thường chỉ thiệt hại trực tiếp do hành vi xâm phạm tài sản gây ra. Hành vi xâm phạm tài sản ngoài thiệt hại đối với bản thân tài sản, còn có thể làm phát sinh thiệt hại gián tiếp, thiệt hại thuần kinh tế. Thiệt hại gián tiếp và thiệt hại thuần kinh tế là hai loại thiệt hại có đặc điểm giống và khác nhau nhất định. Trong cuốn sổ tay bồi thường của quỹ bồi thường ô nhiễm dầu quốc tế (IOPC) từ năm 2002 đến năm 2005 có nêu: “Cái mà thiệt hại thuần kinh tế nhấn mạnh là tài sản của chủ sở hữu hoặc người sử dụng không bị xâm phạm, thiệt hại ở đây là thiệt hại về thu nhập của chủ sở hữu hoặc người sử dụng tài sản”. Ví dụ: Do tai nạn thuyền bè chở dầu dẫn đến tài nguyên của ngành đánh bắt cá trong khu vực biển bị phá hoại, du khách bãi biển bị giảm dẫn đến thiệt hại về thu nhập của khách sạn, quán ăn, du thuyền… đều là thiệt hại thuần kinh tế. Còn thiệt hại gián tiếp nhấn mạnh ở điểm lấy của cải của người bị hành vi xâm phạm quyền làm tiền đề

47

phát sinh thiệt hại. Ví dụ: Lưới, thuyền đánh cá... của ngư dân bị ô nhiễm, thiệt hại lợi ích do không thể đánh bắt trong thời gian làm sạch dụng cụ đánh bắt là thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại gián tiếp trong ví dụ này là những thiệt hại liên quan đến tài sản của cư dân như lưới, thuyền bè. Còn cái mà thiệt hại thuần kinh tế nhấn mạnh là thu nhập bị giảm sút. Có thể thấy, thiệt hại gián tiếp và thiệt hại thuần kinh tế đều là thiệt hại kinh tế. Nhưng hai loại thiệt hại này có tiền đề phát sinh không giống nhau. Thiệt hại thuần kinh tế nếu so sánh với thiệt hại trực tiếp thì thiệt hại thuần kinh tế là một loại thiệt hại gián tiếp [28]. Thiệt hại thuần kinh tế bao gồm nhiều loại hình thiệt hại khác nhau, có thể là thiệt hại về lợi nhuận, có thể là sự giảm sút về giá trị sử dụng của vật. Thiệt hại thuần kinh tế có cần được bồi thường hay không?! Trong lập pháp và học thuyết của các quốc gia trên thế giới đều chưa đi đến kết luận. Trong hoàn cảnh pháp luật của thế giới như vậy, Điều 177 Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc quy định như sau: “Nếu người bị thiệt hại còn chịu những thiệt hại lớn khác, thì người gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại đó”. Nhưng thiệt hại lớn khác ở đây được hiểu là thiệt hại gián tiếp và thiệt hại thuần kinh tế. TAND tối cao Trung Quốc đã có hướng dẫn như sau: “Khi quyết định phạm vi bảo hộ lợi ích, cần cân nhắc lợi ích của người thực hiện hành vi, đặc biệt là quyền lợi tự do hành động và hành sử của người thực hiện hành vi và cân nhắc đến lợi ích công cộng”. Như vậy. các quy định trên của pháp luật Trung Quốc về thiệt hại gián tiếp và thiệt hại thuần kinh tế tuy chưa rõ ràng, nhưng pháp luật Trung Quốc đã dần thừa nhận thiệt hại thuần kinh tế.

Có học giả cho rằng thiệt hại tài sản có thể phân loại thành thiệt hại đáng được hưởng (hay còn gọi là thiệt hại tích cực, tức thiệt hại trực tiếp) và lợi ích mất đi (hay còn gọi là thiệt hại gián tiếp, tức những lợi ích đáng được hưởng nhưng không được hưởng). Thiệt hại gián tiếp là những lợi ích đáng được hưởng bị giảm sút. Thiệt hại gián tiếp không phải là sự giảm sút tài sản hiện có của người bị thiệt hại, mà là sự giảm sút những lợi ích hoàn toàn có thể phát sinh từ tài sản bị bị xâm phạm. Ví dụ: Xe taxi bị người khác đâm vào dẫn đến xe không thể đưa vào hoạt động, thiệt hại gián tiếp là khoản tiền phải trả mỗi ngày do xe không được đưa vào

48

hoạt động. Về mặt lý luận và thực tiễn tư pháp, vấn đề thiệt hại gián tiếp có được bồi thường hay không, bồi thường như thế nào, hiện nay có quan điểm khác nhau. Có học giả cho rằng, thiệt hại gián tiếp có căn cứ pháp luật. Khoản 3, Điều 117 Quy tắc chung Luật dân sự Trung Quốc quy định: “Nếu người bị thiệt hại còn chịu những thiệt hại lớn khác, thì người gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại đó”. Quy định này chính là nguyên tắc bồi thường đối với thiệt hại gián tiếp. Có học giả cho rằng, không thể vì bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại mà tăng nặng trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại. Nếu đặt ra yêu cầu quá lớn đối với người gây thiệt hại sẽ ảnh hưởng đến tự do hành vi của họ. Nó vi phạm nguyên tắc cân bằng lợi ích, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội. Vì vậy, đối với thiệt hại gián tiếp phải áp dụng tiêu chuẩn có thể thấy trước để giới hạn.

- Xác định thiệt hại do nhân thân bị xâm phạm

Pháp luật về BTTHNHĐ Trung Quốc đưa ra các phương pháp xác định thiệt hại ngoài khá chi tiết. Khi quyền lợi nhân thân bị xâm phạm sẽ đẫn đến ba dạng tổn thất chính là tổn thất về nhân thân, tài sản và tinh thần. Dù là dạng tổn thất nào đi nữa thì cách bù đắp phổ biến nhất vẫn là bồi thường bằng tiền. Chính vì vậy, pháp luật Trung Quốc cố gắng chia nhỏ các dạng tổn thất thành nhiều loại chi phí khác nhau. Cùng với đó, người gây thiệt hại còn phải thực hiện một số phương án bồi thường khác như xin lỗi, cải chính công khải.v.v.. Theo Điều 20 Luật trách nhiệm xâm phạm quyền Trung Quốc: “Xâm phạm quyền lợi nhân thân của người khác dẫn đến tổn thất tài sản, thì căn cứ vào tổn thất mà người bị xâm phạm quyền gánh chịu để bồi thường; nếu tổn thất của người bị xâm phạm quyền khó xác định, người xâm phạm quyền vì thế được hưởng lợi, thì căn cứ vào lợi ích được hưởng để bồi thường; lợi ích của người có hành vi xâm phạm quyền khó xác định, người bị xâm phạm quyền và người xâm phạm quyền không thương lượng được về mức bồi thường, do đó khởi kiện tại tòa án nhân dân thì tòa án nhân dân căn cứ vào tình hình thực tế quyết định mức bồi thường”.

Theo Điều 17 Giải thích tư pháp số 20 năm 2003 của TAND tối cao Trung Quốc thì thiệt hại được xác định như sau:

49

+ Người bị thiệt hại bị thiệt hại về nhân thân thì người có nghĩa vụ bồi thường phải bồi thường các chi phí và thu nhập bị giảm sút do nghỉ làm trong quá trình khám chữa bệnh, bao gồm: chi phí khám chữa bệnh, thu nhập giảm sút do nghỉ làm, chi phí người chăm sóc, chi phí đi lại, chi phí thuê nơi nghỉ, chi phí trợ cấp ăn uống khi nằm viện, chi phí mua đồ dinh dưỡng cần thiết.

