Thời kì các vua Nguyễn (nửa đầu thế kỉ XIX)

Một phần của tài liệu yếu tố pháp trong văn hóa việt từ thế kỉ xvii đến đầu thế kỉ xx (Trang 34 - 43)

5. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Thời kì các vua Nguyễn (nửa đầu thế kỉ XIX)

Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong và Đàng Ngoài cũ, Nguyễn Ánh lên ngôi vua với hiệu là Gia Long, lập ra nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Đầu thế kỉ XIX, nhờ cuộc cách mạnh công nghiệp, nền kinh tế Pháp phát triển mạnh mẽ, vươn lên đứng hàng thứ hai thế giới sau Anh. Điều này thúc giục giới tư bản Pháp đẩy nhanh quá trình xâm lược thuộc địa nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, thị trường và nhân công. Như vậy, những đòi hỏi của nền kinh tế trong thời kì cách mạng công nghiệp là nhân tố quyết định đường lối đối ngoại thực dân của Pháp.

Việt Nam là vùng đất mà Pháp có sự quan tâm đặc biệt từ lâu. Ngày 25/11/1801, Charpentier de Cossigny, nguyên toàn quyền Pháp ở Pondichéry, đã gửi báo cáo về Paris đề nghị nhanh chóng cử sứ thần sang Việt Nam để kí kết một hiệp ước liên minh và thương mại. Tuy nhiên, do Pháp đang vướng bận chiến tranh ở châu Âu (1802 – 1812) nên việc này bị gác lại.

Sau khi Đế chế I của Napoleon Bonaparte bị sụp đổ (1815), chiến tranh kết thúc ở châu Âu, hoạt động giao thương của Pháp được đẩy mạnh trở lại. Trong

những năm 1815 – 1817, trong chính giới Pháp xuất hiện nhiều kiến nghị thúc giục cần nhanh chóng thiết lập quan hệ với Việt Nam.

Năm 1817, sau một thời gian gián đoạn, các thương thuyền Pháp mới quay lại Việt Nam. Sau khi đến Sài Gòn, tháng 12/1817, hai tàu La Paix (hãng Balguerie et Sarget) và Henry (hãng Philippon) đều ở Bordeaux cập cảng Đà Nẵng. Khi biết tin, vua Gia Long cho 2 người Pháp đang làm quan trong triều là Jean Bapatiste Chaigneau và Philippe Vannier6 đến giúp đỡ. Tuy nhiên do hai thương thuyền này có nhiều hàng hóa không phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam nên bán không chạy. Thấy vậy, vua Gia Long đã miễn thuế hoàn toàn cho 2 tàu buôn Pháp, đồng thời cho phép tàu được trở lại nước ta một lần nữa, mang theo những mặt hàng với giá được định trước.

Tháng 11/1819, tàu Henry quay trở lại Việt Nam, cùng thời gian với tàu La Rose. Thuyền trưởng tàu Henry là Rey trú lại ở Huế, gần nhà của Vannier và bày bán các hàng hóa mang theo bao gồm súng, vải, rượu, thực phẩm, đồ gia dụng, gương soi, đồ thủy tinh, pha lê... mà vua Gia Long đã gợi ý trong chuyến đi trước. Ngoài ra còn có thêm một số máy móc như máy bơm nước, máy xay thuốc súng, máy dát đồng... Vua Gia Long đã đến thăm và mua nhiều thứ ngoài 1.000 khẩu súng tay trang bị cho quân đội.

Sau khi mua được một số đường, trà và hàng tơ lụa, hai tàu Henry và La Rose rời cảng Đà Nẵng vào ngày 13/11/1819. Các chuyến tàu sau, hàng hóa Pháp mang sang nước ta bán rất chạy. Ngay người Pháp cũng thừa nhận quan hệ thương mại giữa Pháp với nhà Nguyễn thời vua Gia Long là rất tốt đẹp “thái độ Gia Long niềm

nở đón tiếp, hàng hóa mang sang bán hết và được thanh toán sòng phẳng, đến lúc

ra về còn cho nhiều hàng quý như đường, trà, bạc nén...” [10, tr.87]. Nhìn chung,

dưới thời vua Gia Long trị vì, có nhiều tàu buôn Pháp – yếu tố Pháp cực kì quan trọng về kinh tế đã sang Việt Nam mua bán, việc giao thương khá thuận lợi và phía Pháp khuyến khích các tàu buôn Pháp sang nước ta.

6

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã giữ lại một số người Pháp có công giúp mình trong việc đánh bại quân Tây Sơn như Jean Bapatiste Chaigneau, Philippe Vannier, De Porsans… Những người Pháp này được phong các chức quan cao cấp, được mang tên Việt như Vannier là Nguyễn Văn Cấn, Chaigneau là Nguyễn Văn Thắng…

Trong khi quan hệ thương mại Việt – Pháp đang tiến triển, một sự kiện xảy ra khiến nhà Nguyễn phải chú ý. Cuối năm 1817, chiến hạm Pháp là La Cybèle do bá tước De Kergariou làm thuyền trưởng đến cửa Hàn (Đà Nẵng). De Kergariou xin được phép đến Huế dâng quà tặng của vua Pháp và nhắc lại hiệp ước Versailles 1787. Vua Gia Long sai người tiếp đãi tàu La Cybèle tử tế, nhưng không nhận tặng phẩm và không cho De Kergariou triều kiến với lí do Kergariou không có quốc thư. Về sự thất bại của De Kergariou, người Pháp lúc đó cho rằng do De Kergariou đã nhắc đến hiệp ước 1787 khiến vua Gia Long phật ý, do vua Gia Long độc tài, chuyên chế.

Trên thực tế, sự kiện này đã làm nhà Nguyễn không khỏi lo ngại trước những cuộc viếng thăm của các phái viên Pháp nói riêng và phương Tây nói chúng. Sự lo ngại trên là có cơ sở. Đến thế kỉ XIX, vùng Viễn Đông trở thành mục tiêu xâm lược của các cường quốc Âu – Mĩ. Đối với các nước phương Đông, sự xuất hiện ngày một nhiều của các giáo sĩ thừa sai, thương nhân hay binh lính phương Tây, dù với bất cứ lí do nào, đều gây mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Điều này lí giải tại sao các vương triều phương Đông đương thời luôn trong tư thế cảnh giác cao độ không chỉ với người phương Tây mà cả với những giáo dân và thương nhân bản xứ. Vua Gia Long, người từng tiếp xúc nhiều và có hiểu biết không ít về phương Tây, đã phải nằm gai nếm mật trong hơn 25 năm tranh giành quyền lực với Tây Sơn, lẽ nào lại thờ ơ trước nguy cơ mất nước đến từ các nước phương Tây? Do vậy, việc nhà Nguyễn luôn cự tuyệt kí kết các hiệp ước thương mại chính thức với các nước phương Tây trong khi không từ chối các đề nghị buôn bán riêng lẻ và tư nhân cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, đầu thế kỉ XIX, Việt Nam không có nhiều những mối quan hệ rộng rãi với phương Tây. Lo ngại trước hiểm họa xâm lược, nhà Nguyễn hạn chế đến mức thấp nhất những cuộc tiếp xúc chính thức với các nước tư bản Âu – Mĩ. Riêng với Pháp, do những ràng buộc cá nhân với Bá Đa Lộc và những người Pháp từng giúp mình đánh Tây Sơn, vua Gia Long phải hoạch định một đường lối mềm dẻo, khôn khéo. Ông phân biệt rạch ròi quan hệ với người Pháp và nước Pháp, giữa

thương mại với chính trị như đã trình bày. Thực chất đường lối ngoại giao của vua Gia Long là cố gắng không dính líu tới nước Pháp dưới bất kì hình thức nào.

Có thể nói, từ góc độ yếu tố Pháp, có nhiều nguyên nhân lí giải chính sách ngoại giao nói trên của vua Gia Long nhưng lớn nhất chính là vua Gia Long hiểu rõ âm mưu xâm lược nước ta của các nước phương Tây. Thi hành đường lối hạn chế thông thương, hạn chế quan hệ với các nước phương Tây, ngay cả với Pháp vốn từng giúp đỡ mình, là do ông sợ và muốn tranh nguy cơ đó. Vua Gia Long từng cho rằng: “Pháp bước chân vào đất Việt Nam đã đủ nguy rồi, nếu nhiều nước khác cũng theo gót Pháp, nước Việt khỏi sao thành một miếng thịt cho trăm dao xâu xé. Đã

thuận ngoại giao với Pháp mà từ chối Anh, Hà Lan… cũng sẽ chẳng khỏi có nhiều

tai họa” [73, tr.80].

Về quan hệ thương mại, so với yêu cầu và xu thế của thời kì đầu thế kỉ XIX là mở cửa để giao thương trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ nước nhà, chúng tôi cho rằng vua Gia Long đã không “ức thương” một cách nghiệt ngã. Dưới thời Gia Long, thương nhân các nước, kể cả thương nhân Pháp, có thể tới mọi hải cảng để giao thương, nhưng họ phải tới Hội An hoặc Đà Nẵng để làm thủ tục nhập cảng. Nhà Nguyễn không chấp thuận kí kết bất kì thương ước nào với các nước phương Tây vì vua Gia Long xem đây như là một biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa nguy cơ xâm lược.

Là bậc quân vương, hơn ai hết, vua Gia Long hiểu rõ tầm quan trọng của đường lối ngoại giao với an ninh đất nước. Do vậy, trong suốt thời gian trị vì, vua Gia Long cố gắng xây dựng một chính sách ngoại giao phù hợp trước những biến động quan trọng ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những hệ lụy của việc từng dựa vào Pháp để khôi phục quyền lực khiến vua Gia Long khá lúng túng khi hoạch định đường lối ngoại giao với Pháp. Do vậy, chúng tôi cho rằng dưới thời Gia Long, chính sách ngoại giao với Pháp không hoàn toàn là “bế quan tỏa cảng”.

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi trong bối cảnh khó khăn, phức tạp. Bên trong, bất chấp những biện pháp vỗ về của triều đình phong kiến, phong trào đấu tranh của nhân dân vẫn nổ ra mạnh mẽ. Bên ngoài, sức ép từ các nước phương Tây,

nhất là Pháp, không ngừng gia tăng. Điều này giải thích cho những điều chỉnh mang tính bắt buộc của vua Minh Mạng cả trong đường lối nội trị và ngoại giao so với thời vua Gia Long.

Để hạn chế nguy cơ xâm lược từ các nước phương Tây, nhà Nguyễn chỉ mở duy nhất cửa Hàn (Đà Nẵng) cho thuyền buôn phương Tây đến giao thương. Năm 1821, J. B. Chaigneau được Paris cử trở lại Việt Nam với nhiệm vụ thuyết phục triều đình Huế kí một thương ước chính thức. Dù rất cố gắng nhưng J. B. Chaigneau đã không thành công. Trong bức thư gửi cho vua Louis XVIII, vua Minh Mạng đã giải thích: “Tiểu quốc ở phương Nam, Đại quốc ở phương Tây, bờ cõi hai nước

cách xa nhau, có mấy lớp biển. Dân cư Tiểu quốc thiếu những phương tiện đi sang

Đại quốc, như ngày hoàng khảo đã cho đi, vì vậy nên tuy liên lạc có mấy mươi năm mà dân trong nước vẫn chưa thông chữ Pháp. Nay được thư của Đại quốc, tiếc không có người dịch cho đúng nguyên văn, thành thử quả nhân chỉ hiểu lờ mờ,

