NHỮNG GÌ CHÚNG MUỐN
Khi con bạn muốn làm gì đó, hãy cứ để chúng làm. Nếu hai con trai tôi nói muốn uống rượu, đua xe hay bất cứ điều gì, tôi
cũng sẽđể chúng làm thử.
Càng bị cấm đoán, trẻ càng muốn làm tới cùng
Trách nhiệm, nói một cách khác, chính là sự cảm thông, là sự quan tâm chia sẻ đến người khác. Bạn cần nhận thức rằng chúng ta không thể sống đơn lẻ mà phải sống trong các mối quan hệ với những người xung quanh và xã hội. Do đó, chúng ta cần phát huy tốt vai trò cá nhân của mình. Nếu hiểu rõ vấn đề này rồi thì cho các con tự quyết định việc mình sẽ làm. Đây chính là phương châm giáo dục của tôi.
Tôi hay nói với các con mình rằng, "Bố cũng đang sống theo những nguyên tắc đó, các con hãy thử làm theo đi. Vì như thế, dù thất bại bố cũng sẽ giúp các con trong khả năng của mình" Ngoài những quy tắc về 4 trách nhiệm, tôi không cấm đoán chúng bất kỳ điều gì cả. Tôi để cho con làm những gì mà chúng thích. Tuy nhiên, nếu chúng nói muốn sử dụng ma tuý, chắc hẳn tôi cũng sẽ phải suy nghĩ và cân nhắc lại kỹ càng. Nhưng để con trở thành như thế thì trách nhiệm thuộc
về người làm cha làm mẹ, và nếu là tôi, kể cả trong trường hợp này, tôi cũng sẽ không bao giờ nói "không" với con.
Khi vợ chồng tôi cùng dàn nhạc của trường con trai đi biểu diễn, hơn 80% số học sinh trong đoàn hút cần sa, nhưng con trai tôi hoàn toàn không bị ảnh hưởng, thằng bé luôn chọn ngồi hàng ghế đầu trên xe trong suốt chuyến đi. Tôi luôn có niềm tin vào năng lực phán đoán, nhận thức đúng sai của con mình nên dù có để chúng làm theo những gì chúng thích, tôi cũng không lo lắng quá nhiều.
Khi con trai thứ hai của tôi du học ở Mỹ, bạn cùng phòng đã mời nó dùng thử ma túy. Ngay lập tức, nó đã nổi giận và đuổi cậu bạn đó ra khỏi phòng.
Kể cả khi các con tôi có đi vào con đường xấu, tôi cũng sẽ không bao giờ bắt chúng phải từ bỏ những gì chúng đã chọn. Tôi vẫn sẽ luôn nói "Hãy làm những gì con muốn". Tôi muốn chúng được trải nghiệm. "Con muốn đua xe ư? Cũng được, vậy con hãy thử đi". Có lẽ việc cố gắng thấu hiểu suy nghĩ của con cũng đóng một vai trò nào đó. Cha me càng ngăn cấm, càng nói không được, chúng càng kiên quyết làm.
Cũng giống như khi đi trượt tuyết, nếu bạn sợ hãi và cố gắng ngả người về phía sườn núi, kiểu gì bạn cũng ngã. Nhưng ngược lại, nếu lao người về phía con dốc, chúng ta sẽ không gặp vấn đề gì cả. Trượt tuyết là môn thể thao đi ngược lại với bản năng của con người. Càng lao mình về phía dốc chúng ta càng lạng lách một cách dễ dàng.
Tương tự như vậy, những lúc con muốn làm theo ý mình, cha mẹ cũng nên buông mình theo con, chắc chắn chúng sẽ trượt trơn tru, nhịp nhàng hơn là chúng ta tưởng. Quan trọng là khi ấy cha mẹ phải liên tục trao đổi cùng con cái. Nếu bạn không đối thoại được với con, bạn sẽ không thể cải thiện được bất cứ thứ gì hết. Cũng giống như phi hành đoàn trên con tàu vũ trụ Endeavour, không thể làm bất cứ việc gì nếu các phi hành gia không chuyển được thông điệp của mình đến đối phương. Tôi cho rằng, chính đối thoại mới là chốt an toàn duy nhất cho gia đình.
Cha mẹ can thiệp sâu sẽ ảnh hưởng đến năng lực
phán đoán của con cái
Tôi đã cho các con thử điều khiển xe máy khi chúng còn nhỏ. Lẽ dĩ nhiên, tôi biết điều đó là nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn cho chúng ra ngoài và nói với chúng rằng "Bao giờ bị thương thì quay lại đây".
Con đường tôi cho bọn trẻ chạy xe không phải đường thường mà là một quãng đường rừng vắng, nếu có ngã cũng không ảnh hưởng đến tính mạng nên ngã bao nhiêu lần cũng không sao cả. Bản thân tôi cũng từng bị thương rất nhiều lần. Có lẽ chính nhờ những lần tập chạy xe đó mà tôi đã nuôi dạy nên những đứa trẻ không bao giờ phạm phải những sai lầm lớn. Việc chúng ta cố gắng giữ bọn trẻ không bị thương hay không cho chúng làm gì mới thực sự là điều nguy hiểm.
Cha mẹ càng cấm đoán khắt khe, càng răn đe "Không được bạn trai bạn gái gì hết, còn đang đi học hẹn với hò gì", con càng dễ phạm phải sai lầm nghiêm trọng với cô bạn gái đâu tiên con gặp. Thế nên, không được cấm đoán con cái. Hãy để con tích luỹ thật nhiều kinh nghiệm, có như vậy, chúng mới biết tự phán đoán trước mọi sự việc va sống thật tốt sau này.
Con người cũng là một loài động vật, vì vậy nếu như không được rèn luyện thường xuyên sẽ không bao giờ tiến bộ. Nếu bạn cứ cố gắng nuôi dưỡng một đứa trẻ trong môi trường thuần khiết, dùng mọi cách để tránh các nguy hiểm xung quanh con, chúng sẽ không thể tồn tại tốt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay được.
Cha mẹ càng can thiệp quá nhiều, trẻ con càng đi theo hướng ngược lại. Tôi cũng vậy, thời niên thiếu, tôi thường làm trái lại lời răn dạy của cha mẹ hay lời nhắc nhở của thầy cô. Dù cha mẹ có phản đối đi chăng nữa, con cái vẫn cứ làm theo những gì chúng muốn. Vậy tại sao chúng ta không thử lấy đó làm tiền đề để cha mẹ và con cái cùng đối thoại một cách cởi mở hơn? Tôi nghĩ điều đó không những rất tốt cho con trẻ mà còn rất tốt cho chính những người làm cha làm mẹ như chúng ta.