+ Người bị thiệt hại bị tàn tật thì ngoài những chi phí trên người có nghĩa vụ bồi thường phải bồi thường thêm chi phí cần thiết cần chi trả trong cuộc sống hàng ngày và thiệt hại về thu nhập do giảm sút khả năng lao động gây ra, bao gồm: tiền bồi thường tàn tật, chi phí dụng cụ hỗ trợ người tàn tật, chi phí sinh hoạt cho người được người bị thiệt hại nuôi dưỡng và chi phí hồi phục sức khỏe như tiền hộ lý hồi phục sức khỏe, chi phí khám chữa bệnh tiếp tục phát sinh trên thực tế; tiền hộ lý, chi phí khám chữa bệnh sau này.

+ Người bị thiệt hại chết thì người có nghĩa vụ bồi thường ngoài những chi phí liên quan trong quá trình cấp cứu, điều trị còn phải bồi thường các chi phí hợp lý khác như: chi phí mai táng, chi phí sinh hoạt cho người được người bị thiệt hại nuôi dưỡng, tiền bồi thường do chết người và chi phí đi lại, chi phí thuê nơi nghỉ, thu nhập bị giảm sút do nghỉ làm.v.v.. mà người thân của người bị thiệt hại chi trả để tổ chức mai táng cho người chết.

+ Người bị thiệt hại hoặc người thân của người chết bị thiệt hại về tinh thần thì người có quyền lợi bồi thường có quyền yêu cầu TAND buộc người có nghĩa vụ bồi thường tiền an ủi do thiệt hại về tinh thần. Quyền yêu cầu bồi thường tiền an ủi do thiệt hại về tinh thần không được chuyển nhượng hoặc thừa kế. Trừ trường hợp, người có nghĩa vụ bồi thường đã chấp nhận trả tiền bồi thường dưới hình thức văn bản hoặc người có quyền lợi bồi thường đã khởi kiện ra TAND.

Như vậy, Luật về trách nhiệm BTTHNHĐ Trung Quốc quy định 12 loại chi phí BTTH về nhân thân gồm có: Chi phí khám chữa bệnh, thu nhập giảm sút do nghỉ làm, chi phí cho người chăm sóc, chi phí đi lại, chi phí trợ cấp ăn uống khi nằm viện, chi phí dinh dưỡng, tiền bồi thường tàn tật, chi phí dụng cụ hỗ trợ người

50

tàn tật, chi phí mai táng, chi phí sinh hoạt cho người được người bị thiệt hại nuôi dưỡng, tiền bồi thường do chết người, tiền an ủi do thiệt hại về tinh thần.

Thứ nhất, về chi phí khám chữa bệnh. Chi phí khám chữa bệnh được căn cứ dựa trên chứng từ thu phí mua thuốc, phí nằm viện, kết hợp với các chứng cứ liên quan như bệnh án, kết quả chẩn đoán.v.v..của cơ sở khám chữa bệnh để xác định. Đối với các khoản chi phí tập luyện hồi phục chức năng cơ thể, chi phí thẩm mỹ và chi phí điều trị sau này thì người bị thiệt hại có thể căn cứ vào các chi phí phát sinh sau này để khởi kiện ở vụ án khác. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào kết luận khám chữa bệnh hoặc kết luận giám định chứng minh được rằng chắc chắn sau này sẽ phát sinh chi phí khác thì Tòa án có thể quyết định mức bồi thường đồng thời bao gồm chi phí khám chữa bệnh đã phát sinh và chi phí phát sinh sau này. Quy định này giúp người bị thiệt hại không phải khởi kiện nhiều lần để yêu cầu BTTH đối với những chi phí khám chữa bệnh và chi phí liên quan khác phát sinh sau này.

Thứ hai, về thu nhập bị giảm sút do nghỉ làm. Nếu người bị thiệt hại có thu nhập cố định thì thu nhập bị giảm sút do nghỉ làm được tính toán dựa vào mức thu nhập thực tế bị giảm sút. Nếu người bị thiệt hại không có thu nhập cố định thì mức thu nhập giảm sút do nghỉ làm được tính dựa vào thu nhập bình quân trong 3 năm gần nhất. Nếu không thể chứng minh tình trạng thu nhập bình quân trong 3 năm gần nhất thì căn cứ vào mức lương bình quân trong 1 năm của người làm công việc tương đồng hoặc công việc tương tự nơi Tòa án thụ lý vụ án để tính toán.

