đạo đức cách mạng cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn hiện nay.
- Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực vào đời sống xã hội và xâm nhập vào các nhà trường. Những hạn chế, yếu kém của quản lý, kể cả quản lý nhà nước về giáo dục càng làm cho những tác động tiêu cực này càng nặng nề hơn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đạo đức cách mạng trong các nhà trường. Chưa có sự nhận thức đúng đắn của một số cấp uỷ đảng, các nhà trường cũng như các chủ thể về tầm quan trọng của việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh THCS. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, vận dụng cơ chế thị trường, việc thực hiện giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường THCS còn bị xem nhẹ.
- Phương pháp giáo dục cũng như những điều kiện cần thiết chưa đảm bảo cho việc thực hiện giáo dục toàn diện theo mục tiêu và phương châm “kết hợp dạy chữ với dạy nghề và dạy người”, làm cho “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.
- Đội ngũ giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục, các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường còn bị hạn chế nhiều về trình độ sư phạm, bản lĩnh giáo dục, chưa nắm chắc cũng như hiểu biết sâu sắc về Chủ nghĩa Mác – Lênin, Việc học tập và rèn luyện theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế. Đó là những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn tới những yếu kém của giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường THCS hiện nay.
- Chưa phối hợp đồng bộ các lực lượng giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội. Đặc biệt là giáo dục gia đình còn bị xem nhẹ dẫn tới một sự thiếu hụt nghiêm trọng về giáo dục đạo đức cách mạng và hình thành nhân cách của trẻ.
Thứ nhất, vì gia đình là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách cá nhân. Do vậy, việc nuôi nấng và chăm sóc con cái khôn lớn là việc làm không khó nhưng việc giáo dục con cái trở thành một công dân tốt thì không phải dễ. Hiện nay, vấn đề “cơm áo gạo tiền”, vấn đề quá chăm lo về vật chất là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng sâu sắc đến việc giáo dục đạo đức cách mạng của cha mẹ, vì đời sống vật chất góp phần chi phối đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Ngoài ra, tấm gương đạo đức, lối sống lành mạnh của cha mẹ cũng là ngọn đuốc soi sáng và giáo dục đạo đức cách mạng cho con cái.
Thứ hai, nền tảng giáo dục trong nhà trường góp phần hoàn thiện đạo đức cách mạng cho học sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Do vậy, ngoài gia đình, việc giáo dục ở nhà trường là rất quan trọng. Ngay từ bé, các em được đến trường Mầm non để học cách giao tiếp, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đến khi vào học Tiểu học, các em học sinh bắt đầu được thầy cô dạy chữ, dạy cách làm người. Rồi đến bậc THCS thì nhân cách của các em cũng dần dần được hoàn thiện. Thực tế cho thấy học sinh ở các cấp học đều có những biểu hiện suy thoái về đạo đức cách mạng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do một số giáo viên chỉ chú trọng dạy chữ mà chưa quan tâm việc dạy học sinh cách làm người. Điều này, một phần do không đủ thời gian, nhưng một phần do nhận thức sai lệch của giáo viên cho giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh là trách nhiệm của GVCN, Tổng phụ trách đội, giáo viên dạy môn GDCD mà quên rằng đây là trách nhiệm chung của tất cả giáo, toàn ngành giáo dục, cũng như toàn xã hội.
Thứ ba, sự giáo dục đạo đức cách mạng của xã hội là môi trường hoàn thiện đạo đức, nhân cách của học sinh THCS. Trong quá trình hội nhập, xã hội ngày nay phát triển đa dạng, phong phú, CNTT cũng phát triển mạnh, làm cho giá trị
đạo đức cách mạng cũng có nguy cơ suy thoái trầm trọng. Học sinh sử dụng Internet và học được rất nhiều điều bổ ích; nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều điểm tiêu cực như truyền tải những hình, phim ảnh không phù hợp với đạo đức, lối sống của người Việt Nam. Nếu các em xem mà thiếu người định hướng, giáo dục sẽ dễ nhận thức sai kéo theo hành vi sai và phạm tội. Môi trường sống xung quanh cùng với những tệ nạn xã hội đang diễn ra tràn lan và xâm nhập sâu vào học đường cũng là nguyên nhân gây ra sự suy thoái về đạo đức cách mạng. Do vậy, chúng ta cần tạo một môi trường xã hội thật sự lành mạnh để giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh ngày càng tốt đẹp hơn.
- Chưa phát huy được vai trò tự giáo dục của học sinh, đây là yếu tố rất quan trong trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức cách mạng. Nếu học sinh nhận thức đúng, biết tự rèn luyện theo các nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho bản thân thì chắc chắn rằng kết quả rèn luyện sẽ đạt được rất cao.
- Môi trường giáo dục lành mạnh chưa được quan tâm xây dựng đúng mức. - Việc đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc giáo dục đạo đức cách mạng còn nhiều hạn chế đầu tư chưa tương xứng với nghĩa “quốc sách hàng đầu” của giáo dục.
Kết luận chương 2
Phú Quốc là một huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, là huyện đảo lớn nhất Việt Nam, giàu sức sống và tiềm năng sáng tạo. Với lịch sử và truyền thống đấu tranh hào hùng vì lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH của Đảng bộ, quân và dân Phú Quốc đã hình thành nên truyền thống anh hùng, bất khuất và đạo đức cách mạng của người dân Phú Quốc. Truyền thống và đạo đức tốt đẹp đó đã được các thế hệ người dân trên đảo gìn giữ, kế thừa và phát huy. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân Phú Quốc đã và đang phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống quý báu của mình để vươn tới trình độ phát triển văn minh, hiện đại, khai thác tối đa, hiệu quả những tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng góp phần xứng đáng vào sự nghệp CNH, HĐH.
Cùng với những thành công bước đầu trong phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ thành quả cách mạng, 40 năm qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đặt biệt, sau 30 năm đổi mới, Phú Quốc cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực giáo dục. Trong số những thành tựu đó có thành tựu giáo dục đạo đức, đặc biệt là giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh THCS. Nền giáo dục XHCN còn non trẻ của một một huyện đảo giàu tiềm năng và lợi thế về du lịch đã sớm đặt vấn đề coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng và đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động có học vấn và năng lực sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tham gia tự giác, tích cực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Ngành GDĐT Phú Quốc đang nỗ lực và chủ động giải quyết những vấn đề, mà nổi bậc là khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục đạo đức ách mạng nói riêng cho thế hệ trẻ, tạo sự phát triển mới của chất lượng giáo dục đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển của Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang về mọi mặt.