5. Cấu trúc của luận văn
2.4. Khoa học – kĩ thuật
Trong buổi đầu tiếp xúc, giao lưu Việt – Pháp, một số thành tựu về khoa học – kĩ thuật phương Tây đã được du nhập vào nước ta thông qua các giáo sĩ thừa sai Pháp. Để nâng cao uy tín cá nhân, tạo thuận lợi cho việc truyền giáo, các giáo sĩ thừa sai khi giao tiếp với vua chúa, quan lại, dân chúng Đại Việt thường phô trương hiểu biết của mình về các môn khoa học phương Tây như thiên văn học, vật lý, toán học… Chẳng hạn, năm 1692, khi đi qua Nghệ An, A. de Rhodes báo trước bốn ngày tới sẽ có nhật thực. Sự chính xác của trong lời dự đoán của A. de Rhodes khiến người dân kinh ngạc, thán phục. Thậm chí một số người đã cải đạo. Trong hồi kí, A.de Rhodes có viết: “Khi chúng tôi vào Nghệ An, … phải khi ấy có nhật thực chúng tôi đã nói bốn ngày trước, cũng đã kể mọi sự trước sau thế nào, thì dân ngoại lấy làm lạ lùng ngẩn trí ra, liền có kẻ xin đi đạo…” [30, tr.128].
Trong cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, không ít kiến thức về vật lí, quân sự… được Bá Đa Lộc và một số chuyên gia Pháp giới thiệu và sử dụng nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội của Nguyễn Ánh. Năm 1791, Bá Đa Lộc còn cho thả kinh khí cầu và làm một số thí nghiệm về điện trước đông đảo dân chúng Sài Gòn vào dịp tết Nguyên đán để nâng cao uy tín, vị thế chính trị của mình. Có thể nói việc những gợi ý của Bá Đa Lộc và một số chuyên gia Pháp về quân sự như biên chế quân đội thành các binh chủng, lập trường đào tạo binh sĩ, dịch một số học thuyết quân sự phương Tây sang tiếng Việt theo thể thơ để các binh sĩ học thuộc lòng, xây dựng các ngôi thành theo kiểu Vauban… góp phần quan trọng vào việc đổi mới lực lượng quân sự của Nguyễn Ánh. Đây là một biểu hiện rõ nét của yếu tố Pháp về quân sự trong văn hóa Việt vào nửa cuối thế kỉ XIX.
Để thuận lợi cho công tác truyền đạo, các giáo sĩ thừa sai Pháp đã thành lập một số nhà in để in Kinh Thánh và các sách giáo lí. Thông qua các nhà in này, kĩ thuật in chữ rời – công nghệ in hiện đại phương Tây đương thời được du nhập vào Việt Nam. Chẳng hạn, ở Đàng Ngoài, nhà in Vĩnh Trị được xây dựng vào năm 1855 để in các sách giáo lí bằng 4 loại văn tự là Hán, Nôm (được in bằng các bản khắc gỗ), Latinh và chữ Quốc ngữ (được in bằng chữ rời). Ở Đàng Trong, nhà in Tân
Định (lúc đầu có tên là Nhà in Thừa sai), được thành lập năm 1874, hoạt động đến năm 1965. Trong suốt thời gian tồn tại, nhà in Tân Định cho in ấn hàng nghìn tác phẩm văn hóa Thiên Chúa giáo, trong đó tiêu biểu là tờ báo Nam kì địa phận.
Tất nhiên các xưởng in đó ra đời chủ yếu phục vụ cho công cuộc truyền bá Thiên chúa giáo ở nước ta nhưng sự du nhập kỹ thuật in tiên tiến của phương Tây vào Việt Nam là tiền đề vật chất quan trọng cho sự phát triển của văn hóa bản địa sau này, mà trước hết là sự phát triển của báo chí – một lĩnh vực của văn hóa được du nhập từ phương Tây vào nước ta. Do vậy, chúng tôi cho rằng đây cũng là một biểu hiện của yếu tố Pháp trong văn hóa Việt vào thế kỉ XIX.
Sau khi chiếm được Nam kì, rồi toàn bộ Việt Nam, để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã du nhập vào nước ta nhiều thành tựu của khoa học – kĩ thuật phương Tây. Đầu tiên phải kể đến kĩ thuật canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học – kĩ thuật. Ngay khi chiếm được Nam kì, người Pháp đã mở ra những phòng, cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu những điều kiện về đất đai, khí hậu, chế độ nước, giống, phân bón của việc trồng lúa tại Nam kì và khắp Đông Dương. Vào năm 1864, Pháp cho thành lập
Vườn bách thảo, sau đó là Hội nông nghiệp và kĩ nghệ Nam kì nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết cho nền nông nghiệp bản xứ. Tiếp theo đó là hàng loạt các cơ quan như Nha Canh nông và thương mại Đông Dương (1898), Nha Canh nông Nam kì (1899), Phòng thí nghiệm phân tích hóa học nông nghiệp và kĩ nghệ (1898)… Những cơ quan này được lập ra với nhiệm vụ thí nghiệm, giải quyết các vấn đề kĩ thuật do việc khai thác đồng bằng sông Cửu Long đặt ra, hướng dẫn việc khai thác nói chung, việc trồng trọt nói riêng, đi dần vào con đường khoa học để nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, chính quyền thực dân cũng bắt đầu tiến hành cơ khí hóa trong nông nghiệp bằng việc đưa máy móc vào đồng ruộng. Năm 1902, chính quyền thuộc địa đã đem máy cày vào cày thử tại Mỹ Tho. Sau đó công ty Sambuc cũng đã thử dụng máy cày để bừa một đồn điền rộng 8.000 ha tại Cần Thơ. Ngoài ra, thực dân Pháp còn thử nghiệm các loại máy gặt, máy đập lúa, khuyến khích việc cải tiến những chiếc cày, bừa truyền thống… Việc áp dụng kĩ thuật canh
tác mới trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại kết quả đáng kể, góp phần tăng năng suất và sản lượng, tận dụng được thời gian canh tác… bước đầu tạo ra những thay đổi tích cực về sản xuất nông nghiệp ở Nam kì nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong sản xuất công nghiệp, thực dân Pháp đã du nhập công nghệ hiện đại để xây dựng kĩ nghệ thuộc địa nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam phục vụ cho nền kinh tế Pháp. Đó là yếu tố khách quan thúc đẩy sự ra đời của hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp hiện đại trên đất nước ta, nhất là hệ thống nhà xưởng và máy móc của 2 ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến như đã trình bày ở mục 2.1.2.
