Sự chuyển biến trong lối sống dân cư

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố cần thơ từ 1975 đến 2000 (Trang 115 - 121)

2000)

3.3.2. Sự chuyển biến trong lối sống dân cư

Qúa trình đô thị hóa ở thành phố Cần Thơ, đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực về mặt kinh tế, đi liền với sự phát triển đó đã tạo ra những chuyển biến trong đời sống dân cư.

Thứ nhất, đô thị hóa đã dần thay đổi nếp sống nông dân sang nếp sống thị dân, tác phong công nghiệp hóa trong nếp ăn, nếp nghĩ cũng ngày được hình thành rõ nét trong ý thức người lao động. Từ phong cách “lao động nhà nông” đó là người nông dân thì cần cù, thông minh nhưng thiếu tính tổ chức kỷ luật chặt chẽ thành “kỷ luật lao động nhà xưởng” với tác phong công nghiệp thể hiện ở tính kỷ luật, nhạy bén, khoa học, tiết kiệm thời gian, hiệu quả lao động. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của thành phố Cần Thơ khi tiến lên đô thị là nông – công nghiệp – thương mại dịch vụ, mặc dù có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng khu vực 1 vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, đa số vẫn là nông dân, do tâm lý từ lâu đã quen sống bó mình trong sản xuất của nông nghiệp với sản xuất lúa, thủy sản, vườn trái cây,… trình độ học vấn không cao, sợ tốn tiền học phí học nghề, nên trong quá trình đô thị hóa ở Cần Thơ vẫn còn có một bộ phận người dân chưa có ý thức tự giác nâng cao vấn đề học tập, nâng cao trình độ nghề nghiệp để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, sang sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ở Cần Thơ đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế thị trường với nhịp độ mỗi ngày một phát triển. Khi các khu đô thị, dân cư mọc lên, một bộ phận nông dân không còn tay lấm chân bùn, mà họ đã chuyển sang những ngành nghề dịch vụ khác với thu nhập cao hơn. Vì thế, trong quá trình đô thị hóa đã bắt đầu hình thành nếp sống văn minh trong hoạt động kinh doanh, như chợ “văn minh”, “trật tự kỷ cương”,… hàng năm đều có phát động đăng ký các tiêu chí trên vào đầu năm và xét công nhận danh hiệu vào cuối năm. Gương người tốt, việc tốt, các cơ quan doanh nghiệp có đời sống văn hóa tốt, chợ trật tự kỷ cương đã không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị,

cũng không tránh khỏi những mặc hạn chế như: mua gian, bán lận, giá trên trời, không giữ chữ tín,…

Thứ hai, cùng với quá trình phát triển của đô thị đã hình thành nếp sống đô thị trong sản xuất, sinh hoạt, mối quan hệ giữa người với người. Nếu trước đây quan hệ cư trú, ứng xử ở nông thôn theo kết cấu gia đình – xóm giềng – làng xã – xã hội; môi trường thiên nhiên sinh thái theo mối giao hòa nhà – vườn – ao – đồng lúa, thì ở đô thị môi trường sinh thái theo kết cấu nhà (chung cư) – đường phố (hẻm, khu vực)

– công sở (doanh nghiệp).

Nhìn chung, cư dân các khu đô thị Cần Thơ hiện nay được hình thành từ

nhiều nguồn: dân cư lâu năm, từ nông thôn hoặc vùng khác mới nhập cư... Nhưng chủ yếu vẫn là nông dân do quá trình đô thị hóa trở thành thị dân. Do đó, trong tiến trình đô thị hóa đã dẫn đến việc thay đổi cách ăn, nếp nghĩ, giao tiếp, ứng xử.