Thứ ba, về chi phí cho người chăm sóc. Chi phí cho người chăm sóc căn cứ và thu nhập thực tế của người chăm sóc và số người chăm sóc, thời gian chăm sóc để xác định. Nếu người chăm sóc có thu nhập thì chiếu theo quy định về thu nhập bị mất do nghỉ làm để tính toán. Nếu người chăm sóc không có thu nhập hoặc thuê y tá chăm sóc thì căn cứ vào thù lao của dịch vụ hộ lý tương đương tại địa phương để tính toán. Về nguyên tắc chỉ có một người chăm sóc, nhưng nếu cơ sở khám chữa bệnh hoặc cơ sở giám định có ý kiến rõ ràng về số người chăm sóc thì có thể tham khảo để quyết định số người chăm sóc. Người chăm sóc có thể là nhân viên chuyên làm công việc hộ lý, người thân của người bị thiệt hại và nhân viên khác được

51

người bị thiệt hại thuê chăm sóc. Thời hạn chăm sóc được tính đến thời điểm người bị thiệt hại có khả năng tự lo liệu sinh hoạt hàng ngày. Nếu người bị thiệt hại bị tàn tật không thể khôi phục khả năng tự lo liệu sinh hoạt hàng ngày thì có thể căn cứ vào các yếu tố độ tuổi, tình trạng sức khỏe để quyết định thời gian hộ lý thích hợp, nhưng không quá 20 năm.

Thứ tư, về chi phí đi lại. Chi phí đi lại được căn cứ vào chi phi di chuyển thực tế phát sinh do người bị thiệt hại hoặc người đi theo chăm sóc cần thiết nhập viện hoặc chuyển viện. Chi phí đi lại phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ phù hợp. Các chứng cứ liên quan phải phù hợp với địa điểm, thời gian, số người, số lượt nhập viện.

Thứ năm, về chi phí hỗ trợ ăn uống. Chi phí hỗ trợ ăn uống có thể tham chiếu vào tiêu chuẩn hỗ trợ ăn uống khi đi công tác của nhân viên thông thường trong cơ quan nhà nước để quyết định. Người bị thiệt hại bắt buộc phải đến nơi khác điều trị, vì lý do khách quan không thể nằm viện thì chi phí ăn ở phát sinh thực tế của bản thân người bị thiệt hại và người đi theo chăm sóc được bồi thường ở mức hợp lý.

Thứ sáu, chi phí dinh dưỡng. Đồ dinh dưỡng để khôi phục sức khỏe cho người bị thiệt hại phải là chi phí cần thiết. Trước đây, ở Trung Quốc chưa có quy định rõ ràng về chi phí dinh dưỡng. Chỉ đến khi TAND tối cao Trung Quốc ban hành “Ý kiến số 3 năm 2001 về một số vấn đề liên quan đến thụ lý vụ án BTTH do điện giật” và có hiệu lực thi hành từ ngày 21/01/2001 thì vấn đề chi phí dinh dưỡng mới được quy định rõ ràng. Theo đó, phí hỗ trợ ăn uống được xác định căn cứ vào thời gian người bị thiệt hại nằm viện hoặc thời gian chữa trị ở bên ngoài. Dựa vào mức trợ cấp ăn uống của nhân viên nhà nước thông thường khi đi công tác để tính toán. TAND phải căn cứ vào tình trạng thương tật của người bị thiệt hại, ý kiến của bệnh viện nơi người bị thiệt hại chữa bệnh để quyết định có cần phải bồi thường phí dinh dưỡng và mức bồi thường [29].

Thứ bảy, tiền bồi thường tàn tật được căn cứ vào ba tiêu chí: thời hạn hưởng tiền bồi thường tàn tật, tiêu chuẩn thu nhập không chế bình quân của cư dân thành phố, thị trấn hoặc thu nhập bình quân của cư dân nông thôn trong một năm tại địa

52

phương nơi có TAND và tỷ lệ % được bồi thường (tỷ lệ % được bồi thường xác

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu So sánh chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật việt nam và pháp luật trung quốc (Trang 51 - 61)