Yếu tố Pháp về khoa học – kĩ thuật trong văn hóa Việt vào đầu thế kỉ XX còn được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực giao thông vận tải và thông tin liên lạc. Đó là sự hình thành của mạng lưới giao thông hiện đại với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy được đầu tư xây dựng theo kĩ nghệ tiên tiến phương Tây cùng với những phương tiện giao thông hiện đại lúc bấy giờ như tàu hỏa, xe ôtô, tàu điện, tàu thủy chạy bằng hơi nước… Cùng với đó, hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện được xây dựng và ngày càng mở rộng, đảm bảo cho nhu cầu liên lạc của người dân. Hiển nhiên, những thành tựu khoa học kĩ thuật hiện đại phương Tây được thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam trước hết và chủ yếu phục vụ cho công cuộc khai thác và bóc lột thuộc địa. Và trên thực tế, chính những phương tiện máy móc hiện đại, kĩ thuật canh tác mới này cũng góp phần quan trọng làm gia tăng mức độ bóc lột của thực dân Pháp đối với các tầng lớp lao động bản xứ. Tuy vậy, từ góc độ yếu tố Pháp, trong chừng mực nhất định, những thành tựu khoa học kĩ thuật đó đã mang lại những thay đổi tích cực, tạo ra cơ sở đầu tiên để hình thành một nền khoa học kĩ thuật Việt Nam theo hướng hiện đại, đưa nền khoa học kĩ thuật Việt Nam bắt đầu tiếp cận với thế giới.
* * *
Tiểu kết chương
Xét về mặt lịch sử, sự xâm nhập và định hình của yếu tố Pháp trong các lĩnh vực văn hóa vật chất của nền văn hóa Việt Nam chủ yếu diễn ra trong những thập niên cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhất là từ năm 1897 khi thực dân Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Khoảng thời gian từ thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XIX là tiền đề cho sự xâm nhập nói trên của yếu tố Pháp. Điều này lí giải những chuyển biến quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Lần đầu tiên trong sinh hoạt kinh tế, người Việt Nam biết đến các ngành công nghiệp như khai thác than đá, quặng mỏ, công nghiệp chế biến, tiêu dùng… với sự ra đời của hàng trăm nhà máy, công xưởng với hệ thống máy móc hiện đại hoạt động liên tục. Cùng với hoạt động sản xuất là những cái mới trong lĩnh vực giao thông vận tải, với sự xuất hiện của một hệ thống giao thông đồng bộ (đường sắt, đường nhựa, cảng biển…) và các phương tiện giao thông hiện đại (ô tô, tàu lửa, tàu điện…). Bộ mặt đô thị Việt Nam cũng thay đổi với hàng trăm cửa hàng, dinh thự, công sở, nhà hàng, khách sạn, vila… được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu.
Tất cả các cơ sở vật chất trên đây đã bổ sung vào văn hóa truyền thống thuần nông những yếu tố mới của văn hóa công thương, hình thành nhân tố mới cho văn hóa vật chất Việt Nam đầu thế kỷ XX. Để trên cơ sở đó, cơ sở vật chất kĩ thuật của nền kinh tế công thương nghiệp hiện đại bước đầu hình thành ở Việt Nam.
Có thể nói sự nghiệp thực dân của Pháp đã tàn phá tiềm năng kinh tế Việt Nam một cách nặng nề và để lại một hậu quả xã hội đau đớn, biến nước ta thành một nước nô lệ, phụ thuộc vào nước Pháp, tăng sự giàu có cho tư sản Pháp và làm bần cùng hóa đến tận cùng đời sống của đại đa số người dân Việt Nam. Nhưng nếu xét từ góc độ yếu tố Pháp, ở một chừng mực nhất định, công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp góp phần tạo dựng một hệ thống cơ sở vật chất mới, hiện đại ứng dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật phương Tây vào đất nước ta. Những cơ sở vật chất của kinh tế tư bản mọc lên trên nền móng của nền nông nghiệp truyền thống đã tạo ra diện mạo mới của nền văn hóa vật chất Việt Nam những thập niên cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Chương 3
YẾU TỐ PHÁP TRONG
CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT