Ở giai đoạn này, ngành ngân hàng Việt Nam chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng
hoảng tài chính thế giới năm 2008 và đã có những chuyển biến rõ rệt trong chiến lược phát triển, chuyển hướng sang đẩy mạnh các dịch vụ NHBL. Các NHTM trong nước đã có những bước tiến mạnh mẽ trong chiến lược phát triển dịch vụ NHBL, tăng cường tiếp cận khách hàng cá nhân, DNVVN, nhằm gia tăng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh của ngân hàng trong giai đoạn kinh tế tài chính khó khăn.
Mở rộng kênh phân phối: Nhiều ngân hàng tích cực mở rộng kênh phân phối bán lẻ qua việc khai trương các chi nhánh/phòng giao dịch, mở rộng mạng lưới ATM/POS nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đang tăng cao của dân cư và các doanh
nghiệp; gia tăng lợi thế địa bàn, tiếp cận sâu và rộng đến khu vực tiềm năng.
Thay đổi hình ảnh ngân hàng: dưới áp lực cạnh tranh về cung cấp dịch vụ ngân hàng, hướng tới mục tiêu trở thành NHBL hiện đại, đa năng chiếm lĩnh thị trường nội địa, nhiều NHTM đã đầu tư, xây dựng, thiết kế lại toàn bộ hệ thống nội –
ngoại thất, thay đổi phương thức giao dịch theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp. Gia tăng tiện ích dịch vụ tài khoản cá nhân: Các NHTM Việt Nam không chỉ chú trọng việc mở rộng mạng lưới nhằm tiếp cận thị phần bán lẻ, tăng cường tiếp cận khách hàng mà còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng tính tiện lợi về dịch vụ tài khoản cho khách hàng.
Cải tiến, đổi mới công nghệ: Nhiều ngân hàng đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để tạo lập nền tảng hạ tầng cần thiết cho phát triển các kênh dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm tài chính, đảm bảo công tác quản trị rủi ro tác nghiệp, bảo mật thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ NHBL. Hiện nay, ở nước ta, một số phần mềm
core banking đã được sử dụng tại các ngân hàng như: Siba; SmartBank; Symbol
System;… Core banking chính là biểu hiện rõ nhất của cuộc chạy đua về công nghệ hiện đại hóa ngân hàng, giúp khách hàng có được nhiều tiện ích khi thực hiện các thanh toán thương mại và từng bước đưa Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới.
34