Kiến trúc Phật giáo:

Một phần của tài liệu văn minh ấn độ cổ trung đại (Trang 25 - 28)

Một trong những loại hình kiến trúc đặc sắc khác của Ấn Độ là kiến trúc Phật giáo trong đó nổi bật là quần thể đền chùa trong các hang động, vách đá. Loại đền chùa này được phổ biến từ đầu Công nguyên và phát triển đến giai đoạn cuối của thời Gúpta. Hình thức của các dạng chùa, đền này cũng rất phong phú, đa dạng như: dạng cổng hình móng ngựa hoặc hình bông sen; dạng mặt tiền gồm nhiều cột trụ to lớn, đầu đục hình loài vật; nhiều đền, chùa được trang trí bằng cột, cổng, hàng rào chạm trổ rất đẹp. Phía trong có một chaitya- tức phòng họp, với các hàng cột để ngăn cách gian giữa với các gian bên, lại có những trai phòng nhỏ cho các tu sĩ, và ở phía trong cùng, đối diện với cửa là một bàn thờ treo các thánh tích… Ngôi đền tiêu biểu cho kiểu hình thời kỳ đầu này là đền Karle.

Tuy nhiên khi hỏi loại hình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu nào đặc trưng của Ấn Độ thì chắc chắn không thể có đáp án nào đích đáng hơn là các chùa hang và các tháp.

Chùa hang Ajanta

Thành tựu kiến trúc Phật giáo được đánh giá nổi bật hơn cả là quần thể chùa hang Ajanta ở bang Maharastra, miền Trung Ấn- di tích Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới.

“Ajanta” có nguồn gốc từ “Ajintina” trong tiếng Phạn nghĩa là “vô tưởng”. Quần thể chùa hang này gồm 29 chiếc hang động được tôn tạo từ khoảng thế kỷ II, III đến thế kỷ IX, X. Được biết đến như một kỳ quan của Ấn Độ, chùa hang Ajanta là kiểu mẫu của nghệ thuật hỗn hợp nửa kiến trúc, nửa điêu khắc- đặc điểm của những ngôi đền Ấn Độ. Động đá Ajanta là Phật điện của các tín đồ Phật giáo cổ đại Ấn Độ được tạo ra làm nơi thờ Phật- tức Phật điện (Chi Đề) và nơi ở của các tăng ni (Tỳ Kha La). Chùa hang Ajanta được bao gồm 25 động là "Tỳ Kha La” và 4 “Chi Đề”. Mái của “Chi Đề” có hình vòm, mặt ngang có hình vó ngựa, bên trong đặt các tượng Phật Phổ Đà và các vị Bồ Tát rất lớn. Còn “Tỳ Kha La”, nơi ở của các tăng nhân có hình vuông, phần bên trong bày đặt tương đối đơn giản, có giường đá, gối đá và các khám thờ Phật… Sau khi Phật giáo Ấn Độ suy vong, động đá Ajanta bị lãng quên cho mãi đến tận năm 1819, một đại úy quân đội thực dân Anh đã vô tình phát hiện ra nơi này, từ đó Ajanta mới được người đời biết đến.

Chùa hang Ajanta có một lượng lớn các bức tượng điêu khắc và các bích họa, nội dung chủ yếu là dùng để miêu tả đạo Phật. Đó là các bức tranh nói về sự ra đời, xuất gia, tu hành, đắc đạo, thuyết pháp của Phật Thích Ca Mầu Ni; có cả những bức tranh phản ánh cuộc sống của nhân dân Ấn Độ cổ đại và cuộc sống cung đình của các bậc đế vương. Về kỹ xảo và kết cấu rất hài hòa, nghiêm ngặt. Các bộ phận trên cơ thể người được thể hiện rất giàu biểu cảm, các đường nét sống động, thanh thoát, đạt đến trình độ rất cao. Vẻ đẹp của Ajanta là vẻ đẹp hài hòa giữa phần “hồn” và phần “xác” (theo cách nói của nhà Phật). Ở đây người ta thấy Phật giáo Ấn Độ không cấm kỵ việc bàn luận và biểu hiện ra bên ngoài phần “thể xác” của con người. Những bức tượng thần đã cho thấy vẻ đẹp của người Ấn Độ không chỉ là sự thanh mảnh, mềm mại mà còn là những đường nét đẫy đà, nở nang và linh hoạt. Người Ấn Độ vẻ đẹp con người, thừa nhận cái vẻ đẹp thể xác hơn vẻ đẹp tinh thần. Trong văn hóa Ấn Độ, thần chính là sự hoàn mỹ hóa con người, thần là biểu hiện lý tưởng về sự thăng hoa của con người.

Tư thế vận động linh hoạt, giàu nữ tính là kiểu mẫu phổ biến các bức họa khắc họa tượng Bồ Tát Ấn Độ. Theo quan niệm tôn giáo, tượng Phật là phải thoát tục, siêu việt

nhưng trên thực tế các họa sĩ dân gian Ấn Độ cổ đại đã sớm thoát ra khỏi sự trói buộc mang ý nghĩa tôn giáo, dùng đôi mắt biết quan sát cuộc sống hòa nhập cái đẹp của nhân gian vào trong cái đẹp mang tính thần thánh. Tượng Bồ Tát tay cầm hoa sen vưà có những nét đặc điểm của con người bình thường lại vừa thể hiện được cái tao nhã, thoát tục. Đây chính là nghệ thuật Phật giáo Ajanta đã mang đến cho người đời một cảm nhận hoàn toàn mới mẻ.

