5. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Sản xuất công nghiệp
Nhằm khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bóc lột sức lao động của nhân công bản xứ, thực dân Pháp đã du nhập vào Việt Nam một số công nghệ hiện đại để xây dựng nền kĩ nghệ thuộc địa. Trong chừng mực nhất định, đây là nhân tố thúc đẩy sự ra đời của hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp hiện đại – yếu tố Pháp quan trọng về sản xuất công nghiệp trên đất nước ta vào đầu thế kỉ XX.
Ngay trong quá trình xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã cho xây dựng một số cơ sở công nghiệp chế biến nông sản, sửa chữa tàu, mở các công trường khai thác mỏ. Tuy nhiên, số vốn và quy mô hoạt động của các cơ sở kĩ nghệ này vào cuối thế kỉ XIX còn khá khiêm tốn. Sang đầu thế kỉ XX, do nhu cầu của công cuộc khai thác thuộc địa, cũng như để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của chính người Pháp ở thuộc địa, chính quyền thực dân buộc phải mở mang một số ngành kĩ nghệ, chủ yếu là công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến. Vì vậy hàng loạt các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp của tư bản Pháp đã được thành lập. Năm 1903, xuất hiện 82 nhà máy, đến năm 1906 tăng lên 200 nhà máy, xí nghiệp. Tại Nam kì, số lượng các nhà máy xay xát tăng nhanh. Ngoài ra còn xuất hiện nhiều cơ sở nấu rượu ở Bình Tây, xưởng sửa chữa ô tô, nhà máy xà phòng, nhà máy in ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Ở Bắc kì, các ngành công nghiệp chế biến cũng phát triển nhanh. Tại nhiều tỉnh đã thành lập các nhà máy chế biến rượu như ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Sơn Tây…
Nghề dệt được đầu tư mở rộng sản xuất, trước tiên là ở 3 nhà máy dệt đặt tại Nam Định, Hà Nội và Hải Phòng.
Trong các ngành công nghiệp xuất hiện ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, khai mỏ là ngành được tư bản Pháp đặc biệt coi trọng. Cho đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất, chính quyền thuộc địa đã cấp hàng trăm giấy phép đi tìm mỏ. Số nhượng địa tính đến năm 1911 là 92 khu vực, chủ yếu tập trung ở Bắc kì, với diện tích khoảng 60.000ha. Riêng về than, sản lượng khai thác không ngừng tăng lên từ 285.915 tấn (1903) lên 500.000 tấn (1913). Hoạt động khai thác than tập trung trong tay các công ty như Công ty than Bắc kì (lập năm 1888), Công ty than Kế Bào (năm 1901), Công ty than Phấn Mễ (Thái Nguyên, lập năm 1910), Công ty than Tuyên Quang (1915), …
Bên cạnh khai thác than, tư bản Pháp còn tổ chức khai thác nhiều mỏ kim loại khác, như mỏ thiếc ở Tĩnh Túc (Cao Bằng); các mõ kẽm ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, …; mỏ sắt ở Thái Nguyên; mỏ đồng ở Lạng Sơn, Thanh Hóa… Tổng giá trị công nghiệp khoáng ở Đông Dương tăng từ 2 triệu đồng Đông Dương (1906) lên đến 8 triệu đồng Đông Dương (1916). Có thể nói khai mỏ là ngành công nghiệp hình thành sớm và lớn nhất của tư bản Pháp ở Việt Nam chẳng những về giá trị kinh tế, mà cả về mặt phạm vi và quy mô hoạt động.
Như vậy, từ góc độ yếu tố Pháp, vào đầu thế kỉ XX, một nền công nghiệp đã dần hình thành ở Việt Nam mà chủ yếu ở hai ngành là khai mỏ và công nghiệp chế biến. Tuy còn nhiều hạn chế cả về số lượng và quy mô hoạt động song đó thực sự là một nền công nghiệp hiện đại, ngày càng mở rộng vai trò của mình trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên những thay đổi tích cực nói trên trước hết và chủ yếu nhằm phục vụ cho lợi ích của nền cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Về cơ bản, phương thức hoạt động của tư bản thực dân Pháp là tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt, sử dụng đến mức tối đa lao động thủ công, kết hợp lao động thủ công với lao động máy móc sao cho chi phí sản xuất ở mức thấp nhất để thu được lợi nhuận cao nhất. Do vậy, dù có những chuyển biến nhất định, nền kinh tế nước ta vào đầu thế kỉ XX thực chất
vẫn là một nền kinh tế thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu, bị lệ thuộc chặt chẽ vào nền kinh tế Pháp.