Công cụ kinh tế

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quản lý CTNH tại TP Hải Phòng (Trang 33 - 35)

c. Ảnh hưởng đến môi trường không khí

2.2.2 Công cụ kinh tế

Công cụ kinh tế trong quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải nguy hại nói riêng được áp dụng dựa trên các nguyên lý quản lý của nền kinh tế thị trường và được phổ biến rất rộng rãi trong những năm qua ở nhiều nước trên thế giới. Các công cụ kinh tế có thể bao gồm các loại phí, lệ phí về bảo vệ môi trường thuế tài nguyên và môi trường...với mục đích tạo ra các cơ chế kinh tế bắt buộc các nhà sản xuất - kinh doanh - dịch vụ phải tìm mọi cách để tiết kiệm tài nguyên, tăng cường sử dụng các loại nguyên – nhiên - vật liệu thân thiện với môi trường hơn, tăng cường trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ sự cân bằng sinh thái, giảm thiểu chất thải tại nguồn, tái sử dụng một cách tối đa các chất thải được phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.Công cụ kinh tế có khả năng hỗ trợ đắc lực cho các công cụ pháp luật trong kiểm soát ô nhiễm, giảm bớt sức ép nặng nề cho các cơ quan cưỡng chế thi hành pháp luật [3].

Những công cụ kinh tế có tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất vào các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là các loại thuế, phí và lệ phí về tài nguyên và môi trường, như:

- Thuế tài nguyên: là loại thuế trực thu hay gián thu đối với việc khai thác, sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên như: khoáng sản rắn, khoáng sản nhiên liệu, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, nước mặt, nước ngầm, đất đai v.v...

- Phí môi trường: là các loại phí được thu đối với việc xả thải vào môi trường xung quanh các chất thải rắn, lỏng, khí và các chất thải khác; phí sử dụng các hệ sinh thái nhạy cảm hoặc hệ sinh thái đặc thù.Phí môi trường được thu nhằm bù đắp một phần chi phí thường xuyên và không thường xuyên cho việc duy trì, bảo vệ và cải thiện các thành phần môi trường, giữ gìn sự cân bằng sinh thái và các chi phí khác về tổ chức và quản lý phục vụ cho vấn đề bảo vệ môi trường nói chung.Có nhiều phương pháp tính phí môi trường như tính phí môi trường dựa vào lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, tính phí môi trường dựa vào mức tiêu thụ đầu vào các loại nguyên liệu, tính phí môi trường dựa vào mức sản xuất đầu ra, tính phí môi trường dựa vào lợi nhuận của doanh nghiệp... Phương pháp tính phí môi trường dựa vào lượng chất thải là cách tính theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Ngoài các loại thuế và phí nói trên, còn có một số công cụ kinh tế khác, như:

- Lệ phí hành chính

- Tạo lập thị trường ô nhiễm

- Giấy phép chuyển nhượng/ bán lượng xả thải chất ô nhiễm. - Các khoản trợ cấp, các khoản vay lãi suất thấp

- Hệ thống ký quỹ - hoàn trả - Côta môi trường:

- Ký quỹ môi trường

-Hỗ trợ tài chính của Nhà nước

Tóm lại, sử dụng công cụ kinh tế trong việc quản lý chất thải nguy hại có một số ưu điểm như:

- Khuyến khích sử dụng các biện pháp chi phí - hiệu quả để đạt được các mức ô nhiễm có thể chấp nhận được.

- Kích thích sự phát triển công nghệ và tri thức chuyên sâu về kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Cung cấp cho chính phủ một nguồn thu nhập để hỗ trợ cho các chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Cung cấp tính linh động cho việc kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Xác định mức độ kiểm soát khả thi và thích hợp đối với mỗi nhà máy và sản phẩm [3].

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quản lý CTNH tại TP Hải Phòng (Trang 33 - 35)