- Tiểu vùng sử thi Êđê Giarai ở miền trung Tây Nguyên trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc Các tộc người này nói ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesien) Sử
MỘT SỐ PHẠM TRÙ TỰ SỰ QUA KHẢO SÁT NỘI DUNG VÀ THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT SỬ THI RA GLA
2.1. Akhat`jucar sử thi RaGlai và sự phản ánh quan hệ giữa văn hóa bản địa với văn hóa Chăm
bản địa với văn hóa Chăm
Việc nhấn mạnh mối quan hệ văn hóa tộc người sâu sắc, lâu đời Ra Glai- Chăm và chức năng tộc người của văn hóa trong quá trình sáng tạo, lưu truyền và biến đổi văn hóa dân gian Ra Glai có một ý nghĩa hết sức quan trọng khi thẩm định, đánh giá và lý giải những vấn đề đặt ra và giải quyết trong sử thi Ra Glai.
Như trên đã nói, hiện nay đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ Chăm – Ra Glai. Trong phần mở đầu của công trình Luật tục Chăm và luật tục Ra Glai, nhóm biên soạn cũng đã phân tích khá sâu, khá dài về các ý kiến khác nhau về mối quan hệ này. Chung quy lại là có hai quan điểm chính. Một là quan điểm của Nguyễn Tuấn Triết trong công trình Người Ra Glai ở Việt Nam, theo đó, ―Người Ra Glai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi, cùng nhóm ngữ hệ, nhưng phát triển độc lập với nhau‖. Hai là quan điểm của nhóm tác giả trong công trình
Văn hóa xã hội người Ra Glai ở Việt Nam, cho rằng người Ra Glai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi nhất, gắn bó hữu cơ, lâu dài, toàn diện, ở vị trí tiếp nối và có quan hệ hai chiều. Người Ra Glai là một tộc người trong thành phần cư dân của Chămpa cổ đại.... Các tác giả của công trình này đã chứng minh luận điểm của mình bằng khối lượng các tư liệu văn hóa truyền thống như tục ngữ, thơ ca, phong tục tập quán, lễ hội, ngôn ngữ, nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi.
Theo một số nhà nghiên cứu, vương quốc và những tiểu quốc Chăm Pa xưa có những thời kỳ là quốc gia thống nhất đa dân tộc, bao gồm một số các dân tộc sống ở vùng núi phía tây. Nếu vậy, tất yếu có sự giao lưu, ảnh hưởng văn hoá lẫn nhau. Hơn nữa, giữa người Chăm và người Ra Glai vốn là một dân tộc cùng ngữ hệ, có rất nhiều nét tương đồng về văn hoá, thậm chí về các nguồn gốc của các giả thuyết tô tem giáo với thị tộc Cau (Pi năng) và thị tộc Dừa (Li - u) của người Chăm
liên quan đến tộc họ còn lưu giữ đến hôm nay ở người Ra Glai. Hàng năm, vào dịp lễ hội Katê, người Chăm vẫn mang cờ hoa võng lọng lên vùng rừng núi của người Ra Glai làm lễ đón nhận y trang của các vị vua - thần Chăm về các đền tháp Chăm tế lễ. Trong kho tàng văn hoá dân gian Chăm, nhiều tư liệu nói đến mối quan hệ Chăm – Ra Glai đều cho rằng Chăm với ―Ra Glai là anh em, Ra Glai là con út của vua". Người Chăm còn gọi người Ra Glai là ―Chăm núi". Người Chăm và người Ra Glai được coi như là anh/chị em của nhau: ―Chap sa ai Raglai adơi‖ (Chăm là chị, Ra Glai là em) hay ―Chap ai Raglai adơi‖ (Chăm là anh, Ra Glai là em). Trong thực tế, người Ra Glai ở Phước Hà ngày nay vẫn giữ y trang của Pô Inư Nưgar, người Ra Glai ở Tà Dương vẫn giữ y trang của Pô Klongirai và cứ mỗi năm đến lễ hội Ka tê, người Chăm phải cho người lên rước về để làm lễ. Với quan niệm rằng người Raglai là ―em út‖, theo chế độ mẫu hệ thì người em út là người thừa kế, nuôi dưỡng cha mẹ và giữ ―chiết a tâu‖ của tộc họ, gia đình. Nếu giả thuyết này là đúng (Ra Glai và Chăm có chung nguồn gốc tộc người), sẽ phải xem xét lại định hướng nghiên cứu văn hoá cổ đại Chăm Pa, bởi ngoài giả thuyết là chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh, người Chăm còn có một bộ phận dân tộc gốc rễ đang lưu giữ lớp văn hoá cổ đại Chăm, không chịu ảnh hưởng của các tôn giáo Ấn Độ. Phải chăng đó là văn hoá ―phi Hoa, phi Ấn‖ còn dáng dấp văn hoá nguyên thuỷ mà chúng ta gọi là văn hoá truyền thống của người Ra Glai hôm nay?
Một điều đặc biệt là xét trên phương diện địa - văn hóa về địa bàn cư trú của cộng đồng Ra Glai về mặt danh xưng, Ra Glai có nghĩa là người-ở-rừng-có cây. Trên thực tế hiện nay, phần lớn cư dân Ra Glai cư trú trên những vùng ―rừng có cây‖ ở miền Trung tiếp cận dải Trường sơn - Tây Nguyên, nhưng cũng có một bộ phận cư trú trên một vài địa phương ở Ninh Hải, nơi có sông to, nơi gần biển lớn. Trong truyền thống văn hóa Ra Glai, hòa trong bản sắc tộc người, chúng ta vẫn nhận ra những yếu tố văn hóa loại hình chung với các tộc người có cùng ngữ hệ về phía biển, với tộc người Chăm. Về phía núi, với tộc người Chu Ru, Jrai, Êđê. Trong đó, mối quan hệ có thể là cùng nguồn (hoặc giao lưu, đồng hình) gần gũi mật thiết với cộng đồng Ra Glai trên mọi phương diện lịch sử, tín ngưỡng, phong tục và lối sống chung hiện nay là văn hóa Chăm.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử xa xưa đã trôi theo thời gian quá vãng, để đến bây giờ vấn đề vẫn chưa được các nhà nghiên cứu đương đại có ý kiến cuối cùng sáng tỏ. Dầu vậy, quan hệ Chăm-Ra Glai vẫn có ý nghĩa đặc biệt khi chúng ta khám phá những điều chưa biết trong một số akhat` jucar Ra Glai.
Trong tác phẩm Udai-Ujac`, trải qua những cuộc chiến tranh khác nhau ở hai kiếp của nhân vật chính, tác phẩm đã đưa ra sự khác biệt của các nhóm cộng đồng Ra Glai trong quá trình hợp nhất, vốn đã từng xuất hiện và cư trú trên những địa bàn nhỏ hẹp thành một liên minh rộng lớn, từ thị tộc chuyển hóa thành bộ tộc và bộ lạc, tiền thân của một nhà nước sơ khai thời kì có thể gọi là tiền Chăm.
Nếu chúng ta thừa nhận rằng, đằng sau những ―sáng tạo máy móc‖ trong bút pháp sử thi về một thế giới kì ảo có chủ tâm được biểu hiện trực tiếp từ những mối quan hệ xã hội hoặc chứa đựng một cái lõi lịch sử tộc người chủ thể sáng tạo nó, hoặc ít ra là có cái dư hưởng âm vang của một lịch sử huy hoàng đã qua được họ hình dung và tái tạo lại như thế, thì có thể mượn câu nói của người Ấn Độ để đánh giá trữ lượng hiện thực Ấn độ cổ đại trong Mhabharata-sử thi cổ điển Ấn-để nói về trữ lượng hiện thực trong đời sống kinh tế-xã hội Ra Glai trong Udai-Ujac` xưa rằng: ―Cái gì không có ở Udai-Ujac` thì cũng không có trên bất kì một nơi nào trên địa bàn cư trú của tộc người Ra Glai và tộc người Chăm trên đất nước chúng ta-nơi từng xuất hiện một nhà nước Chămpa từ thế kỷ VII với những chứng tích văn hóa đền tháp thâm nghiêm và cổ kính mà ngày nay chúng ta vẫn còn quan sát được‖[49;45].
