Khái niệm chung về động cơ

Một phần của tài liệu Động cơ lựa chọn nghề nghiệp của học sinh lớp 12 trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (Trang 25 - 34)

a. Định nghĩa động cơ

Động cơ là một vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm từ rất lâu. Trong tâm lý học, để giải quyết vấn đề nghiên cứu cơ bản và xác định những thành phần tâm lý thúc đẩy hành động của con người trong việc giải quyết những nhiệm vụ đối với thực tiễn thì vấn đề động cơ luôn được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau.

- Quan điểm của các nhà tâm lý học Xô Viết về động cơ:

A.N. Leonchiev chỉ rõ: “Cái gì được phản ánh trong đầu óc con người, thúc đẩy con người hành động nhằm thoả mãn một nhu cầu nhất định thì được gọi là động cơ thúc đẩy của hoạt động ấy” [ dẫn theo 30, tr.33]. Theo Leonchiev, nói đến động cơ thì nhất thiết phải nói đến nhu cầu, hay nói cách khác, nghiên cứu động cơ không thể tách rời khỏi nhu cầu.

Theo X.L.Rubinstein thì: “Động cơ là sự quy định về mặt chủ quan hành vi của con người bởi thế giới, sự quy định này được thực hiện gián tiếp bằng quá trình phản ánh động cơ đó. Thông qua động cơ của mình con người liên hệ với bối cảnh của hiện thực”.

Theo B.Ph. Lomov, động cơ là mặt chủ quan của nhu cầu, nó là một hiện tượng tinh thần thúc đẩy con người hành động. Lomov cho rằng, bước đầu tiên trên con đường giải thích hiện tượng động cơ của con người một cách duy vật gắn với những nghiên cứu về nhu cầu sinh lý (cảm giác đói, khát… của cơ thể) [22, tr.651].

- Quan điểm của các nhà tâm lý học Phương Tây về động cơ:

J. Watson, người khởi xướng trường phái tâm lý học hành vi cho rằng cái thúc đẩy hành vi, nguyên nhân khởi phát hành vi là cái đồng thời vừa là kích thích, vừa là phản ứng. Nói cách khác, động cơ của hành vi chính là những hành vi kích thích.

S. Freud lại cho rằng cái thúc đẩy hành động của con người là những năng lượng tinh thần sẵn có, gắn liền với các dạng bản năng nguyên thuỷ của con người nằm trong thế giới vô thức. Trong tất cả những yếu tố tạo nên năng lượng bẩm sinh đó, “Libido” (năng lượng tính dục) là cơ bản, quan trọng nhất và được xem là động cơ chủ yếu trong hoạt động của con người.

Theo A. Maslow thì các nhu cầu của chúng ta hình thành nên một hệ thống thứ bậc các nhu cầu từ thấp đến cao đòi hỏi được thoả mãn (nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, nhu cầu được yêu thương, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu tự khẳng định).

Trong Từ điển Tâm lý học của Raymond. J. Corsini (Anh), động cơ được xem là cái thúc đẩy, nuôi dưỡng và định hướng các hành động tâm lý hay sinh lý. Động cơ bao gồm các lực thúc đẩy nội tâm (bên trong) như các xung năng, các hứng khởi và mong muốn cần thiết trong quá trình này [21, tr.210].

J. Piaget cho rằng tính định hướng tích cực có chọn lọc của hành vi tạo thành bản chất của hiện tượng được xác định là động cơ. Động cơ chính là cái thúc đẩy, định hướng cho hành vi [35, tr.210].

Như vậy, quan niệm của các nhà tâm lý học phương Tây có khuynh hướng cho rằng cái gì kích thích con người hành động, hoạt động thì đều được gọi là động cơ và nó gắn liền với hành động bản năng, còn gọi là động cơ bản năng. Do đề cao cái sinh học nên theo họ, yếu tố xã hội chỉ là yếu tố kích thích để các đặc điểm tâm lý triển khai ra mà thôi.

- Quan điểm của các nhà tâm lý học Việt Nam về động cơ:

Theo “Từ điển tâm lý học” của Nguyễn Khắc Viện thì: “Một hành vi bao giờ cũng hàm ngụ một sự khởi sướng, một định hướng xích gần hay tránh né một mục tiêu, ít nhiều năng lượng đầu tư vào đấy thể hiện qua sự chăm chú, tổng hoà gọi là động cơ thôi thúc hành động. Động cơ xuất phát từ nhu cầu hay bản năng kết hợp với những yếu tố trải nghiệm cuộc sống. Ở con người, bản năng kết hợp với những yếu tố biểu trưng trừu tượng có tính khái quát. Động cơ có tính quan trọng vào bậc

nhất là muốn được có tiền những tượng trưng có thể là vô thức hay hữu thức cũng là những động cơ nhiều khi mãnh liệt” [34, tr.115].

Trong cuốn “Sổ tay tâm lý học” do Trần Hiệp và Đỗ Long (chủ biên), động cơ là cái thúc đẩy hoạt động gắn liền với việc thoả mãn những nhu cầu của chủ thể, là toàn bộ những điều kiện bên trong và bên ngoài có khả năng thúc đẩy tính tích cực của chủ thể và xác định tính xu hướng của nó.

Đặng Phương Kiệt thì cho rằng: “Động cơ là một khái niệm tổng quát cắt nghĩa các quá trình liên quan đến việc khởi sự, hướng dẫn, duy trì và ngừng ứng xử. Nó bao gồm các cơ chế có ảnh hưởng đến những sở thích về các mục tiêu và hoạt động, sức mạnh đáp ứng và sự kiên trì của các kiểu hành động nhằm trúng các mục tiêu” [18, tr.363].

Phạm Thị Nguyệt Lãng khẳng định: “Động cơ là hình ảnh về giá trị của đối tượng đáp ứng nhu cầu của chủ thể” [19, tr.66].

Trên cơ sở tìm hiểu những quan điểm khác nhau về động cơ, chúng tôi cho rằng động cơ là cái thúc đẩy con người tích cực hoạt động theo những hướng, những mục tiêu nhất định nhằm thoả mãn nhu cầu của chính con người. Nói một cách khác động cơ là đối tượng của hoạt động được con người ý thức một cách rõ ràng, nó có giá trị thỏa mãn nhu cầu của con người, trở thành cái thúc đẩy con người hoạt động để chiếm lĩnh đối tượng.

b. Đặc điểm của động cơ

* Đặc trưng của động cơ con người là tính có ý thức.

Tính ý thức nói lên tính mục đích, tính có chủ định của động cơ. Đó là nhận thức và thái độ thể hiện trong hoạt động động cơ hoá, bao gồm: chủ thể nhận thức đối tượng và đối tượng có ý nghĩa đối với chủ thể. “Sự ý thức được các động cơ là một hiện tượng có sau (thứ phát) chỉ nảy sinh ở mức độ nhân cách và thường xuyên được tái tạo trong quá trình phát triển nhân cách” [22, tr.239].

* Tính thứ bậc của động cơ.

Các động cơ không tồn tại một cách độc lập, riêng rẽ mà chúng tập hợp lại và trở thành hệ thống động cơ thống nhất với nhau. Hệ thống này có quan hệ thứ

bậc rõ ràng. Tính thứ bậc của động cơ quy định vai trò của từng loại động cơ đối với sự phát triển nhân cách con người mà trước hết nó được thể hiện ra bằng hành động của cá nhân. “Trong cấu trúc của một hoạt động thì động cơ này có thể có chức năng tạo ý còn trong hoạt động khác lại có chức năng là kích thích phụ. Tuy nhiên, các động cơ tạo ý bao giờ cũng chiếm một vị trí ở thứ bậc cao mặc dầu chúng có thể không trực tiếp có tính chất gợi cảm xúc”.[20, tr.237].

* Tính hiệu lực của động cơ.

Tính hiệu lực của động cơ nói lên sức mạnh của động cơ và ảnh hưởng của nó đến hiệu quả của hoạt động (động cơ hoá), tức là làm cho chủ thể tích cực hoạt động một cách bền vững nhằm thoả mãn nhu cầu và đạt kết quả cao, ổn định. Độ hiệu lực của động cơ thể hiện ở tính ưu thế, độ mạnh, độ bền của động cơ có ảnh hưởng đến kết quả hành động. Cường độ (độ mạnh) của động cơ được biểu hiện trực tiếp ở mục đích tích cực nỗ lực vượt khó khi hoạt động. Độ bền tương đối của động cơ là khả năng lặp lại thường xuyên trong nhiều tình huống hoạt động. Mức độ thúc đẩy hoạt động mạnh hay yếu, bền vững hay không bền vững phụ thuộc vào độ hiệu lực của động cơ.

* Tính biến đổi của động cơ.

Tính biến đổi của hệ thống động cơ thể hiện ở hai tầng bậc: Sự biến đổi hệ thống và biến đổi ngay trong từng động cơ. Đối với từng giai đoạn cụ thể trong đời sống của cá nhân, con người có những hoạt động chủ đạo nhất định và tất nhiên hoạt động đó được thúc đẩy bởi động cơ tạo ý cụ thể. Tuy vậy, hoạt động thay đổi, hệ thống động cơ cũng được thay đổi sắp xếp lại cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Động cơ tạo ý có thể trở thành động cơ kích thích và ngược lại. Sự sắp xếp lại thứ bậc các động cơ dẫn đến sự biển đổi của nhân cách cá nhân.

c. Bản chất của động cơ (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

* Động cơ của con ngƣời mang bản chất xã hội.

Động cơ của con người được hành thành, nảy sinh trong quá trình hoạt động giao lưu với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình. Động cơ của con người có mục đích thỏa mãn những nhu cầu. Con người liên tục thực hiện những

hoạt động nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó. Tuy nhiên, những động cơ thỏa mãn nhu cầu tinh thần, nhu cầu xã hội là đặc trưng cho tính Người hơn cả. Nếu một cá nhân nào đó sống tách rời xã hội loài người thì hẳn nhiên không thể hình thành cho mình những nhu cầu xã hội, những động cơ xã hội. “…Con người vốn có những nhu cầu khác nữa không phải do nhân tố sinh vật mà là do nhân tố xã hội quy định nên. Những nhu cầu này có tính chất “tự trị về mặt chức năng” hay là “phi tĩnh tại”[20, tr.225]. “Vì thế nên mới xảy ra trường hợp khi trên một đĩa cân này đặt những nhu cầu sinh tồn cơ bản của con người, còn trên đĩa cân kia đặt các nhu cầu cấp cao của người thì cũng có thể là chính các nhu cầu bậc cao lại cân nặng hơn. Điều này ai cũng đã biết và khỏi cần chứng minh nữa”[20, tr.227].

Động cơ con người dù có thỏa mãn các nhu cầu bản năng, nhu cầu tự nhiên thì cũng mang bản chất xã hội. Điều này có được là vì nội dung và phương thức thỏa mãn những nhu cầu đó đều là sản phẩm xã hội do con người sáng tạo ra. Chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện, hoàn cảnh sống, vào văn hóa, trình độ phát triển kinh tế hay vào nền tảng giáo dục của mỗi một nhóm người, một dân tộc, một quốc gia nơi cá nhân đó đang sinh sống. “Mác đã nhận xét: “Cái đói là cái đói, nhưng cái đói được thỏa mãn bằng thịt nấu và ăn với dao dĩa lại khác với cái đói dùng bàn tay, móng và răng để nuốt chửng thịt sống”[20, tr.226]. Như vậy, bản chất xã hội của động cơ thể hiện rõ trong quá trình hình thành động cơ cũng như trong nội dung và phương thức thỏa mãn những nhu cầu của họ.

* Hoạt động là cơ sở của động cơ.

Tâm lý học hoạt động cho rằng: Hoạt động nào cũng có động cơ phù hợp với hoạt động ấy. Một động cơ có thể thúc đẩy nhiều hành động khác nhau và ngược lại một hành động có thể được thúc đẩy bởi nhiều động cơ khác nhau. Động cơ khi đã được hình thành thì nó có chức năng thúc đẩy hành vi của con người đạt tới mục đích. Như vậy chỉ có thông qua hoạt động thì con người mới thực hiện được hành vi đó nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.

d. Cấu trúc động cơ

Khi nghiên cứu động cơ như là một hiện tượng tâm lý, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng các động cơ của con người có tính hệ thống. Điều này có nghĩa là các động cơ khác nhau của con người nằm trong các mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên một hệ thống trọn vẹn. Trong mỗi giai đoạn phát triển cá thể hay mỗi thời điểm khác nhau của cuộc sống, có những động cơ đóng vai trò chủ đạo, chi phối các động cơ khác.

Khi nghiên cứu cấu trúc vi mô của động cơ, các nhà Tâm lý học Mác xít cho rằng động cơ của con người gồm khía cạnh nội dung và khía cạnh lực:

+ Khía cạnh nội dung của động cơ phản ánh nội dung của cái mà con người muốn vươn tới, muốn đạt được.