không dám tự cho là có hiểu. Còn về vấn đề thương ước, thì có thể giải quyết theo

lối thông thường: xuất cảng, nhập cảng, nước Đại Nam đã có lệ định rõ ràng, các

nước ngoài vẫn đã áp dụng xưa nay, nếu muốn khỏi phiền phức cho cả 2 bên, quả

nhân tưởng không nên lập thêm, hay là lập riêng một thương ước khác…” [78,

tr.35].

Bất chấp sự khước từ của triều đình Huế, trong những năm 1821 – 1831, nhiều phái đoàn Pháp được cử sang Việt Nam nhằm tìm kiếm một hiệp ước cho phép Pháp được độc quyền buôn bán. Chẳng hạn năm 1925, J. B. Chaigneau trở lại Huế với tư cách là đặc sứ của vua Louis XVIII. Chaigneau dâng lên vua Minh Mạng quốc thư của vua Louis XVIII đề nghị được kí kết một hiệp ước thương mại. Quốc thư có đoạn viết: “Nhân lúc tại ngôi, tôi hằng ao ước vấn đề thông thương và bang giao giữa hai nước đạt kết quả tốt đẹp. Trong quan điểm này, tôi thấy rất thích đáng công nhận lên Ngài quý ông J. B. Chaigneau, sĩ quan thủy quân của bản quốc,

là vị quan của xứ Đàng Trong. Sở dĩ tôi cử J. B. Chaigneau vì ông ấy hiểu biết quý

quốc, nhận được lòng tín nhiệm và ưu ái của quý Ngài. Tôi luôn luôn tin tưởng vào

Ngài điều kiện lợi ích cho công cuộc chung của chúng ta như việc giao thương…”

[10, tr.93].

Dù đón tiếp J. B. Chaigneau rất long trọng nhưng triều đình Huế vẫn khước từ về một thương ước Việt – Pháp.

Năm 1830 ghi nhận sự cố gắng cuối cùng của Pháp khi vua Louis Philippe cử đại tá Laplace làm đặc sứ sang Việt Nam xin thông thương. Viên đại tá này đã có những hành động ngang ngược. Sử nhà Nguyễn ghi lại như sau: “Người Pháp lại

thiện tiện lên núi Tam Thai đứng trông; nhơn nói muốn có một người hướng đạo

dẫn qua các hạt Bắc thành vẽ đồ; rồi cho tàu chạy đi” [73, tr.100]. Do vậy triều đình Huế đã hạ lệnh trục xuất chiếc tàu của Laplace vào tháng 1/1831.

Từ chối kí các thương ước nhưng vua Minh Mạng không cấm các tàu buôn Pháp cũng như các nước phương Tây khác đến Việt Nam giao thương. Chẳng hạn năm 1826, tàu Pháp do thuyền trưởng Cốt-ta-mi đem hàng hóa đến Đà Nẵng bán, được triều đình Huế mua và trả giá 1680 lượng bạc và tha ½ số thuế [5, tr.93]. Năm 1830 lại có tàu Pháp đến mua 45000 cân đường cát với giá mỗi cân là 6,3 đồng bạc… Hay năm 1835, nhân có tàu buôn Pháp đến Việt Nam, vua Minh Mạng đã mua 1080 súng điểu thương, 45 hòn đá lửa [5, tr.101].

Như vậy, trong những năm 1825 – 1831, các phái đoàn Pháp đều không thể thuyết phục được triều Nguyễn kí kết những hiệp ước mà họ mong muốn. Theo chúng tôi, sự thất bại này có nguyên nhân không chỉ thuộc về sự bảo thủ hay cứng rắn trong đường lối đối ngoại của nhà Nguyễn, mà còn xuất phát từ cách hành xử của Pháp. Những sứ giả Pháp đến Việt Nam thường phô trương thanh thế, lực lượng và có những yêu sách vô lí, khó chấp nhận. Đó là chưa kể nhiều sứ đoàn còn che giấu cho các giáo sĩ xâm nhập trái phép vào nước ta, bất chấp lệnh cấm của vua Minh Mạng.

