- Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm
cho các chủ thể kinh tế trong nước thấu hiểu, đồng thuận và tuân thủ các quy định được ban hành. Để làm được điều này điều quan trọng đầu tiên cần phải làm là phải tuyên truyền và giáo dục để xây dựng và nâng cao nhận thức về QTCT, về UBKT và ý nghĩa của UBKT trong QTCT đối với quá trình phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Cần nghiên cứu và đưa các nội dung của QTCT, UBKT vào giảng dạy tại các Trường đại học và các tổ chức đào tạo thay cho việc chỉ dạy về quản trị kinh doanh trong các trường hiện nay. Bên cạnh đó, đội ngũ tham gia truyền thông cũng cần được đào tạo ở một mức độ nhất định để có thể đưa ra những nhận xét hợp lý về các thông lệ và hỗ trợ trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về QTCT hay UBKT.
- Thông tư 121/2012 quy định thành viên HĐQT, BKS, Thành viên điều hành (Tổng giám đốc) và Thư ký công ty phải tham gia các khóa tập huấn về QTCT. Cơ quan quản lý cần xây dựng, thực hiện các chương trình tập huấn có chất lượng về QTCT, UBKT cho các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc. Các cơ quan quản lý cũng cần yêu cầu doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyên sâu về QTCT cho toàn bộ các thành viên HĐQT tại thời điểm niêm yết. Cần có báo cáo riêng về tình hình tập huấn hàng năm của từng thành viên HĐQT, TGĐ và Thư ký công ty trong Báo cáo thường niên. Phải quy định bắt buộc tập huấn về QTCT và xác định thời lượng tập huấn cụ thể. Xây dựng các chương trình, tài liệu tập huấn, khảo sát trường hợp phù hợp với Việt Nam và phản ánh những thông lệ tối ưu quốc tế.
- Thực hiện các dự án, khảo sát về QTCT, về UBKT tại các doanh nghiệp, phần nào giúp doanh nghiệp tiếp cận các khái niệm mới và bước đầu nhận thực về QTCT, UBKT. Từ 2009, Dự án Thẻ điểm QTCT bắt đầu được tiến hành do sự phối hợp giữa IFC, Diễn đàn QTCT toàn cầu và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam nhằm hỗ trợ các nhà lập pháp, các công ty và các tổ chức thông qua việc minh họa giá trị của việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về QTCT. Trong nhiều năm gần đây, thẻ điểm đã được sử dụng như là một công cụ góp phần hoàn thiện QTCT ở Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Philipin do đó có thể phát triển hình thức này tại VIệt Nam. Thẻ điểm xem xét 100 công ty niêm yết đại diện cho 90% tổng giá trị vốn hóa thị trường trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các công ty được đánh giá trên 5 khía cạnh được cho là then chốt đối với một hệ thống QTCT theo các nguyên tắc QTCT của OECD, bao gồm: quyền của cổ đông; đối xử công bằng với cổ đông; vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; công bố thông tin và tính minh bạch; trách nhiệm của HĐQT. Hai lĩnh vực then chốt để cải thiện hoạt động của từng công ty là tập trung vào việc công bố thông tin và tính minh bạch thông tin và trách nhiệm của HĐQT. Việc tăng cường giám sát và cưỡng chế thực hiện các yêu cầu về QTCT là hết sức cần thiết. Để đạt được điều đó, khuyến nghị bao gồm bắt buộc các công ty phải có báo cáo về QTCT, bổ nhiệm kiểm toán tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, và thành lập UBKT.
- Các cơ quan quản lý (ủy ban chứng khoán) cần phải làm chặt chẽ hơn nữa đối với điều kiện về quản trị cho các công ty có nhu cầu niêm yết. Một công ty không đạt mức QTCT tốt thì không nên cho phép niêm yết. Bên cạnh đó, các công ty mới niêm yết cũng nên sớm nhận ra nếu họ không nghiêm túc trong vấn đề công bố thông tin ngay từ đầu thì các nhà đầu tư cũng không có lòng tin đối với họ và không đầu tư vào công ty nữa.
- Cơ quan quản lý phải có hướng dẫn phù hợp để doanh nghiệp triển khai, áp dụng các thông lệ QTCT về UBKT, đặc biệt là triển khai Thông tư 121/2012. Ví dụ, cần có hướng dẫn về thông lệ tốt trong lĩnh vực thành viên HĐQT độc lập, vai trò của tiểu ban kiểm toán, quy trình đề cử HĐQT, vai trò của thư ký công ty, KTNB
và kiểm soát nội bộ, quy định về giao dịch với bên liên quan, thông tin nào cần được coi là ‘trọng yếu’ và phải công bố cho cổ đông, nhà đầu tư nói chung. - Cơ quan quản lý cần nâng cao kỹ năng, năng lực, nguồn lực để tích cực giám sát,
thực thi, hướng dẫn áp dụng thực tiễn QTCT cũng như UBKT hiệu quả trên thị trường một cách kịp thời. Chẳng hạn, cần bổ sung các quy trình, kỹ năng cần thiết, phù hợp để đánh giá các báo cáo tài chính doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý. Cần áp dụng những công nghệ mới nhất, thường trực để phát hiện các giao dịch bất thường trên thị trường. Thực tế cho thấy doanh nghiệp có thể bỏ qua không thực hiện những quy định khó. Cơ quan quản lý phải chấm dứt tình trạng này và áp dụng những biện pháp chế tài phù hợp, công bố rộng rãi về các hoạt động cưỡng chế thực thi của mình.
- Cơ quan quản lý cần quy định kiểm toán phải cam kết về bảo đảm tính độc lập trong kiểm toán cũng như tăng cường vai trò của kiểm toán với tư cách người thẩm tra báo cáo tài chính độc lập, qua đó hỗ trợ UBKT hoạt động hiệu quả. - Cần quy định thực hiện đánh giá HĐQT và UBKT/BKS định kỳ và báo cáo kết
quả.