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu tiến hành so sánh văn hóa cổ đại Ra Glai – Chăm. Trong sử thi Udai-Ujac` từng đưa ra những giả thuyết hết sức thuyết phục rằng: các vị vua Quỷ- vua Nước, vua Tuwaq, vua (thần) Lửa trong Udai-Ujac`là hóa thân của các trưởng, bộ tộc trong nước mà dấu ấn của nó là hai bộ tộc Cau (Pi nang) và Dừa (La u) của Chăm Pa thời xa xưa… Nơi cư trú của hai vùng lãnh thổ Bắc Chăm và Nam Chăm. Những cuộc chiến tranh trong Udai-Ujac` có thể là chiến tranh của các bộ tộc trong những cuộc giao tranh tay đôi giữa các vị tù trưởng. Những cuộc chiến tranh như thế đã được tái
hiện lại một cách thẩm mỹ trong nội dung sử thi Udai-Ujac`, đã từng được các nguồn sử tư liệu về vương quốc Chămpa ghi nhận: người Ra Glai và người Chăm đã từng một thời xảy ra nội chiến dưới hình thức chiến tranh giữa bộ tộc Cau và bộ tộc Dừa. Vào khoảng cuối thế kỉ XVI, những bi ký ghi nhận sự tồn tại của một dòng dõi thuộc cây Cau (Kramuka) và một dòng dõi thuộc cây Dừa (Narikela) đã từng tranh giành cho được ưu thế lãnh dạo. Dòng thứ nhất đã từng có quyền lực tối cao tại Panduranga (Phan Rang), dòng thứ hai ngự trị ở ―vùng phía Bắc‖. Dòng cây Cau thường kiêu hãnh về sự tinh khiết của mình. Các bi ký ở Mỹ Sơn đã nhấn mạnh sự kiện này bằng cách dẫn chứng Hoàng Tử Than được tôn vinh quốc vương trị vì xứ sở Vijaya (vùng Bình Định) từ năm 1074 đến năm 1081 là dòng thuộc cây Dừa theo huyết thống của người cha và cây Cau theo huyết thống của người mẹ. Trong sử thi này, cây Cau và cây Dừa có thể được coi là hình tượng vật tổ, được các cộng đồng cư dân Ra Glai bảo lưu trong tâm thức bằng những luật tục cấm kị thiêng liêng, luôn gắn liền với hình tượng Cậu-Gà-Trống-Thần sát cánh cùng người anh hùng Udai-Ujac` để báo điềm dữ, điềm lành và hầu như có ý nghĩa trong những cuộc chiên tranh thống nhất bộ tộc và chống ngoại xâm [49;45-46].
Không những thế, những cuộc chiến trong Udai-Ujac` đều xuất phát từ nơi có ―tảng đá thần và cây cau thần một gốc‖.
Bên cạnh đó, sử thi Udai-Ujac` còn bảo lưu những cuộc chiến tranh chống xâm lược Jawa (Malaixia) vào thế kỷ VIII-IX (767-876) và Cur (Cămpuchia) ở thế kỷ X… Điều này không có gì ngạc nhiên Vương quốc Chămpa xưa trên dải đất Nam Trung Bộ đã có thời kỳ bị quân Cur đô hộ gần một thế kỷ và quân Jawa hai lần đốt phá kinh thành Khâuthara (Phú Khánh) và Panduranga (Phan Rang)… Ở cốt truyện này, quân Cur và quân Jawa có mặt thường xuyên trong tác phẩm với tư cách bọn xấu kẻ ác, người ngoài luôn rình rập bao vây… trong mọi tình huống chiến tranh.
Cơ sở của những đoán định trên phần lớn dựa vào các tài liệu từng được khảo cứu và kết luận của các học giả người Pháp nửa đầu thế kỷ XX và các nhà nghiên cứu văn hóa – xã hội người Ra Glai cũng như người Chăm hiện nay vừa được công bố.
Thêm vào đó, người Ra Glai và người Chăm cùng gốc Malayo – Polynesien nên họ có những quan hệ tiếp xúc, giao lưu lâu dài trong lịch sử. Vì vậy, trong Awơi Nãi TiLơr nói riêng, akhàt jucar sử thi Ra Glai nói chung, rất nhiều khi nhắc đến người Chăm.
―Trong khuôn mẫu hỏi/ đáp về người lạ đến buôn làng, cặp đăng đối ―người Chăm‖ và ―người khách‖ luôn thể hiện sự đồng nhất giữa hai đối tượng, như người bạn hữu thân thiện, thường lui tới và thường được đón tiếp ân cần, với thiện cảm:
Hãy đưa ra đây rượu cần ché to ché chợ, Hãy bưng bê ra rượu cần ché nhỏ, ché kinh … Rượu cần đây cho con người ta là người Chăm ra, Rượu cần đây cho con người ta là khách tới nhà.
Ơi này, bái xin thần hồn ông bà trước tiên để mời khách cho ông bà đừng quở phạt
Cả trong khuôn mẫu câu chửi cửa miệng cũng thấy hình ảnh người Chăm gần gũi cận kề với Ra Glai:
… tổ cha nó, đồ quỷ người Chăm, quân buôn rong lung tung … tổ mẹ nó, quân Ra Glai tìm lõi củi khô, săn bắn chim
Một ấn tượng đậm nét trong sử thi Awơi Nãi TiLơr và nhiều akhàt jucar sử thi Ra Glai là hình ảnh chú gà trống thần trên cành cau cành dừa ở xứ sở trần gian con người cũng như xứ sở ông bà tổ tiên, xứ sở các vị thần. Cau và dừa hẳn là liên quan với tên các dòng họ Ra Glai cũng như thị tộc Cau, thị tộc Dừa của người Chăm. Chú gà trống thần như một bậc huynh trưởng mách mọi điều sắp tới, khuyên bảo những xử sự khôn ngoan, đồng thời như một vị thần bảo trợ buôn làng thì rất gợi nhớ vai trò quan trọng của biểu tượng gà trống trong những nền văn hóa Đông Nam Á hải đảo (mà Clifford Geetz đã phân tích cực kỳ sắc sảo trong công trình Cắt nghĩa những nền văn hóa).
