hội trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh trung học cơ sở ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn hiện nay
Chúng ta phải kết hợp chặt chẽ việc giáo dục của gia đình – nhà trường và xã hội thành một quá trình thống nhất, liên tục và hoàn chỉnh, coi nó là một nguyên tắc cơ bản. Nếu tách rời ba yếu tố đó thì việc giáo dục đạo đức cách mạng sẽ kém hiệu quả. Tại Điều 66, Hiến pháp năm 1992 đã chỉ rõ: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.
Giáo dục gia đình là môi trường đầu tiên và là môi trường quan trọng nhất, vì đó là nơi đứa trẻ sinh ra, lớn lên, là môi trường quan trọng nhất để hình thành và phát triển nhân cách. Việt Nam là một dân tộc từ xưa đến nay rất chú trọng giáo dục trong gia đình, nhằm thiết lập nề nếp, sự hiếu thuận, đề cao gia phong nên cơ cấu gia đình rất bền vững. Bài học mà trẻ tiếp thu tốt nhất chính là tấm gương của ông bà, cha mẹ, anh em. Nếu gia đình đầm ấm, thuận hòa, mọi thành viên đều là tấm gương cho các em noi theo, thì chắc chắn các em sẽ có một nhân cách tốt. Còn gia đình nào bất hòa, cha mẹ giáo dục con lệch về hướng đua đòi danh lợi, vật chất mà thiếu hụt về tinh thần, tình cảm và tất nhiên các em cũng sẽ trưởng thành trong sự khiếm khuyết, thiếu hụt về nhân cách, đạo đức, dễ sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện ma tuý, thuốc lá, nghiện chơi game... mà quên đi nhiệm vụ chính là học hành. Trong những năm gần đây, hiện tượng bạo lực học đường diễn ra thường xuyên có cả học sinh nữ mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ gia đình.
Nhà trường là môi trường thứ hai để hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh, việc giáo dục của nhà trường đối với thế hệ trẻ hôm nay giữ một vị trí và vai trò hết sức quan trọng, bởi lẽ nhà trường là một chủ thể giáo dục có tổ chức chặt chẽ, được sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững quan điểm và đường lối giáo dục, có đội ngũ chuyên gia sư phạm. Nhà trường không đơn giản chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, truyền thụ tri thức một cách có hệ thống cho học sinh, mà còn góp phần tích cực giáo dục lao động, thể chất, đạo đức, thẩm mỹ... góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách toàn diện cho học sinh. Song bên cạnh những ưu điểm đó, giáo dục ở nhà trường vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Bởi nhà trường chủ yếu là lo dạy chữ, ít quan tâm đến dạy người, các hoạt động xã hội bổ ích chưa được chú trọng đúng mức, thiếu các sân chơi lành mạnh. Trong các trường học, do chạy theo thành tích muốn học sinh học tốt môn học của mình, tư tưởng môn chính môn phụ vẫn còn ở một số giáo viên, PHHS nên có xu hướng tạo cho các em ít
quan tâm hoặc thậm chí xem thường các môn học như: Công nghệ, Thể dục, GDCD... Hiện tượng học sinh bị suy đồi giá trị đạo đức, dễ nhiễm các thói hư tật xấu của bạn bè, sa vào các tệ nạn xã hội, học sinh đi học không vào lớp mà vào các quán sá, ...
Do vậy mỗi nhà trường phải làm tốt công tác giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy chữ và dạy người “tiên học lễ, hậu học văn”, làm tốt công tác quản lý học sinh để các em đi vào nề nếp, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Như vậy, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh THCS cần phối kết hợp giữa ba môi trường giáo dục là gia đình – nhà trường – xã hội. Nếu thiếu một trong ba môi trường đó thì việc giáo dục sẽ kém hiệu quả. Tại hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội, thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng đã nhấn mạnh: “Phát triển giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội, của Nhà nước và của mỗi cộng đồng, của từng gia đình và mỗi công dân. Kết hợp tốt giáo dục học đường với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; người lớn làm gương cho con trẻ noi theo”.