III. Phân theo loại tiền
2.3.2. Những hạn chế
Mặc dù đạt được những kết quả rất khả quan nhưng hoạt động phát triển dịch vụ ngân hàng tại Techcombank vẫn còn những mặt hạn chế cần giải quyết.
Thứ nhất, về chất lượng dịch vụ: Một số dịch vụ chất lượng còn chưa tốt. Quy trình dịch vụ còn nhiều bất cập, thủ tục giao dịch còn rườm rà. Khả năng giải quyết tình huống của các nhân viên nghiệp vụ đôi khi còn chưa thấu đáo, chưa thực sự làm hài lòng khách hàng. Trong khi đó, ngân hàng lại thu khá nhiều khoản phí khác ngoài phí dịch vụ như phí quản lý tài khoản, phí thẩm định hồ sơ đối với dịch vụ tín dụng…
Có thể nhìn thấy rõ tình trạng này qua các dịch vụ về tín dụng và thẻ. Quy trình thẩm định tín dụng mất khá nhiều thời gian của khách hàng. Nhiều lúc hồ sơ còn bị thất lạc do lỗi của cán bộ nghiệp vụ. Tình trạng lỗi khi thực hiện các giao dịch qua thẻ xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt là khi khách hàng rút tiền tại các máy ATM của ngân hàng khác có chấp nhận thẻ của Techcombank. Không phải tất cả các máy ATM của Techcombank đều có thể thực hiện việc nộp tiền trực tiếp vào tài khoản. Số lượng những máy có thể thực hiện giao dịch này còn rất hạn chế. Sự phối hợp giữa Techcombank với các ngân hàng liên kết chưa linh hoạt. Đều này dẫn đến việc xử lý các sự cố trong giao dịch thẻ còn chậm. Việc thực hiện các giao dịch trên Internet Banking đôi khi cũng bị lỗi do đường truyền không tốt. Quy trình giải quyết sự cố còn nhiều bất cập, gây mất thời gian cho khách hàng.
Thứ hai, về mạng lưới giao dịch và phân khúc thị trường: Mạng lưới giao dịch của Techcombank mới chỉ tập trung ở những thành phố lớn, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện có thu nhập thấp, người nghèo, người ở những vùng nông thôn nơi các chi nhánh và phòng giao dịch của Techcombank chưa được mở đến nơi.
Nhóm đối tượng các cá nhân là sinh viên và bố mẹ của họ với nhu cầu rất lớn về dịch vụ chuyển tiền cũng chưa được quan tâm thích đáng. Trong khi, một số ngân
hàng như Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Nông nghiêp đã có rất nhiều hình thức phát triển dịch vụ thẻ và chuyển tiền qua tài khoản cho loại hình đối tượng này thì ở Techcombank, số lượng thẻ cũng như doanh thu từ dịch vụ chuyển tiền cho nhóm đối tượng này còn rất thấp.
Thứ ba, về hoạt động tuyên truyền, Marketing dịch vụ ngân hàng: Trong những năm qua, hoạt động Marketing quảng cáo cho các SPDV mới của Techcombank mặc dù đã được quan tâm đẩy mạnh nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Các sản phẩm mới đưa ra thị trường chưa có những hoạt động khuếch trương nhằm tạo sự chú ý của công chúng. Ngay cả những sản phẩm đã được phát triển và có khá nhiều ưu điểm như sản phẩm thẻ F@st Access của Techcombank có thể rút tiền mà không mất phí ở rất nhiều điểm giao dịch nhưng không phải khách hàng nào cũng biết để so sánh với dịch vụ thẻ của các ngân hàng khác.
Dịch vụ chuyển tiền kiều hối của Techcombank cũng chưa thực sự phát triển. Đây là một trong những nguồn ngoại tệ đáng kể cần được tận dụng để đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ trong những giai đoạn khan hiếm. Tuy nhiên, ở Techcombank doanh thu dịch vụ này còn thấp, thị phần còn khá nhỏ bé so với các NHTM khác.
Thứ tư, về khả năng quản lý rủi ro: Khả năng kiểm soát tính tuân thủ còn thấp. Vấn đề quản lý rủi ro còn nhiều bất cập. Các dịch vụ ngân hàng hiện đại được sử dụng ngày càng nhiều là một dấu hiệu khả quan, là thành công của Techcombank song cũng là thách thức không nhỏ đối với ngân hàng khi chưa có khả năng quản lý rủi ro hiệu quả, chưa có đủ các biện pháp phòng chống gian lận, bảo mật, an toàn tốt.
Thứ năm, về quy trình nghiệp vụ: Mặc dù đã có nhiều cải tiến, nhưng quy trình nghiệp vụ ở Techcombank vần còn nhiều bất cập. Các SPDV mới khi đưa vào hoạt động chưa có những quy trình thống nhất và chưa được thực hiện đồng bộ. Chính những bất cập này đã tạo ra những khó khăn khi triển khai dịch vụ, làm giảm chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng.