5. Cấu trúc của luận văn
2.2. Hệ thống giao thông vận tải
Ngày 22/3/1897, sau khi sang Đông Dương, toàn quyền Paul Doumer gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp những nội dung cơ bản của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Một trong số đó là “chú ý xây dựng thiết bị lớn cho Đông Dương, như xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, sông đào, bến cảng… rất cần thiết cho công cuộc khai thác” [38, tr.98]. Do vậy, đồng thời với những chuyển biến kinh tế, yếu tố Pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng dần được hình thành và phát triển ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX. Đó là hệ thống giao thông vận tải hiện đại gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nối liền các trung tâm khai thác với đô thị, toả ra khắp nông thôn phục vụ cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa
Để nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống giao thông phục vụ cho chương trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã ứng dụng một số kĩ nghệ cầu đường tiên tiến của phương Tây vào xây dựng hệ thống đường giao thông ở Việt Nam.
Hệ thống đường bộ được mở rộng không ngừng, đặc biệt là những tuyến đường huyết mạch xuyên Việt đã được gấp rút đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, một mạng lưới giao thông đường bộ đến các khu công nghiệp khai mỏ, đồn điền, bến cảng và các vùng biên giới quan trọng đã dần hình thành. Đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất, con đường huyết mạch Bắc – Nam dài hơn 2.000 km, được gọi là đường thuộc địa số 1, đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông hàng tỉnh cũng phát triển nhanh. Tổng số đường hàng tỉnh được xây dựng trước chiến tranh thế giới thứ nhất vào khoảng 20.000 km, kèm theo có 14.000 km đường dây điện thoại. Để phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các tuyến giao thông, hàng trăm cây cầu kiên cố (dài từ 100m trở lên) bằng sắt, thép cũng được Pháp đầu tư xây dựng. Trong số đó có nhiều cây cầu thế kỉ như cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế), cầu Bình Lợi (Sài Gòn)... Những phương tiện giao thông đường bộ hiện đại như ô tô cũng bắt đầu xuất hiện. Năm 1913, toàn Đông
Dương có 350 ô tô, tập trung chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội. Trong điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, sự xuất hiện của hệ thống đường bộ Bắc – Nam dài hàng ngàn km cùng với hàng trăm cây cầu bằng thép, ximăng ở các nơi góp phần thay đổi diện mạo hệ thống giao thông nước ta theo hướng hiện đại.
Về đường thuỷ, chính quyền thuộc địa tiến hành khai thông các hệ thống sông lớn ở nước ta như sông Hậu, sông Đồng Nai, sông Hồng, sông Thái Bình... Các kênh, rạch cũng được tu bổ hoặc khai khẩn thêm như kênh Vĩnh Tế, Vĩnh An, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang – Cái Lớn, Thanh Hóa – Nghệ An… Nhờ vậy, về cơ bản một mạng lưới giao thông đường thủy nối liền các vùng miền đất nước đã hình thành vào đầu thế kỉ XX. Các tàu thuỷ lớn, xà lan đã chạy trên các tuyến sông, trong đó có nhiều tàu chạy bằng đầu máy hơi nước. Chẳng hạn riêng ở Nam kì, đến năm 1914 có tới 1.745 km đường thủy có tàu chạy bằng máy hơi nước. Cũng từ đầu thế kỉ XX, Pháp đã đầu tư 8,2 triệu franc để mở rộng các cảng cũ và xây dựng thêm các cảng mới, nhất là cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh, Sài Gòn qua đó đưa các cảng của Việt Nam gia nhập vào hệ thống giao thông hàng hải quốc tế.
Một biểu hiện quan trọng của yếu tố Pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải ở nước ta vào đầu thế kỉ XX chính là sự xuất hiện của hệ thống đường sắt. Trong những năm từ 1899 đến 1928, nhiều tuyến đường sắt nối liền các trung tâm kinh tế chính trị của Việt Nam được chính quyền thuộc địa đầu tư xây dựng như tuyến Hà Nội – Lạng Sơn (1902), Hà Nội – Vinh (1905), Đà Nẵng – Huế (1906), Sài Gòn – Nha Trang, Hải Phòng – Vân Nam (1919)… Có thể nói phần lớn chiều dài đường sắt, bao gồm các tuyến chính đều đã được xây dựng trong 15 năm đầu của thế kỉ XX. Tính đến năm 1912, tổng số đường sắt đã làm xong ở Việt Nam là 2.059 km. Trên cơ sở đó, Pháp cho xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt Hà Nội – Sài Gòn với chiều dài khoảng 1.800 km. Tuyến đường này phải mất 36 năm mới hoàn thành (từ 1900 đến 1936) và đưa vào sử dụng xây dựng. Cùng với đó, các phương tiện vận chuyển đường sắt cũng xuất hiện. Năm 1913 có 132 đầu máy, 327 toa xe khách và 1.429 toa xe hàng hoạt động ở Việt Nam.
Có thể nói sự xuất hiện của một hệ thống giao thông thủy bộ, đường sắt được xây dựng theo kĩ nghệ cầu đường tiên tiến của phương Tây ở nước ta vào đầu thế kỉ XX là một nét mới, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vận tải của Việt Nam. Nhờ có hệ thống giao thông khá hiện đại này mà cơ sở hạ tầng của Việt Nam vào đầu thế kỉ XX đã có những chuyển biến quan trọng, tích cực, biến nước ta trở thành một trong những nước có hệ thống giao thông thuộc loại tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không thể phủ nhận một thực tế là thực dân Pháp xúc tiến xây dựng, mở rộng và hoàn chỉnh nhiều tuyến giao thông mới ở Việt Nam đương thời chủ yếu để phục vụ đắc lực cho các hoạt động khai thác và bóc lột về kinh tế, đồng thời sẵn sàng đối phó với các cuộc nổi dậy của nhân dân ta ở các địa phương. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần đánh giá, nhìn nhận khách quan và thỏa đáng khi đề cập tới yếu tố Pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.