Phát huy vai trò tự giáo dục của học sinh trung học cở sở trong việc hình thành và phát triển đạo đức cách mạng

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh trung học cơ sở ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn hiện nay (Trang 98 - 101)

hình thành và phát triển đạo đức cách mạng

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư giáo dục là: “ Quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực. Nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại”.

Như vậy “giáo dục bao gồm việc dạy và học, và đôi khi nó cũng mang ý nghĩa như là quá trình truyền thụ, phổ biến tri thức, truyền thụ sự suy luận đúng đắn, truyền thụ sự hiểu biết. Giáo dục là nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hoá từ thế hệ này đến thế hệ khác. Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người. Nó ứng dụng phương pháp giáo dục, một phương pháp nghiên cứu mối quan hệ giữa dạy và học để đưa đến những rèn luyện về tinh thần và làm chủ được các mặt như: ngôn ngữ, tâm lý, tình cảm, tinh thần cách ứng xử trong xã hội”.

Quá trình giáo dục không tách rời quá trình tự giáo dục. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư tự giáo dục là: “Một bộ phận hữu cơ của quá trình giáo dục, là hoạt động có ý thức, có mục đích, có tính độc lập của cá nhân, xuất hiện nhờ sự tác động qua lại giữa cá nhân với môi trường sống, nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của mình. Trong quá trình tự giáo dục, người được giáo dục hoạt động với tư cách là chủ thể giáo dục. Tiền đề quan trọng của quá trình tự giáo dục là sự hình thành tự ý thức. Yếu tố chủ đạo của nội dung tự giáo dục là những phẩm chất ý chí và đạo đức. Các biện pháp phổ biến nhất để tự giáo dục là tự cam kết, tự phân tích, tự kiểm tra và tự đánh giá. Phép biện chứng của sự điều khiển quá trình tự giáo dục là biến những yêu cầu sư phạm từ bên ngoài thành những yêu cầu của bản thân người được giáo dục: biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục”.

Như vậy tự giáo dục là một quá trình tự rèn luyện của bản thân sao cho các mục tiêu của giáo dục trở thành mục đích tự thân phải đạt được. Quá trình tự học của học sinh không thể tách rời ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. “Tự học không có nghĩa là học một mình mà là học trong môi trường nhà trường, xã hội, gia đình... Môi trường này hết sức quan trọng. Tự học sẽ khó phát triển nếu thiếu sự hướng dẫn của thầy, của bạn bè và môi trường xã hội” [19, tr.130].

Trong giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh thì khâu tự giáo dục là rất cần thiết. Ở đây các em tự trau dồi kiến thức, tự học hỏi, tự liên hệ bản thân đã làm những được những gì cho Tổ quốc hôm nay? Việc làm của các em có hổ thẹn với các thế hệ đi trước hay không? Điều này luôn đặt ra cho các em phải suy nghĩ và trả lời bằng những việc làm thiết thực biểu hiện tinh thần yêu nước, biết hướng về cội nguồn, biết ơn những vị anh hùng dân tộc, như chăm sóc các khu di tích lịch sử, dâng hương các đài tưởng niệm liệt sĩ, thăm hỏi và trao quà các gia đình thương binh, liệt sĩ. Bác Hồ nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”[19; 132]. Như vậy, thanh niên mới có đầy đủ những phẩm chất và năng lực cần thiết để trở thành người chủ tương lai của nước nhà, đáp ứng được sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tự giáo dục của học sinh THCS có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người. Nhờ có tự giáo dục, học sinh THCS tiếp nhận những tác động giáo dục một cách chủ động, tích cực, sáng tạo và tự do làm chủ quá trình hình thành, phát triển và dần hoàn thiện nhân cách của mình.

Đối với học sinh THCS việc giáo dục đạo đức cách mạng diễn ra trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, trong đó kết quả tự giáo dục đạo đức nếu có sẽ lớn hơn nhiều, bởi vì chỉ thông qua họat động tích cực, tự giác của đối tượng, giáo dục mới chuyển hoá những yếu tố vốn là khách quan bên ngoài thành yếu tố nội tại bên trong của bản thân chủ thể.

Sự phát triển như vũ bão của khoa học hiện đại nói chung, đạo đức học nói riêng làm cho việc giáo dục đạo đức của nhà trường không thể đủ thời gian và điều kiện để chuyển tải hết thông tin, nội dung. Vì vậy, cần lựa chọn kỹ nội dung giáo dục, trang bị những nội dung cơ bản, bảo đảm cho các em có thể tiếp tục tự học tập, rèn luyện và phát triển đạo đức cách mạng. Như vậy, giáo dục đạo đức cách mạng của nhà trường là hệ thống mở, nó định hướng cho quá trình phát triển hoàn thiện phẩm chất nhân cách của học sinh THCS trong giai đoạn tiếp theo.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình tự giáo dục đạo đức cách mạng của học sinh THCS cần làm tốt một số yêu cầu sau:

Một là, thường xuyên giáo dục học sinh THCS mục tiêu phấn đấu của bản thân. Trong mỗi hành động, con người luôn tự ý thức về cái mình sẽ đạt được. Mức độ ý thức về mục tiêu càng sâu sắc thì hành động càng mạnh mẽ, nhằm đạt được mục tiêu đề ra một cách nhanh chóng.

Hai là, quá trình giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh THCS phải được tôn trọng và kích thích tính độc lập sáng tạo, tích cực chủ động trong suy nghĩ, hành động.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh trung học cơ sở ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn hiện nay (Trang 98 - 101)