Thứ nhất, sản phẩm, dịch vụ NHBL của Agribank Tiền Giang cung cấp còn
nặng về các sản phẩm truyền thống, số lượng sản phẩm của mỗi chủng loại còn ít, các sản phẩm còn đơn điệu, sức cạnh tranh yếu, chưa tạo ra được sự nổi trội hơn so với các NHTM khác.
Sản phẩm huy động vốn: hiện nay trên thị trường các sản phẩm huy động vốn là rất phong phú, đa dạng, nhưng Agribank Tiền Giang chủ yếu vẫn triển khai các sản phẩm truyền thống như tiết kiệm không kỳ hạn, tiết kiệm có kỳ hạn, tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm dự thưởng, GTCG (kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi),…Trong khi đó, các NHTM cổ phần khác trên địa bàn như Vietinbank, ACB, Sacombank với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm huy động hết sức đa dạng, hấp dẫn: Sacombank có Tài khoản hoa lợi, Tiền gửi
thanh toán Âu Cơ, Tiết kiệm hoa hồng,… (với những ưu đãi về lãi suất, phí thường niên nếu khách hàng là nữ hoặc nếu khách hàng sử dụng dịch vụ theo nhóm), ACB có Tiết kiệm đại lộc, Tiết kiệm lộc bảo toàn (hỗ trợ phí chuyển tiền, cung cấp hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng), Vietinbank có sản phẩm tiết kiệm Online cho phép khách hàng mở sổ tiết kiệm trực tuyến thông qua cổng điện tử iPay,…
Số lượng thẻ phát hành của Agribank Tiền Giang gia tăng nhanh qua các năm nhưng tỷ lệ khách hàng sử dụng thực tế và lợi nhuận thực tế ngân hàng nhận được vẫn còn hạn chế. Điển hình là thẻ ATM, Agribank Tiền Giang có số lượng thẻ lũy kế tính đến năm 2014 là hơn 100 ngàn thẻ nhưng tỷ lệ thẻ thực tế đang hoạt động còn thấp, nguyên nhân là do ngân hàng chạy theo chỉ tiêu thị trường, phát hành khống, phát hành tràn lan, mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ thông tin, mục đích sử dụng khi khách hàng mở thẻ. Thẻ tín dụng quốc tế cũng trong tình trạng tương tự, chỉ chủ yếu phát hành cho nhân viên để đạt chỉ tiêu (mỗi nhân viên phát hành tối thiểu 2 thẻ tín dụng là Visa, Master Card).
Các dịch vụ thanh toán của Agribank Tiền Giang vẫn còn tốc độ xử lý chậm, đường truyền thường xuyên bị lỗi. Đặc biệt, Agribank Tiền Giang còn phải áp dụng khá nhiều loại phí theo quy định của Hội Sở, mức phí tương đối cao so với các NHTM khác, đây là một bất lợi lớn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Dịch vụ chi trả kiều hối của Agirbank Tiền Giang chưa đa dạng, làm hạn chế số lượng giao dịch, doanh thu dịch vụ của ngân hàng. Một số NHTM khác như Vietinbank có dịch vụ chuyển tiền trong ngày từ Mỹ về Việt Nam Wells Fargo Express Send, Dong A bank có dịch vụ chi trả kiều hối tận nhà Money Gram,…
Dịch vụ ngân hàng điện tử với chi phí đầu tư cao nhưng số lượng giao dịch chưa nhiều. Đây cũng là thực trạng chung của các NHTM, tuy nhiên để có thể phát huy hết tiện ích của dịch vụ này cần có sự đầu tư nghiêm túc về quản trị hệ thống và bảo mật cơ cở dữ liệu ngân hàng, giúp tạo được sự tin tưởng cao từ khách hàng.
Thứ hai, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động NHBL
Khi dân số ngày càng tăng, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, hoạt động NHBL được đánh giá là rất tiềm năng cho các NHTM Việt Nam chú
trọng phát triển, đặc biệt khi tín dụng còn khó khăn. Cuộc chạy đua giành thị phần đó chứa đựng không ít rủi ro rình rập các NHTM. Tuy nhiên, hiện tại Agribank từ cấp Hội Sở đến cấp tỉnh chưa đầu tư nghiêm túc và bài bản về công nghệ trong quản lý rủi ro. Lâu nay, Agribank Tiền Giang vẫn áp dụng phân tích các hồ sơ và đánh giá mức độ rủi ro bằng phương pháp thủ công khi cho doanh nghiệp vay, dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trước đó. Đây là công việc có phần cảm tính, phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ hiện tại với doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, với hàng ngàn KHCN thì sẽ không dễ tìm hiểu quan hệ của từng người. Vì thế, Agribank Tiền Giang cần sự hỗ trợ của công cụ công nghệ thông tin hiện đại, cần có những nhân viên có kiến thức sâu về phân tích dữ liệu, về pháp luật khi đánh giá rủi ro một cá nhân vay ngân hàng, chẳng hạn mua xe, mua nhà,…Việc đầu tư vào công tác quản trị rủi ro nghiêm túc, hiện đại sẽ giúp ngân hàng phát triển dịch vụ bán lẻ bền vững trong tương lai.
Thứ ba, hạn chế về công tác Marketing, chăm sóc khách hàng
Chính sách của ngân hàng về chăm sóc khách hàng, công tác Marketing chưa được quan tâm đúng mức. Các hình thức khuyến mãi cho khách hàng nhất là vào dịp cuối năm chưa được rộng rãi đến tất cả khách hàng vì Agribank Tiền Giang có lượng khách hàng rất đông đảo trong khi ngân sách chi cho khuyến mãi lại có hạn. Agribank Tiền Giang cũng ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên đã làm giảm đi sự quảng bá thương hiệu ngân hàng đến với khách hàng.
Chính sách chăm sóc khách hàng có chất lượng chưa cao, chỉ mới có chính sách quan tâm chăm sóc các khách hàng chiến lược trong vay vốn, gửi tiết kiệm mà chưa quan tâm đến khách hàng chuyển tiền, thanh toán nhỏ lẻ nhưng thường xuyên với ngân hàng.