Tổng quan về phiếu khảo sát

Một phần của tài liệu các dạng toán về tứ giác trong chương trình toán lớp 4 – 5 (Trang 98 - 100)

6. Bố cục luận văn

3.3.1.Tổng quan về phiếu khảo sát

Trong phiếu khảo sát hai khối lớp 4 – 5 này, tôi đã cố gắng đưa các dạng bài tập về tứ giác mà học sinh thường gặp nhằm mang tính khách quan và đánh giá một cách chính xác nhất. Nội dung phiếu khảo sát này là xoay quanh những bài tập thân thuộc với chương trình học mà các em thường được luyện tập trên lớp. Các dạng bài tập được tôi chọn lọc, sắp xếp một cách lô – gic để sao cho các em có thể dễ dàng thực hiện mà không gặp khó khăn trong quá trình làm bài.

Phiếu khảo sát của hai khối lớp đều được chia thành 5 phần với 5 dạng bài tập khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau, bao gồm dạng toán về nhận dạng hình, dạng toán về kỹ năng vẽ hình, trắc nghiệm về hình học bao gồm trắc nghiệm lựa chọn và điền khuyết, cuối cùng là giải toán có lời văn mang nội dung hình học. Các câu hỏi được sắp xếp từ theo mức độ khó dần, không chỉ việc nhớ mẫu rồi áp dụng mà còn phải thể hiện qua việc nắm vững các khái niệm, các quan hệ toán học, nắm vững hình dạng của các hình, thông qua đó là việc áp dụng khả năng suy luận, tính toán thông thạo vào các bài tập trong phiếu khảo sát.

Cụ thể phần I là của cả hai phiếu khảo sát đều là dạng bài tập nhận dạng hình. Cả hai khối lớp đều xoay quanh các hình đã học như hình vuông, hình tròn, hình tứ giác, hình thoi, hình bình hành… Chỉ riêng ở lớp 5 có thêm hình thang cho phù hợp với chương trình của các em. Mục đích của phần I nhằm tái hiện lại kiến thức cũ của các em đối với các hình làm nền tảng để hoàn thành các câu hỏi tiếp theo. Phần I không đòi hỏi các em phải suy luận hay tư duy quá nhiều mà đó chỉ là hoạt động tái hiện lại kiến thức đã học một cách nhanh và chính xác để giải quyết yêu cầu bài tập.

Tương tự phần I, phần II cũng là một yêu cầu dễ dàng để các em thực hiện – vẽ thêm hai đoạn thẳng để được một hình theo yêu cầu. Qua dạng bài tập này nhằm củng về kỹ năng vẽ hình cho các em. Hướng các em đến tính thẩm mỹ, cẩn thận trong toán học.

91

Đến phần III là dạng bài tập trắc nghiệm hình học. Đối với dạng bài tập này, các em cần vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức về các công thức tính chu vi, diện tích, công thức tính ngược từ công thức trước đó. Ngoài ra, học sinh còn phải áp dụng thành thạo các phép tính trên số tự nhiên, số thập phân… Sau khi tìm ra đáp án, học sinh phải biết lựa chọn câu trả lời để tránh nhầm lẫn xảy ra trong lúc làm bài trắc nghiệm. Số lượng câu hỏi trắc nghiệm của lớp 4 là 3 câu và lớp 5 là 2 câu. Số lượng câu hỏi này phụ thuộc vào việc phân bổ thời gian làm bài của các em và hoàn toàn thích hợp trên tổng số câu hỏi đưa ra.

Nếu đối với lớp 4, phần IV là dựa vào hình vẽ để nêu tên các hình theo yêu cầu và điền từ thích hợp vào ô trống thì phiếu khảo sát ở lớp 5 là 3 bài toán tính diện tích hình thang. Ở lớp 4, việc hình thành kiến thức mới về hình thoi, hình bình hành còn khá mới mẻ, học sinh có thể chưa nắm bắt được kiến thức chung của hai hình cũng như dấu hiệu nhận biết, có thể chưa xác định được hình được nhắc tới là hình như thế nào. Sang đến lớp 5, tư duy của trẻ đã phát triển hơn và khả năng giải được các bài tập nhiều hơn so với các lớp dưới.

Phần cuối cùng của phiếu khảo sát cả hai khối lớp đều là dạng toán có lời văn mang nội dung hình học. Các bài toán này đều phù hợp với khả năng của các em. Thông qua đó, chúng ta có thể nhận biết được khả năng làm toán có lời văn của học sinh cũng như kỹ năng tính toán, phân tích, tư duy với một bài toán cụ thể. Việc kết hợp toán có lời văn sẽ giúp học sinh phát triển khả năng tư duy lô – gic kết hợp thao tác tính toán nhằm đưa ra kết quả chính xác. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một số sai lầm khi giải toán có lời văn dạng toán này. Dễ dàng nhận thấy đa số các em tính toán và trình bày đúng quy cách nhưng song song đó, vẫn có những bài làm sai và trình bày chưa mang tính thẩm mỹ. Đây tuy là dạng toán quen thuộc với các em, nhưng giáo viên cũng có thể đánh giá chung về kỹ năng tính toán và tính thẩm mỹ của học sinh qua phần câu hỏi trên. Việc này sẽ được chứng minh cụ thể ở phần phân tích kết quả khảo sát của cả hai lớp. Thông qua quá trình khảo sát, tôi có thể phát hiện những ưu điểm

92

cũng như thiếu sót trong kiến thức, kỹ năng của học sinh, qua đó bản thân tôi nói riêng sẽ có được định hướng thích hợp để khắc phục hạn chế, phát huy những ưu điểm đó.

Một phần của tài liệu các dạng toán về tứ giác trong chương trình toán lớp 4 – 5 (Trang 98 - 100)