II. Các qui định triển khai chương trình tiên tiến
7. Qui định về nghiên cứu khoa học trong CTTT
Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong CTTT là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ thực tiễn, thể hiện:
- Giảng viên tham gia CTTT phải dành tối thiểu 40% quỹ thời gian cho NCKH; phải có công trình đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín đều đặn hàng năm (chủ yếu trên các tạp chí của nước ngoài); được ưu tiên chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ trọng điểm.
- Sinh viên theo học CTTT được tham gia NCKH theo nhóm nghiên cứu do các giảng viên hướng dẫn nhằm hình thành tư duy sáng tạo và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu trong quá trình học tập.
- Trên cơ sở các tiêu chí phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), hàng năm Nhà nước sẽ ưu tiên giao nhiệm vụ và kinh phí cho các đơn vị triển khai CTTT thực hiện nhiệm vụ KHCN và chuyển giao công nghệ. Tỷ lệ kinh phí dành cho NCKH (bao gồm các nguồn: sự nghiệp KHCN, hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế) so với kinh phí dành cho đào tạo đạt 70%, phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ này đạt 1/1.
- Các trường triển khai CTTT được ưu tiên thực hiện các dự án “Đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu”.
- Các trường triển khai CTTT thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các trường đối tác nước ngoài đầu tư xây dựng các chuỗi phòng thí nghiệm chuyên ngành và xây dựng các nhóm, tập thể khoa học và công nghệ mạnh, nhằm: giải mã công nghệ và tri thức nước ngoài; phổ biến và ứng dụng nhanh các tri thức và công nghệ mới; liên kết nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. - Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường triển khai CTTT
tạo ra những cơ chế khuyến khích và động lực để các giảng viên và sinh viên trong CTTT tích cực trong các việc: thực hiện nhiệm vụ NCKH và chuyển giao công nghệ; cung cấp sản phẩm, công nghệ và giải pháp phục vụ phát triển ngành giáo dục – đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.