quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật hình sự
Khoản 2 của điều luật chỉ có một tình tiết định khung hình phạt, đó là giá trị tài sản bị thiệt hại là từ 500.000.000 đồng trở lên.
Việc xác định giá trị tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng quy định ở khoản 1 của điều luật cũng như từ 500.000.000 đồng trở lên quy định ở khoản 2 của điều luật là giá trị vào thời điểm xảy ra vụ án (từ khi thực hiện hành vi phạm tội).
Một số điểm cần chú ý khi áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các tội xâm phạm sở hữu
1. Các quy định về các tội xâm phạm sở hữu quy định trong chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 nói chung nặng hơn các tội xâm phạm sở hữu của công dân và nhẹ hơn các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985. Do đó, chủ yếu chỉ áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 mà hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000.
2. Các tình tiết là yếu tố định tội và nếu căn cứ vào tình tiết này làm giảm hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả hành vi thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000. Ví dụ: Trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà trộm cắp dưới 500.000 đồng cũng không bị coi là tội phạm.
3. Đối với các tội có quy định giá trị tài sản là căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người phạm tội chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định bị cáo phạm tội theo khoản nào của điều luật, nếu điều khoản của Bộ luật hình sự quy định tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội, nếu phạm tội chưa đạt mà không xác định được giá trị tài sản định chiếm đoạt thì phải bị truy cứu theo khoản 1 của điều luật tương ứng.
4. Trong trường hợp Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hai tội giống nhau (trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và trộm cắp tài sản của công dân), nay Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định một tội ( trộm cắp tài sản) mà hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 nhưng sau 0 giờ 00 ngày 1-7- 2000 mới phát hiện xử lý thì cần chú ý:
- Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt cộng chung không làm vượt khung hình phạt tương xứng thì áp dụng kung hình phạt tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với bị cáo. Vị du: A trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa 10.000.000 đồng, trộm cắp tài sản của công dân 14.000.000 đồng, cộng chung là 24.000.000 đồng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 thì áp dụng khoản 1 Điều 138 để xét xử đối với bị cáo.
- Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt cộng chung làm vượt khung hình phạt tương xứng thì chỉ áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 đối với tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa còn tội xâm phạm tài sản của công dân vẫn áp dụng Bộ luật hình sự năm 1985. Trong trường hợp này vẫn phải tuyên bố bị cáo phạm hai tội và tổng hợp hình phạt. Ví dụ: A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa với giá trị là 150.000.000 đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân là 100.000.000 đồng, nếu cộng chung thành 250.000.000 đồng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 nên Toà án không thể áp dụng khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với bị cáo mà chỉ áp dụng khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và áp dụng khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 1985 để xét xử bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và tổng hợp hình phạt theo Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985.
- Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt thuộc trường hợp quy định ở hai khung hình phạt khác nhau mà cộng lại vẫn thuộc trường hợp quy định ở khung hình phạt mà bị cáo đã phạm thì áp dụng khung hình phạt tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với bị cáo. Ví dụ: A lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 50.000.000 đồng của công dân và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 140.000.000 đồng là tài sản xã hội chủ nghĩa, nếu cộng chung thành 190.000.000 vẫn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 140, thì áp dụng khoản 2 Điều 140 để xét xử đối với bị cáo.
5. Trường hợp nếu chỉ căn cứ vào giá trị tài sản thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, nhưng vì có tình tiết quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật mà tình tiết đó mới được quy định thì không áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự năm 1999 có tình tiết định khung hình phạt đó để xét xử đối với bị cáo. Ví dụ: A, B, C cưỡng đoạt 40.000.000 đồng trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 và thuộc trường hợp có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng vì tình tiết phạm tội có tổ chức là tình tiết mới Nên các bị cáo chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 135.
6. Các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng không phải là tình tiết mới nếu như ở các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng khi áp dụng các tình tiết này cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
7. Các tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; từ 31% đến 60%; từ 61% trở lên được coi là tình tiết mới nếu như điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định gây thương tích hoặc gây thương tích nặng, hoặc chỉ quy định hành hung để tẩu thoát. Nếu điều khoản của Bộ luật hình sự năm 1985 quy định gây thương tích hoặc gây thương tích nặng, thì các tỷ lệ thương tật nêu trên không coi là tình tiết mới mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, Toà án có thể xác định đối với trường hợp phạm tội cụ thể đối với bị cáo. Ví dụ: điểm c khoản 2 Điều 129 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: gây thương tích nặng, gây tổn hại nặng cho sức khoẻ thì coi trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% tương ứng với tình tiết gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng đến sức khoẻ.
8. Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại rất nặng cho sức khỏe của người khác, nhưng lại quy định "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng", vì vậy, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì phải coi là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, nếu điều khoản nào của Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định tình tiết "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" mà điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định tình tiết "gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên" thì được áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với bị cáo.
9. Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản, không coi các tình tiết là dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 Điều 141 là tình tiết mới, vì các tình tiết đó chỉ cụ thể hoá quy định tại Điều 136 và Điều 159 Bộ luật hình sự năm 1985 .
10. Hình phạt bổ sung đối với các tội xâm phạm sở hữu quy định tại chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 được coi là hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt bổ sung quy định tại Điều 142 và Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1985, vì các hình phạt bổ sung quy định đối với từng tội đều quy định mở ( có thể ), tức là Toà án có thể áp dụng hoặc không áp dụng. Một số loại hình phạt không còn quy định đối với một số tội. Ví dụ: Hình phạt quản chế không áp dụng đối với người phạm tội trộm cắp...