phải phù hợp với quan điểm của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học
Trước Đại hội VI, giáo dục đã thực hiện cuộc cải cách theo Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khoá IV (tháng 1- 1979), nhưng chủ yếu mới ở giáo dục phổ thông. Sau Đại hội VI, vấn đề đổi mới giáo dục được điều chỉnh theo đường lối đổi mới của Đảng và được thực hiện trong toàn hệ thống giáo dục - đào tạo. Theo đó, giáo dục - đào tạo phải được đổi mới đồng bộ từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức đến kiểm tra, đánh giá, trong đó đổi mới PPDH được đánh giá là khâu đột phá quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Vấn đề đặt ra là đổi mới PPDH cần phải có định hướng đúng đắn nhằm đem lại hiệu quả cao.
Định hướng đổi mới PPDH được đề cập trong hầu hết các Văn kiện của Đảng từ sau Đại hội VI, những chủ yếu được xác định trong Nghị quyết Trung ương 2 khoá VI (12/1996). Nhìn chung, các Nghị quyết của Đảng đã đánh giá một cách khách quan thực trạng giáo dục - đào tạo, đã chỉ ra một trong những nguyên nhân của thực trạng yếu kém trong giáo dục thời gian qua là: “Phương pháp giáo dục - đào tạo chậm đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học” [40; 126]. Trên cơ sở đó, đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo, những chủ trương, chính sách và biện pháp lớn để tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khoá VI chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học, bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên đại học” [40; 129].
Đặc biệt, định hướng đổi mới PPDH được thể chế hoá trong Luật Giáo dục, điều 4.2 ghi rõ: “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” [37; 3].
Trong quá trình đổi mới PPDH, các trường sư phạm có vị trí quan trọng, vì nhà giáo có vai trò quyết định đối với tất cả những đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp ở tất cả các môn học, bậc học. Do đó, chỉ thị số 15/1999/CT-BGD&ĐT ngày 20/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ rõ: “Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập trong trường sư phạm nhằm tích cực hoá hoạt động học tập, phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên. Nhà giáo giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức, điều khiển, định hướng quá trình dạy học, còn người học giữ vai trò chủ động trong quá trình học tập và tham gia nghiên cứu khoa học” [1; 625].
Trong các Văn kiện của Đảng và Chỉ thị của ngành đã đề cập rất sâu rộng về những vấn đề của giáo dục - đào tạo, đặc biệt về đổi mới giáo dục, về những định hướng chiến lược, những giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH, nhất là những định hướng và giải pháp về đổi mới PPDH thật sự là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Tóm lại các định hướng cơ bản về đổi mới PPDH được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, các Chỉ thị của Bộ Giáo dục - Đào tạo là: phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học; bồi dưỡng phương pháp tự học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui hứng thú học tập cho người học; nâng cao chất lượng dạy học. Trong đó, tư tưởng cốt lõi của đổi mới PPDH là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động.
Như vậy, đổi mới PPDH nói chung, PPDH triết học Mác - Lênin nói riêng phải được thực hiện trên cơ sở tinh thần chỉ đạo, sự định hướng của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Chỉ có như vậy, sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới PPDH nói riêng mới có thể đi đúng hướng và mới đem lại hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo hiện nay.