Năm 1840 ghi nhận thay đổi quan trọng trong đường lối đối ngoại của nhà Nguyễn. Những biến động mới ở Viễn Đông, nhất là khi cuộc chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và Anh bùng nổ (6/1840), đã ít nhiều tác tới nhận thức về thời cuộc của nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng chủ động cử một phái bộ sang Pháp để

thăm dò khả năng kí kết những hiệp ước chính trị, thương mại giữa hai nước. Phái đoàn do quan Tư vụ Trần Viết Xương dẫn đầu, Tôn Thất Thường làm phó đoàn cùng với hai thông ngôn.

Tháng 11/1840, sứ đoàn của triều đình Huế đến Pháp. Tại Paris, phái bộ có tham dự một buổi họp của Nghị viện, được gặp một số nhân vật quan trọng như chủ tịch Hội đồng tham chính, bộ trưởng Bộ thương mại nhưng không được tiếp kiến vua Louis Philippe vì “các phái bộ truyền giáo nước ngoài, để ngăn chặn việc kí

kết một hiệp ước mà họ sợ phải gánh chịu phần thua thiệt, đã mưu mô vận động ở

triều đình, đã nói về vua Minh Mạng như một kẻ thù quyết liệt của tôn giáo và Giáo

hoàng cũng phản đối” [70, tr.53]. Bị thất bại ở Pháp, phái bộ sang London nhưng

cũng không thu kết quả gì.

Có thể nói đây là cơ hội sau cùng cho mối quan hệ Việt – Pháp nhưng đã bị bỏ lỡ. Theo nhà nghiên cứu G.Taboulet, nguyên nhân là sự phản đối quyết liệt của Hội thừa sai Paris. Theo đó, Pháp không thể tiếp đón phái bộ Việt Nam trong khi các thừa sai Pháp đang bị khủng bố, tàn sát ở Việt Nam [56, tr.36-37]. Chúng tôi cho rằng đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của phái đoàn Việt Nam tại Pháp và Anh. Về phía nhà Nguyễn, dù đã bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng công tác chuẩn bị cho sứ đoàn vẫn còn nhiều thiếu sót, triều đình Huế chưa tạo được dư luận cần thiết cho sứ đoàn. Về phía Pháp, âm mưu xâm lược nước ta bằng vũ lực đã được định hình sau những thất bại trong việc tìm kiếm một hiệp ước thương mại chính thức.

Vua Thiệu Trị, rồi vua Tự Đức kế tiếp nhau trị vì một đất nước “đóng kín”. Vả lại, những biến chuyển mới không còn thuận lợi cho khả năng mở cửa đất nước. Ý đồ xúc tiến cuộc can thiệp vũ trang vào Việt Nam của Pháp đã được xác định, mà một biểu hiện cụ thể là bức tối hậu thư của Rigault de Genouilly chỉ huy hạm đội Pháp đến Đà Nẵng năm 1847 với cớ bảo vệ các giáo sĩ Pháp đang bị nhà Nguyễn giam giữ. Hơn nữa, tình hình nội trị khó khăn khiến vua Tự Đức càng xoay xở càng lúng túng, không còn cách nào khác là phải tiếp tục đường lối đối ngoại mà vua Gia Long đã lựa chọn và vua Minh Mạng đã triển khai.

* * *

Thế kỉ XIX đặt ra những thử thách to lớn về an ninh đất nước và chủ quyền

Một phần của tài liệu yếu tố pháp trong văn hóa việt từ thế kỉ xvii đến đầu thế kỉ xx (Trang 34 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)