Chính vì những thành công rực rỡ trên mà hệ thống chùa hang Ajanta được coi là một kho tàng nghệ thuật Ấn Độ và cũng là kho tàng nghệ thuật Phật giáo, xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ.

Tháp Sanchi:

Tháp Sanchi là công trình kiến trúc độc đáo kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, là tác phẩm của nhiều người Ấn sùng đạo Phật mà ý tưởng ban đầu thuộc về triều đại Ashoka. Đầu tiên người ta xây tháp bằng gạch, sau đó đến thế kỷ II tháp đã được ốp thêm bằng đá cho to và rộng hơn. Tháp có chiều cao 15m, đường kính 35m, bao gồm 3 bộ phận chính: một bán cầu, trên có một vọng lâu và một hàng rào xung quanh.

Trên một nền kiến trúc vuông vức là một bán cầu khối đặc khổng lồ được xây dựng bằng gạch và đá, hình một cái bát úp sấp, chỏm hơi dẹt. Trên chỏm có xây dựng một vọng lâu hình vuông, được cho là nơi để xá lị Phật. Trên tận cùng nóc là một cột có gắn 3 phiến đá lớn hình đĩa, tạo thành hình chiếc dù nhiều tầng mà người ta cho rằng đó là biểu hiện cho sự tôn nghiêm nhưng cũng có thể là dùng để che mưa che nắng. Chung quanh bán cầu có một hàng rào đá bao bọc, gồm 120 thanh cột chống, mở ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc.

Sau đó công trình kiến trúc kỳ vĩ này còn được người Ấn Độ hoàn thành vào thế kỷ I, chủ yếu là trong bốn cổng ra vào- và chính bốn cổng này đã làm nên điều huyền diệu cho bảo tháp lớn thiêng liêng này.

Ứng với bốn hướng Đông, Tây, Nam và Bắc là bốn cổng làm bằng đá, mỗi cổng bao gồm hai cột đứng thẳng đỡ ba xà ngang bắc ngang hơi cong biểu hiện cho tam thế (quá khứ, hiện tại và tương lai) theo như quan điểm của nhà Phật. Mỗi đầu cột, mỗi cột, các cây chéo, cây chống,… đều được tạc đủ các hình thù, chạm nổi được đánh giá là “đạt đến trình độ điêu luyện của nghệ thuật chạm nổi’, “một thảm điêu khắc dày đặc, sống động và tinh tế”. Mặc dầu được sáng tác chủ yếu theo chủ đề tôn giáo song các hình

tượng được tạc, khắc vào các cột, cây chống rất đa dạng thể hiện tình yêu với cái đẹp và cuộc sống: những đàn voi, những con sư tử, khỉ, chim trĩ, rắn thần Naga,… Quan niệm của người Ấn coi những sinh vật này như là ngưi anh em với con người trong kiếp luân hồi.

Tuy nhiên bắt gặp nhiều hơn cả là những hình tượng nhà Phật: bánh xe pháp luân, những tín đồ sống khổ hạnh, ăn uống đạm bạc, cởi trần tự hành hạ bản thân để được thanh thản về tinh thần. Ở cổng phía Đông còn có hình tượng của Phật tổ Thích Ca Mầu Ni ngồi thiền dưới cây bồ đề, chân xếp, tay chắp lên ngực, mắt nhìn xuống ẩn chứa nhiều niềm trăn trở, từ bi,… cho thấy nghệ thuật điêu khắc đã phát triển ở đỉnh cao để có thể khắc hoạ được cái thần thái ấy.

Bên cạnh những hình tượng của phong cách Phật giáo thì ta còn có thể thấy nhiều hình tượng biểu hiện cho phong cách nghệ thuật theo xu hướng Hinđu giáo. Điển hình là ở cổng phía Đông còn có chạm nổi hình tượng nữ thần (Yakis) được Will Durant miêu tả:

“Chân tay nặng nề, mông dày, bụng thon bộ ngực nhô ra đồ sộ, điệu bộ phóng túng gợi tình,…”. những hình tượng của các tiên nữ khoả thân cũng được sử dụng với tư thế bay bổng trên không trung, cơ thể uốn cong, dáng đứng uyển chuyển mềm mại, mình thon, ngực và hông nở, những tiên nữ thoát lên một vẻ đẹp vừa trần tục, vừa thánh thiện,… Những hình tượng mang hơi hướm Hinđu này được đánh giá: “…Người thợ điêu khắc Ấn Độ đã biết phô diễn một cách tuyệt vời cơ thể con người, ở tượng nữ quần áo đơn giản đến mức người ta có cả giác. Và tính nhục dục thể hiện rõ ở đôi môi, bộ ngực, cánh tay, … tất cả đều tràn trề một tình cảm nồng cháy, cháy bỏng tình người…”

Sanchi đã trở thành một phong cách nghệ thuật trong nghệ thuật cổ điển Ấn Độ, thể hiện rõ một quan điểm thẩm mĩ nhiều nữ tính- sự đầy đặn của hình thể, cử chỉ mềm mại theo dáng uốn lượn, sự biểu hiện rõ của các khối nổi,… Những đặc điểm đó mang đậm nét của khuynh hướng nghệ thuật Mathura.

Một phần của tài liệu văn minh ấn độ cổ trung đại (Trang 25 - 28)