Vai trò của RLLM trong bệnh lý vữa xơ động mạch đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Theo các hướng dẫn điều trị RLLM hiện nay thì sử dụng thuốc điều trị RLLM không chỉ trên những bệnh nhân có RLLM thực sự mà còn trên những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao để giảm các biến cố tim mạch. Các nghiên cứu dịch tễ học và các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa nồng độ LDL-C và các biến cố tim mạch do xơ vữa. Do đó theo các chiến lược điều trị RLLM chuẩn hiện nay, bước đầu tiên là đánh giá nguy cơ tim mạch của bệnh nhân và xây dựng mục tiêu điều trị trước tiên dựa theo mức LDL-C đầu tiên rồi mới đến mục tiêu non-HDL-C.
61
Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi xem xét dựa trên chỉ số LDL-C thì có 85% bệnh nhân cần sử dụng thuốc. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nghiên cứu được tiến hành tại các bệnh viện điều trị chuyên khoa như nghiên cứu của Nguyễn Phương Dung (2011) tại Viện Tim Mạch Việt Nam (91,8%) [10], Nguyễn Thanh Hường (2009) tại Viện lão khoa (89,7%) [17] nhưng cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Toàn Thắng (2013) tại viện Y học hàng không [27] (79,%). Ở 15% bệnh nhân còn lại đã có LDL-C tối ưu tại thời điểm ban đầu trong nghiên cứu và có nồng độ triglycerid tăng trong khoảng từ 2,3 – 5,6 mmol/l. Các đối tượng này vẫn cần được điều trị thuốc RLLM kết hợp với thay đổi lối sống để đạt được mục tiêu non- HDL-C. Mục tiêu thứ cấp non-HDL-C được NCEP ATP III khuyến cáo nên đạt được sau mục tiêu LDL-C để dự phòng nguy cơ vữa xơ động mạch liên quan đến các lipoprotein còn lại ở bệnh nhân có nồng độ triglycerid tăng. Như vậy toàn bộ bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đều cần thiết sử dụng thuốc. Việc quyết định sử dụng thuốc điều trị ở thời điểm ban đầu là hợp lý.