Phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Một phần của tài liệu BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ PHẦN CÁC TỘI PHẠM CHƯƠNG 14 CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 (Trang 109 - 111)

khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội công nhiên tài sản. So với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn khoản 1 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng nhẹ hơn khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đối với hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 (ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì không được áp dụng khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999; đối với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện, xử lý thì được áp dụng Điều 137 Bộ luật hình sự 1999 để điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội.

Cấu thành cơ bản của tội công nhiên chiếm đoạt quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều tình tiết là yếu tố định tội mà nhà làm luật mới quy định, làm ranh giới phân biệt giữa hành vi phạm tội với hành vi chỉ bị xử lý hành chính, Vì vậy, khi xác định các tình tiết là yếu tố định tội này cần chú ý:

- Giá trị tài sản bị chiếm đoạt là giá thị trường tự do vào thời điểm xảy ra tội phạm, trong trường hợp không xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

- Công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng gây hậu qủa nghiêm trọng là trường hợp do thực hiện hành vi phạm tội mà đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại hoặc cho xã hội. Cho đến nay, chưa có hướng nào về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chiếm đoạt gây ra. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, qua thực tiễn xét xử, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng của hành vi công nhiên chiếm đoạt:

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 40%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 21% đến 40%;

- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả nghiêm trọng chưa.

- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt, người phạm tội đã bị xử phạt hành chính cũng về hành vi chiếm đoạt tài sản bằng một trong các hình thức được quy định trong Pháp lệnh xử phạt hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dung mà chưa quá một năm; nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính về hành vi khác ( không phải là tội chiếm đoạt) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự;

- Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt, người phạm tội đã bị Toà án kết án về một trong các tội có tính chất chiếm đoạt nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là tội chiếm đoạt) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự;

Khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 137 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;

- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng;

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới sáu tháng tù (nhưng không được dưới 3 tháng tù) hoặc được chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo.

Một phần của tài liệu BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ PHẦN CÁC TỘI PHẠM CHƯƠNG 14 CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 (Trang 109 - 111)