KHÁC Gì TÊN NGỐC
Trước giờ chúng ta luôn cố gắng học thuộc lòng càng nhiều càng tốt. Nhưng sẽ thật phí sức biết bao nhiêu khi não bộ của con
người không thể cạnh tranh với bộ nhớ của máy tính.
Nổi giận khi nhìn vào bài tập về nhà của con
Nhìn vào bọn trẻ, tôi cảm nhận được bây giờ là một thời đại tuyệt vời. Trước đây, chúng tôi phải luôn nỗ lực, cố gắng ghi nhớ những kiến thức có ích càng nhiều càng tốt. Nhưng ngày nay với sự phát triển của máy tính, việc học thuộc lòng đã không còn cần thiết nữa. Có rất nhiều thứ chúng ta cần phải ghi nhớ, nhưng cũng có vô vàn thứ không cần phải học thuộc lòng nữa.
Ví dụ, nếu tôi sử dụng máy tính được nối mạng, trong trường hợp tôi không biết về một vấn đề gì đó, chỉ can nhập từ khóa vào máy tính, ngay lập tức tôi có câu trả lời. Những chữ Hán bạn chỉ nhớ mang máng, bạn có thể tra và hiểu nó ngay lập tức. Hay khi bạn cần đánh vần tiếng Anh, bạn cũng chỉ cần nhấn nút kiểm tra chính tả, máy tính sẽ kiểm tra toàn bộ cho bạn.
Như vậy ở thời đại ngày nay, chúng ta không cần thiết phải nhớ hết tất cả mọi thứ. Chẳng hạn với bốn phép tính
cộng trừ nhân chia, chúng ta chỉ cần nhớ thao tác để mở phần mềm bảng tính, nó sẽ tự động tính toán tất cả cho chúng ta. Và với đà này, chỉ cần 5 năm nữa thôi, học sinh bậc phổ thông trung học sẽ mang máy tính đến trường và không cần phải ghi chép gì nữa.
Thời đại đã thay đổi nhưng giáo dục trường học vẫn đơn thuần bắt bọn trẻ phải học thuộc lòng, lặp đi lặp lại một cách chính xác các phép tính đơn giản.
Nhìn vào bài tập về nhà của bọn trẻ, tôi đã phát hoảng và muốn nổi điên lên. Tôi nói với các con "Thôi bỏ bài tập đi, đừng làm nữa, xem máy tính và chơi game trên tivi đi". Kỳ nghỉ hè, các con mang về một xấp bài tập mà bài nào cũng na ná nhau chỉ khác con số và trìnhtự phép tính, tôi nghĩ nhà trường bắt bọn trẻ làm hết 200 bài tập thế này thì giống đang "huấn luyện" chứ không phải hướng đến mục tiêu cần thiết của "giáo dục".
Càng là thiên tài ở trường học thì càng nguy hiểm trong tương lai
Giờ tôi vẫn có thói quen liếc qua các đề thi đại học đăng trên báo hằng năm, cứ mỗi lần đọc, tôi lại mong muốn được một lần nhìn thấy gương mặt những ông thầy bà cô đã nghĩ ra cái đề này. Tôi thật sự rất lấy làm "ngưỡng mộ" khi nội dung của đề thi Toán hay Tiếng Anh toàn là những câu tầm phào vô vị, không có tính thực tế. Tôi lo cho những thí sinh làm được hết chỗ đề thi kỳ cục đó mà không sai một câu
nào, liệu rằng 10 năm sau, các em có thể trở thành những con người có ích cho xã hội hay không.
Với kiểu đào tạo như thế này thì lớp trẻ của chúng ta chắc chắn sẽ bị tụt lại trong dòng chảy của thời đại mới. Thật ra, khi gặp dạng bài tập như thế này thì việc sử dụng máy tính để giải quyết là hiệu quả nhất. Bọn trẻ chỉ cần làm 3 phép tính đầu tiên, sau khi đã hiểu cách giải rồi thì những phép còn lại không cần phải làm nữa, cứ đặt cho máy thực hiện hàng loạt.
Vì vậy, những gì máy tính làm được hãy để máy làm, bởi sẽ thật là lãng phí công sức nếu con người cứ muốn tranh phần với máy tính. Không những thế, những người làm những phần việc vô ích đó sẽ có những ảo tưởng về năng lực bản thân và ngày càng khó tiếp thu những kiến thức mới. Họ không biết những kiến thức mà ngày đêm họ cố gắng học thuộc lòng đó sẽ không đem lại lợi ích gì cho họ, vì thế khi bước ra ngoài xã hội, một lúc nào đó họ sẽ trở thành những người lười phấn đấu. Nhiều người mặc dù có bảng thành tích học tập rất tốt, nhưng khi bước chân ra ngoài xã hội họ lại là những người nhanh chóng bị vấp ngã bởi vì họ luôn cho rằng "Ta giỏi hơn người" và không chịu nỗ lực học hỏi thêm.
