9. Kết cấu của Luận văn
3.2.1. Xác định mục tiêu, yêu cầu
Mục tiêu chủ yếu của đào tạo theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức xã là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất của cán bộ, công chức cấp xã, có đủ phẩm chất và năng lực. Việc xác định mục tiêu phải dựa trên cơ sở thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương, xuất phát từ thực trạng cán bộ, công chức cấp xã ở huyện, căn cứ vào các tiêu chí đối với từng loại cán bộ, công chức để có các giải pháp thích hợp nhằm xây dựng cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo về chất lượng và số lượng. Do vậy, trong thời gian tới, huyện cần phải thực hiện tốt các mục tiêu sau:
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức huyện, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, hợp tác, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn, có phong cách làm việc khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, có tính kế thừa và phát triển, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ.
- Phấn đấu 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên phù hợp với nhiệm vụ được giao; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ trung cấp chính trị, hành chính. Giữ vững và nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, trong cơ cấu cán bộ các cấp, các ngành.
- Công tác quy hoạch cán bộ, công chức cần chú trọng hơn đến việc xác định các hoạt động đào tạo có mục tiêu, đối tượng, nội dung, hình thức và tiến độ cụ thể trên cơ sở phân tích, xem xét đồng bộ thực trạng và nhu cầu đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Đối với những cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn thì cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo với những chuyên môn phù hợp với vị trí công việc đang và sẽ được đảm nhận. Trong đó cần chú ý đến tiêu chuẩn về trình độ cán bộ cấp xã theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã.
Về trình độ của các chức danh cán bộ, công chức cấp xã, cần phải chuẩn hóa theo quy định của Bộ Nội vụ như sau:
- Chức danh Bí thư, Phó bí thư; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Tốt nghiệp trung học phổ thông; 2. Trung cấp lý luận chính trị trở lên; 3. Trung cấp chuyên môn trở lên.
- Chức danh chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bí thư Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, chủ tịch Hội Nông dân và chủ tịch Hội Cựu chiến binh
1. Tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên;
2. Có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên;
3. Đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực công tác mà cán bộ đang đảm nhiệm tương đương trình độ sơ cấp trở lên.
- Đối với các chức danh công chức:
1. Tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
2. Có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên. Riêng Trưởng công an và Chỉ huy trưởng quân sự phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
3. Về chuyên môn phải có trình độ trung cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh đảm nhiệm.
Bộ Nội vụ quy định chuyên môn phù hợp với từng chức danh đó là: Trưởng công an phải có chuyên môn trung cấp ngành công an trở lên; Chỉ huy trưởng quân sự phải có chuyên môn ngành quân sự; công chức tài chính kế toán phải có chuyên môn ngành tài chính kế toán; công chức tư pháp–hộ tịch phải có chuyên môn ngành luật; công chức địa chính-nông nghiệp-xây dựng và môi trường phải có chuyên môn ngành địa chính hoặc xây dựng hoặc nông nghiệp; công chức văn phòng-thống kê phải có chuyên môn ngành văn thư, lưu trữ hoặc hành chính hoặc luật; công chức văn hóa-xã hội phải có chuyên môn ngành văn hóa nghệ thuật hoặc quản lý văn hoa-thông tin hoặc nghiệp vụ lao động-thương binh và xã hội.
Việc xác định rõ mục tiêu của đào tạo theo vị trí việc làm sẽ là định hướng cho công tác đào tạo được thực hiện một cách khoa học hơn. Trong quá trình thực hiện, các nhà lãnh đạo, quản lý cần phải bám sát mục tiêu, tránh để tình trạng chệch hướng mục tiêu đã đề ra.