− Đề xuất điều tiết thu khoản thuế có thể tạm gọi là "thuế giá trị nhà đất gia tăng" (hoặc kết hợp với thuế trước bạ khi chuyển dịch), chỉ thu trong trường hợp mua bán lần đầu tiên, đối với các căn hộ được hưởng lợi từ giá trị bất động sản gia tăng, sau khi có công trình hạ tầng hoàn thành... Tuy nhiên, các đề xuất trên vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, vận dụng dựa trên khuôn khổ tạo điều kiện từ Nghị định 93 và Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về phân cấp cho thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tạo nguồn thu và công tác quản lý đô thị.
− Đối với người sử dụng đất không có nhu cầu để ở mà để chuyển nhượng đất, hoặc mua nhà gắn liền với đất rồi để đấy không sử dụng, chờ thời cơ bán lại, có thể áp dụng thuế suất cao từ 10 đến 20% giá trị tài sản. Đất xây dựng công trình có hai loại thuế: Loại thứ nhất đánh vào thu nhập phát sinh do hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và kinh doanh BĐS, thuế suất có thể lên đến 50% trên tổng giá trị đất tăng lên. Chẳng hạn, một người mua một lô đất 50 cây vàng, 2 năm sau bán lại với giá 200 cây vàng, lãi được 150 cây thì người này phải đóng thuế 75 cây vàng.
− Một hình thức khác là điều tiết giá trị gia tăng do quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường hoặc hưởng lợi do công tác quy hoạch của Nhà nước. Theo đó, người được hưởng lợi có thể phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tăng lên. Chẳng hạn trước khi mở đường, ngôi nhà có giá trị 100 cây vàng, sau khi mở đường, cũng ngôi nhà đó có giá trị 200 cây vàng thì chủ căn nhà phải đóng thuế điều tiết 50 cây vàng. Đối với trường hợp người được hưởng lợi, nhưng không có khả năng đóng thuế một lần thì được Nhà nước cho ghi nợ và phải trả trong một khoản thời gian nhất định và có tính lãi suất theo lãi suất của ngân hàng.