Nếu trước đây, ứng xử cư dân nông thôn qua nhiều tầng, nấc trong nhà, ngoài ngõ mới đến xã hội, còn ở đô thị từ gia đình ra phố đã là xã hội. Tại các đô thị, các quan hệ ứng xử đa phương, đa dạng hơn và theo hướng ngày càng mở rộng. Ngoài quan hệ gia đình, xóm phố, bạn bè như ở nông thôn, cư dân đô thị còn nhiều mối quan hệ đồng nghiệp, giao tiếp công cộng như: quan hệ tại nơi làm việc, quan hệ qua các dịch vụ công cộng,…

Thời gian qua, ở thành phố Cần Thơ ý thức về giao tiếp, ứng xử nơi công cộng của người dân ngày càng được nâng cao, con người Cần Thơ thanh lịch nhân ái hơn. Tuy nhiên, trong tiến trình đô thị hóa tại Cần Thơ, việc xây dựng nếp sống văn minh trong sinh họat cộng đồng và nơi công cộng vẫn còn hạn chế. “Trong đó tình trạng xây nhà ở không có giấy phép, san lắp, lấn chiếm đất, kênh mương công cộng còn phổ biến. Tình trạng mua bán, lấn chiếm lồng lề đường một số nơi còn tồn tại,… ý thức chấp hành luật lệ giao thông không cao của cộng đồng dân cư đô thị ảnh hưởng rất lớn đến trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông của thành phố.” [18, 51].

Thứ ba, cùng với với quá trình đô thị hóa, sự biến đổi của các gia đình cũng nằm trong xu thế phát triển chung của đô thị. “Tại Cần Thơ, kiểu hộ gia đình gồm bốn thế hệ là rất ít, kế đến là kiểu hộ gia đình 3 thế hệ. Nhiều nhất và phổ biến nhất là kiểu gia đình một vợ, một chồng và con cái” [18,55]. Cùng với truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đó là con cháu hiếu thảo, ông bà cha mẹ mẫu mực thì quan hệ gia đình ở cộng đồng dân cư đã có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ, văn minh, gia đình hiện tại phổ biến là ít con, thu nhập lại tăng lên nên có điều kiện nuôi con tốt hơn, quan hệ trong gia đình hòa thuận, hạnh phúc, gia đình trong tiến trình đô thị hóa thường có sự đứt đọan trong quan hệ “cha truyền con nối” về nghề nghiệp. Con cái phần lớn làm nghề khác cha mẹ và tự do lựa chọn. Đồng thời, sự truyền đạt kinh nghiệm sống, các kiến thức giữa các thế hệ trong gia đình cũng diễn ra theo hai chiều: từ cha mẹ đến con cái và ngược lại, từ con cái đến cha mẹ.

Ngày nay, thế hệ trẻ có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại thông tin, sách báo nên dễ dàng thu nhận nhiều kiến thức mới, đặc biệt là kỹ thuật khoa học hiện đại, công nghệ thông tin, nên khi con cái có ý kiến, cha mẹ cũng lắng nghe con trình bày một cách bình tĩnh, điều gì con nói đúng cần tiếp thu, điều gì con nói sai phải thuyết phục bằng lý lẽ, không thể áp đặt một cách độc đoán. Bên cạnh những mặt tích cực, cũng có những hạn chế nhất đinh như:

Các gia đình hiện nay, cha mẹ đi làm suốt ngày, ít có thời gian gần con, săn sóc theo dõi việc học tập vui chơi, kết bạn của con. Họ phó mặc cho nhà trường việc giáo dục văn hóa và xây dựng đạo đức nhân cách của con. Do vậy con cái dễ sa ngã, ảnh hưởng đến việc học và tương lai sau này.

Mặt khác, trong nếp sinh hoạt của dân cư đô thị cũng có sự thay đổi, phần đông dân cư đô thị tại Cần Thơ hiện nay thường sử dụng thời gian rãnh rỗi của mình trong những dịp lễ, tết, giải trí tại nhà thông qua phương tiện tivi, băng đĩa nhạc hoặc ở các quán cà phê. Loại hình sản phẩm văn hóa được cư dân đô thị dùng nhiều nhất là thể loại phim truyện, ca nhạc tổng hợp. Hơn nữa, với hệ thống thông tin, truyền hình rất phong phú, đa dạng với nhiều kênh, nhiều thể loại, các chương trình,

các show diễn lớn thường được các hãng, các doanh nghiệp tài trợ trực tiếp. Vì vậy, phương tiện giải trí sau giờ làm việc bằng các kênh nghe, nhìn trên các phương tiện đại chúng là kênh được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất.

