Nhiệm vụ cụ thể là xem xét lại các báo cáo tài chính được đưa lên bởi nhân viên KTNB. UBKT cần xem xét lại thường kỳ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các thành viên KTNB, người đứng đầu bộ phận KTNB cũng như xem xét đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động của bộ phận này. Ngoài ra, UBKT cần đảm bảo cho bộ phận KTNB có đủ nguồn lực cần thiết và khả năng truy cập thông tin phù hợp giúp họ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời, cần trang bị kiến thức cần thiêt, huấn luyện cho nhân viên KTNB nhằm đảm bảo họ thực hiện theo các chuẩn mực chuyên môn phù hợp. Liên quan việc xem xét, đánh giá công việc của bộ phận KTNB, UBKT nên:
- Đảm bảo kiểm toán viên nội bộ có liên kết trực tiếp với chủ tịch HĐQT và UBKT, chịu trách nhiệm giải trình trước UBKT;
- Xem xét đánh giá kế hoạch công việc KTNB hàng năm;
- Nhận báo cáo từ bộ phận KTNB về kết quả công việc KTNB của họ thường kỳ (hàng quý, hàng năm);
- Xem xét giám sát những phản hồi của ban giám đốc về những phát hiện và đề xuất sửa đổi, cải thiện của KTNB;
- Gặp trực tiếp trưởng bộ phận KTNB ít nhất một năm một lần mà không có sự có mặt của ban giám đốc; và
- Giám sát và đánh giá vai trò và sự hiệu quả của bộ phận KTNB trong bối cảnh chung của hệ thống quản trị rủi ro công ty.
Bộ phận KTNB có vai trò lớn trong kiểm soát, quản trị rủ ro công ty. Do đó, ở những công ty chưa có bộ phận KTNB, UBKT nên xem xét sự cần thiết thành lập bộ phận này trên cơ sở hàng năm, dựa trên những yếu tố cân nhắc: tính chất của lĩnh vực kinh doanh mà công ty đang hoạt động (đánh giá mức độ phức tạp của các giao dịch thường kỳ); cân nhắc chi phí bỏ ra và lợi ích có được từ bộ phận này; quy mô công ty; những kỹ năng, chuyên môn của nhân viên; có hay không trường hợp thất bại của kiểm soát nội bộ do gian lận từng xảy ra ở công ty; mong muốn, quan điểm của cổ đông…