―Giặc Jawa‖, ―giặc Cur‖ trở đi trở lại trong rất nhiều cặp câu thơ của Awơi Nãi TiLơr về những thế lực kẻ thù luôn rình rập bản làng. Điều này cũng không hề
ngẫu nhiên. Trong thực tế lịch sử, nhiều thế hệ người Ra Glai, người Chăm đã phải chống trả với những thế lực ngoại xâm từ Malaysia (Jawa, thế kỉ VIII - IX) và Campuchia (Cur, thế kỷ X).
Ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ qua vai trò truyền thừa của người Chăm cũng có những dấu ấn trong Awơi Nãi TiLơr. Chẳng hạn như quan niệm về các thần linh cai quản ba tầng không gian: trên trời – mặt đất – dưới lòng đất. Nếu người Ấn Độ đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Lửa, cả lửa trên trời (thần Surya), lửa không trung (thần Indra), lửa mặt đất (thần Agni) thì người Ra Glai cũng tôn thờ cả thần chúa mẫu Lửa không gian (Saganã Via Lùc) lẫn thần Lửa thiêng lòng đất (Putau Longca Longgadir). Những khúc ca ca tụng Putau Longca rất gần gũi quan niệm Ấn Độ về thần Agni trên giàn lửa thiêng hiến tế, tiếp nhận lễ vật của con người dâng lên các vị thần linh:
Lửa thần Long-ca, lửa thần tổ mẫu Gadir bàn tán với nhau rồi để vụt ngọn lửa lên:
-Dậy đi thôi, hãy dậy đi thôi ơi bọn đàn em, dậy đi thôi, hãy dậy đi ơi bọn đàn chị. Ơi này hãy ăn lông con heo,
Bây giờ hãy ăn lông con trâu.
Hãy cháy cho đến khi sạch trơn sạch trụi,
Cháy đi cho đến khi sạch bóng những lông con heo, người ta làm lễ cần con bắt rể.
Ăn hết lông con trâu người ta làm lễ cần con bắt rể đây mà… Ngọn lửa bừng bừng bốc lên.
Chúa thần Lửa Long-ca nói:
- … Hãy ăn đi, ăn lễ vật quý này đi, họ ăn sau, với mình cũng bằng không thôi mà.
Chúng ta cháy thế này là ăn trước đấy Ơi này ngọn lửa bùng lên, bùng cháy lên đi.
Hay tình tiết voi đầu đàn rút ngà tặng cho Awơi Nãi TiLơr rồi gục xuống chết giống một cách lạ lùng với motif về Vương tượng trong các Jatakas (Những câu chuyện tiền thân Đức Phật) của Ấn Độ. Chuyện quân đội của TiLơr ngạc nhiên đến hoang mang, hoảng hốt khi thấy quân đối phương đã bị tiêu diệt, nhờ ngải của ông bà vua thần Ếch kỳ dị lại vùng dậy chiến đấu thì y hệt như tình cảnh của quân đội Rama trong chiến tranh với quỷ Raksasa trên đảo Lanka được miêu tả trong sử thi Ramayana. [Phần tài liệu Internet - 4]
Từ những phân tích và nhận định trên cho thấy:
- ―Người Ra Glai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi, cùng nhóm ngữ hệ, nhưng phát triển độc lập với nhau‖.
- Người Ra Glai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi nhất, gắn bó hữu cơ, lâu dài, toàn diện, ở vị trí tiếp nối và có quan hệ hai chiều. Người Ra Glai là một tộc người trong thành phần cư dân của Chămpa cổ đại...‖
- Sự giao lưu, ảnh hưởng văn hoá lẫn nhau thể hiện ở những tương đồng và dị biệt qua thể hiện các làn điệu dân ca, truyện cổ, cho đến phong tục tập quán, sử thi với sự thể hiện của ngôn ngữ, sự tương đồng về nội dung, ý nghĩa và tập tục.
Tất cả những điểm tương đồng trong mối quan hệ Ra Glai-Chăm được thể hiện trong những áng sử thi này đều tạo nên những nét riêng có trong nghệ thuật tự sự sử thi Ra Glai so với đặc điểm tự sự sử thi của các dân tộc khác. Vì thế, việc nghiên cứu và đưa ra những cơ sở khoa học về mối quan hệ này là tiêu chí quan trọng để định giá sự thống nhất và khác biệt của akhat` jucar sử thi Ra Glai trong hệ thống sử thi Tây Nguyên và Việt Nam.