Tuy nhiên, ở các khu công nghiệp chưa được đầu tư thích đáng để phát triển các khu vui chơi giải trí, tụ điểm sinh hoạt văn hóa để phục vụ công nhân. “Ở khu công nghiệp Trà Nóc (Bình Thủy) với số lượng 18.000 với trên 70% là nữ, nhưng vẫn chưa xây dựng được nhà ở tập thể, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí nào” [18, 49].

Ngoài các vấn đề trên, sự ảnh hưởng của lối sống đô thị tại Cần Thơ cũng đã tác động rất lớn trong việc phụ nữ lấy chồng nước ngoài, mà đặc biệt là làm cô dâu Đài Loan và Hàn Quốc. Xã Cù Lào Tân Lộc huyện Thốt Nốt là nơi có số lượng phụ nữ lấp chồng Đài Loan nhiều nhất. Theo số liệu của địa phương, nhiều gia đình

có đến 3, 4 cô con gái lấy chồng Đài Loan. “Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp

Cần Thơ cho thấy có 79% cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc xuất thân từ những gia đình khó khăn, số còn lại là do sở thích. Kết quả bước đầu cho thấy: 67% cô gái lấy chồng ngoại đã giúp đỡ được gia đình, có cuộc sống ổn định nơi xứ người, 18% là bất hạnh” [18, 60].

Hiện tượng lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc trong quá trình đô thị hóa ở Cần Thơ, mặc dù có những mặt tích cực như: giúp gia đình thoát khỏi nghèo túng, thay đổi cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi những mặt tiêu cực như: nhiều trường hợp lấy chồng về bên đó, sống không hợp nhau phải trở về quê hương. Hiện ở xã Tân Lộc có khoảng hơn 10 trẻ em là con của những cô gái kết hôn với người Đài Loan và con số này có thể tăng lên trong thời gian tới.

Thứ tư, trong trong việc tổ chức lễ cưới, lễ tang, lễ hội cũng có sự chuyển biến.

Hiện nay, đám cưới trong thành phố Cần Thơ chỉ còn phổ biến 2 lễ hỏi và cưới, không có tệ tảo hôn hay thách cưới. Các nghi thức được tổ chức đơn giản, cô dâu chú rể làm lễ gia tiên, mời rượu ông bà, cha mẹ, bà con. Trong lúc đãi khách

thường tổ chức đờn ca tài tử, hát karaoke để hạn chế tình trạng say sưa. Ở khu vực đô thị nhân dân có thói quen tổ chức tiệc tại nhà hàng, nhưng cũng hạn chế tốn kém và không còn kéo dài thời gian.

Việc tổ chức đám tang giờ được tổ chức đơn giản, thời gian rút ngắn, không được quá 48 tiếng, hầu hết các phường đều thành lập đội mai táng để giúp đỡ kịp thời cho các gia đình có mai táng, từng bước đưa vào nề nếp, tránh hoạt động rườm ra, phức tạp.

Về tổ chức lễ hội: lễ hội truyền thống lịch sử: lễ giỗ Đức Y tổ Hải Thượng

Lãn Ông, lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, lễ hội truyền thống văn hóa của các dân

tộc Việt Nam cùng với lễ hội truyền thống tôn giáo như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ

Giáng Sinh cùng với kỷ niệm những ngày lịch sử: ngày thành lập Đảng, ngày sinh

Bác Hồ,… Nhìn chung, trong việc tổ chức ngày càng đi vào nề nếp, tạo được sinh khí tưng bừng trong cộng đồng, đơn giản, đỡ tốn kém. Trong lễ hội luôn bảo đảm nghi thức truyền thống trang nghiêm, không gây phiền hà, phát huy được truyền thống tốt đẹp. Về phần hội ngày càng phong phú theo đà phát triển của xã hội tạo được khí thế tăng cường tình đoàn kết cộng đồng dân cư đô thị. Các địa phương đã tích cực đấu tranh với các hiện tượng lợi dụng việc cưới, việc tang, lễ hội để trục lợi cá nhân, đấu tranh với các hiện tượng mê tín dị đoan, giảm bớt các nghi lễ rờm rà, phiền phức.

Hệ thống chính trị các cấp đã có nhận thức và tuyên truyền sâu rộng về việc xây dựng nếp sống văn minh trong trong tổ chức lễ hội, tiệc cưới,…

Nhìn chung, lối sống ở đô thị Việt Nam hiện nay là sự pha trộn giữa lối sống nông nghiệp và công nghiệp, vì quá trình công nghiệp hóa chỉ mới bắt đầu nên văn minh nông nghiệp vẫn chi phối mạnh mẽ đến đời sống đô thị.