+ Khía cạnh lực của động cơ phản ánh độ mạnh của động cơ. Khía cạnh lực thể hiện ở chỗ, một động cơ nhất định có khả năng thúc đẩy chủ thể thực hiện những hoạt động khác nhau nhằm thoả mãn động cơ đó hay không?

Từ các cấu thành nội dung và lực của động cơ con người, tác giả Lê Hương đã biểu diễn quá trình hình thành động cơ con người như sau:

Hoạt động - giao tiếp - nhận thức - nội dung động cơ với lực tiềm năng → hoạt động - giao tiếp - tiếp nhận các giá trị + các trải nghiệm xúc cảm liên quan tới giá trị của nội dung động cơ đối với nhân cách → Nội dung của động cơ với lực thúc đẩy có hiệu lực - hoạt động - giao tiếp [17, tr.234].

Như vậy, cấu trúc của động cơ theo quan điểm của dòng phái tâm lý học Mác xít bao gồm hai khía cạnh: nội dung và lực thúc đẩy. Tuy chúng là hai khía cạnh riêng rẽ nhưng lại có mối quan hệ qua lại lẫn nhau quy định tính chất của động cơ.

e. Quá trình hình thành động cơ

Như đã nói, cấu trúc động cơ gồm hai phần: nội dung và lực thúc đẩy. Hai khía cạnh này tuy có mối quan hệ mật thiết với nhau song bản thân chúng vẫn luôn mang tính độc lập tương đối. Điều này thể hiện trước hết trong quá trình hình thành động cơ.

- Sự hình thành khía cạnh nội dung của động cơ:

Nội dung của động cơ thực chất đó là những mong muốn, nguyện vọng của cá nhân nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó của cơ thể. Có thể coi sự hình thành khía cạnh nội dung của động cơ chính là quá tình chuyển hóa từ nhu cầu của con người thành động cơ người mang tính chất xã hội sâu sắc.

Lêônchiev cũng đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời giữa nhu cầu và động cơ, ông viết: “Truớc khi được thỏa mãn lần đầu tiên thì các nhu cầu “chưa biết đến” đối tượng của nó, đối tượng này cần phải được tiết lộ ra. Chỉ nhờ kết quả của sự phát lộ như vậy nhu cầu mới có được tính vật vật thể (đối tượng) của nó, còn cái vật được nhận biết (được hình dung, được tư duy ra) ấy thì có chức năng thúc đẩy, chức năng hướng dẫn hoạt động, tức là trở thành động cơ”. [20, tr.220]. Nhu cầu cần thỏa mãn phải được con người ý thức rõ ràng, khi đó nhu cầu mới trở thành nội dung của động cơ.

- Sự hình thành khía cạnh lực của động cơ:

Lực thúc đẩy động cơ chính là những trải nghiệm, tình cảm, xúc cảm…của cá nhân đối với đối tượng của nhu cầu. Lực thúc đẩy được hình thành trong quá trình con người hoạt động, giao lưu trong các mối quan hệ xã hội mà người đó đang sinh sống. Khía cạnh lực này tồn tại ở dạng tiềm năng, hoặc ở dạng hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến độ mạnh, độ bền vững của động cơ con người.

Sự hình thành khía cạnh lực bao giờ cũng diễn ra sau khi hình thành khía cạnh nội dung của động cơ: Hoạt động - giao tiếp - nhận thức - nội dung động cơ với lực tiềm năng → hoạt động - giao tiếp - tiếp nhận các giá trị + các trải nghiệm xúc cảm liên quan tới giá trị của nội dung động cơ đối với nhân cách → Nội dung của động cơ với lực thúc đẩy có hiệu lực - hoạt động - giao tiếp [17, tr.234].

f. Chức năng của động cơ.

Động cơ là đặc trưng chủ yếu của tâm lý người bởi chúng thực hiện chức năng quan trọng:

Một là: Thúc đẩy và hướng dẫn hoạt động. Chính chức năng này cho phép ta giải thích vì sao khi một cá nhân có động cơ hoạt động với lực thúc đẩy hiệu lực thì

cá nhân đó có thể tiến hành mọi hoạt động cần thiết nhằm chiếm lĩnh được đối tượng của nhu cầu ban đầu.

Hai là: Tạo ra hoạt động có ý của chủ thể, phát triển nhân cách con người.

Một phần của tài liệu Động cơ lựa chọn nghề nghiệp của học sinh lớp 12 trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (Trang 25 - 34)