Mùa hè tham gia hoạt động tình nguyện sẽ tốt hơn
làm những bài tập toán khô khốc
Giáo dục Nhật Bản từ trước đến nay luôn chú trọng những việc đào tạo tri thức. Vì thế nếu hỏi điều gì còn
khuyết thiếu ở người Nhật, thì câu trả lời sẽ là "Tinh thần thiện nguyện", hay còn gọi là sự quan tâm đến người khác.
Chỉ lo nhồi nhét kiến thức vào đầu, chỉ chăm chăm đến thành tích cá nhân, có thể bắt gặp những suy nghĩ này ở mọi lúc mọi nơi. Có thể nói giáo dục Nhật Bản chỉ đặt kiến thức lên hàng đầu, ngoài ra không còn chú trọng đến vấn đề nào khác nữa.
Để có thể bồi dưỡng đạo đức và lòng yêu thương con người, tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho trẻ cọ xát nhiều với thực tế. Ví dụ trong kỳ nghỉ hè, thay vì phải ngồi vật lộn với các phép tính khô khan, hãy cho trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện ở các nhà dưỡng lão như thu dọn bàn ăn, rửa bát đĩa hay thay ga trải giường. Những va vấp thực tế là hành trang quý báu khi trẻ lớn lên. Hoặc bạn cũng có thể cho trẻ tham gia các hoạt động công ích như quét dọn đường phố. Làm như vậy lũ trẻ sẽ hiểu nếu là người vô ý thức sẽ gây phiền toái cho người khác như thế nào.
Hôm trước, trên đường đến bán đảo Miura, tôi nhìn thấy một cánh tay thoải mái vung lên vứt toẹt một chiếc hộp đựng thức ăn nhanh từ cửa sổ chiếc xe 2 cầu(*) chạy phía trước. Chiếc hộp to lăn lông lốc rồi nằm dựng đứng trên đường phố sạch đẹp. Ném có kỹ thuật như thế khiến tôi rất ấn tượng, phải tôi thì tôi không dám có hành động đó, nhưng với giới trẻ, đó lại là một hành động rất bình thường.
(*) Xe 2 cầu: Là dòng xe đắt tiền, có cấu tạo truyền động 4 bánh thường dùng để chạy địa hình.
Ngày nay, con người đã được giải phóng khỏi việc phải ghi nhớ tất cả mọi thứ, có lẽ vì thế những vấn đề mang tính xã hội khác lại ngày càng trở nên nghiêm trọng và cần được giải quyết hơn.
Để thế giới này vận hành trơn tru, con người không chỉ cố gắng giảm thiểu tối đa mọi chi phí mà mỗi cá nhân cần tự mình nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với một Tổ quốc không có tài nguyên phong phú, trách nhiệm giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp,...
Chẳng hạn nguyên nhân khiến chúng ta phải nộp thuế cao là do ai cũng thờ ơ bàng quan với những công trình công cộng và dịch vụ đi kèm. Nếu con người cùng nhau chung tay giữ gìn làm sạch đẹp thành phố quê hưong mình thì tất nhiên tiền thuế nhờ thế cũng sẽ được giảm xuống. Hay giảm thiểu việc đào bới đường sá bung bét ngổn ngang để lắp đường ống nước, ống dẫn ga, đường điện, đường nước thải lại thì chi phí công ích cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên dạy cho trẻ biết xã hội này vận hành như thế nào và tiền thì được chi vào những đâu. Và nếu tuần nào cũng cho trẻ tham gia vào các hoạt động công ích thì cũng học được nhiều điều từ chính nhưng việc đó. Những hỉnh thức giáo dục gắn kết với cộng đồng như thế này chỉ mình tôi nỗ lực áp dụng nhiều hơn đến bao nhiêu lần đi nữa vẫn chưa đủ, mà cần phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Hãy nhìn vào mức độ ô nhiễm ở các bờ biển của Nhật Bản hiện tại, thật không thể hiểu nổi tại sao ô nhiễm đến thế mà đất nước này cũng được gọi là một đất nước văn minh. Bên cạnh đó những hoạt động xây dựng công trình công cộng cũng góp phần phá hủy đất nước Nhật Bản vẫn đang được tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhìn vào những công trình được bê tông hóa, những chiếc xe ủi đất đang ngày đêm phá hủy môi trường, tôi cảm thấy người dân Nhật sống rất thờ ơ vô cảm, lúc nào cũng chỉ biết đến "tiền", "tiền" và "tiền".
Là con dân của đất nước này, chúng ta không được quên tầm quan trọng của giáo dục con người. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đã ý thức được điều đó rồi, việc cải tổ cũng cần một thời gian dài mới có thể hoàn thiện được.