Dân cư đô thị hiện đại phần lớn là dân cư nông thôn, do quá trình phát triển của đô thị đã biến người nông dân thành thị dân, nên xã hội có sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới. Với một bên là nếp sống nông thôn được quy định trên cơ sở kinh tế - xã hội của các làng xã nông nghiệp, với một bên là nếp sống đô thị xây dựng trên cơ

sở kinh tế của nền sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Đô thị hóa đã mang lại sắc thái mới so với vùng nông thôn trước đây: nhà

máy, cơ sở kinh doanh được thành lập, đường sá giao thông được mở mang, nhiều

khu dân cư mới được hình thành,… kinh tế phát triển, đời sống nhân dân sôi động hơn sung túc hơn.

Nhìn chung, đặc trưng của môi trường văn hóa đô thị là sôi động, phát triển

đa dạng. Đô thị với những trung tâm vui chơi giải trí, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, công viên, nhà văn hóa, khu sinh hoạt thể thao, khu du lịch và nhiều hình thức, hoạt động văn hóa ra đời và phát triển nhanh chóng đã phản ánh những đặc điểm mới của sự phát triển đô thị, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sinh hoạt hưởng thụ văn hóa vui chơi giải trí của người dân, do điều kiện đời sống vật chất được cải thiện, đã tạo điều kiện cho người dân đô thị tiếp cận với các kiến thức văn hóa đa dạng phong phú, tạo nên sự chuyển biến trong đời sống dân cư.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, trong lối sống của người dân vẫn không tránh khỏi những mặt hạn chế nhất định: một số hộ gia đình, trong việc gả chồng còn lựa chọn “môn đăng hộ đối”, xem tuổi “xung, hợp”, xem giờ đoán dâu, nếu nhà trai đến đoán dâu không đúng giờ thì phải đứng đợi, tuổi cô dâu chú rể không hợp nhau thì không được giở mâm trầu hay cô dâu không được đi cửa chính mà phải đi cửa sau,…

Do áp lực của công nghiệp hóa và đô thị hóa một số vùng ven của thành phố Cần Thơ trong một thời gian ngắn, người dân từ một nông dân, bỗng nhiên có một số tiền lớn từ tiền đền bù giải tỏa, bán đất, nhưng nghề nghiệp thì chưa có. Một số thì dùng tiền kinh doanh, một số dùng tiền mua xe, ăn chơi xài sang, hết vốn rồi đi làm thuê, nếp sống thói quen sinh hoạt bỗng thay đổi, hòa nhập với nếp sống thị dân cũng khó, đây cũng chính là những vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Ngoài ra người nông dân trong vùng đô thị hóa bỗng chốc trở thành thị dân trong sinh hoạt nếp sống dễ rơi vào mặt trái của xã hội kinh tế thị trường, “sùng bái đồng tiền”, “thực dụng” coi nhẹ các giá trị văn hóa truyền thống, tập trung thời

gian rãnh rỗi vào các cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng, vô bổ,… nhất là tầng lớp thanh thiếu niên đô thị.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đang phát triển trong quan hệ vợ chồng, đẫn đến sự không ổn định và thiếu bền vững của nhiều cuộc hôn nhân, ảnh hưởng đến mối quan hệ của cha mẹ và liên quan đến số phận của con, chúng có một tương lai phát triển mờ nhạt không thuận lợi như các trẻ em khác.

Vì vậy, việc xây dựng một lối sống mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay là một vấn đề bức thiết. Lối sống mới phải được hình thành cùng với quá trình phát triển của xã hội, phải là lối sống văn minh, tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc và tiếp thu, tiếp biến tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hiện nay Cần Thơ cũng đã phát động xây dựng được 19/67 xã, phường, thị trấn thí điểm

không có tệ nạn xã hội. Nhìn chung, công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống tệ

nạn xã hội tại thành phố Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm trong sạch địa bàn dân cư đô thị.

Một phần của tài liệu quá trình đô thị hóa ở thành phố cần thơ từ 1975 đến 2000 (Trang 115 - 121)