1. Nguyên tắc lựa chọn
- Đảm bảo tính khả thi: nhiều trường lập đề án đăng ký nhận nhiệm vụ,
từ đó lựa chọn những đề án có tính khả thi nhất;
- Đảm bảo tính phát triển: khả năng phát triển bền vững sau khi không còn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, khả năng nhân rộng sang các ngành khác trong trường và sang trường khác trong toàn hệ thống giáo dục đại học.
- Đảm bảo tính ảnh hưởng đến toàn hệ thống giáo dục đại học: phân bố tại 3 miền của đất nước và tạo thành các cặp trường trong cùng ngành/nhóm ngành đào tạo để có thể hợp tác, hỗ
trợ trong đào tạo, so sánh, đối chiếu trong các kì sơ kết đánh giá.
2. Đề án đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo CTTT
Căn cứ theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đề xuất ngành đào tạo và xây dựng đề án đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo CTTT. Đề án là căn cứ để giao nhiệm vụ, triển khai thực hiện và xem xét đánh giá hiệu quả qua từng giai đoạn. Đề án đăng ký đào tạo CTTT bao gồm các nội dung sau:
a) Mục tiêu của đề án: xác định rõ mục tiêu của từng giai đoạn và phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường, phù hợp với hướng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Giới thiệu cơ sở đào tạo:
Tóm tắt lịch sử phát triển của trường; giới thiệu khoa và ngành đăng ký đào tạo CTTT; nêu thế mạnh của ngành dự kiến đào tạo CTTT trong chiến lược phát triển của trường, khả năng đóng góp cho sự phát triển giáo dục – đào tạo và sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.
c) Khả năng đào tạo CTTT của trường: đội ngũ giảng viên; các hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất hiện có phục vụ cho CTTT.
d) Giới thiệu trường đối tác: vị trí của trường đối tác theo xếp hạng của các hiệp hội, tổ chức có uy tin trên thế giới ( US. News, Webometrics, Đại học Giao thông Thượng Hải…); đội ngũ giảng viên; thế mạnh của ngành đào tạo dự kiến xây dựng CTTT và vị trí của ngành đó theo xếp hạng quốc gia và quốc tế; khả năng hợp tác với trường đối tác.
đ) Xây dựng CTTT: giới thiệu chương trình gốc; phân tích chương trình gốc; xây dựng CTTT áp dụng tại Việt Nam.
e) Tuyển sinh: đối tượng và điều kiện tuyển chọn.
g) Tài chính: lập dự toán kinh phí cho CTTT; dự kiến đóng góp nguồn lực của trường vào triển khai CTTT; dự kiến huy động các nguồn lực khác để triển khai CTTT.
h) Cam kết cụ thể cùng các giải pháp cơ bản của nhà trường nhằm đảm bảo các điều kiện về tài chính, giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất...
phục vụ đào tạo CTTT; kế hoạch, lộ trình chi tiết để thực hiện các cam kết này.
k) Dự kiến liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo CTTT và dự kiến đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp CTTT.
l) Phụ lục kèm theo (chương trình gốc; thông tin xếp hạng trường hoặc chương trình đào tạo; trích ngang về đội ngũ giảng viên; các kết quả đào tạo và nghiên cứu, các liên kết đào tạo và nghiên cứu với nước ngoài (nếu có); dự toán tài chính, đề nghị nguồn tài chính cho CTTT...).
3. Xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm
Bộ tiêu chí chấm điểm nhằm đánh giá các nội dung nêu trên của các đề án đăng ký triển khai CTTT sao cho có thể lựa chọn được những đề án có tính khả thi và hiệu quả cao. Do vậy, nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chí là lượng hoá rõ các điều kiện đảm bảo thực hiện CTTT: vị thế của trường đối tác và chương trình gốc, tính phù hợp của CTTT với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất hiện có, thành tích trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của trường đăng ký triển khai CTTT; khả năng có thể phát triển bền vững, nhân rộng trong trường và ra toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trong phụ lục 4 trình bày bộ tiêu chí dùng để đánh giá lựa chọn các đề án đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo CTTT năm 2008. Tuy nhiên, để cho sát điều kiện thực tế, bộ tiêu chí cần được hoàn thiện phù hợp với quá trình phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong từng giai đoạn.
4. Quyết định giao nhiệm vụ triển khai thực hiện CTTT
Trên cơ sở kết quả chấm điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn số lượng đề án đã xác định trong các Giai đoạn theo thứ tự có số điểm từ cao xuống thấp để ra quyết định giao nhiệm vụ triển khai thực hiện CTTT.