phải tuân thủ đặc trưng mối quan hệ biện chứng giữa các bộ môn khoa học Mác -Lênin
Nguồn lực con người là vô tận trong quá trình khai thác và sử dụng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nó còn là nhân tố quyết định hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên khác, như tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, thành tựu khoa học và công nghệ… Để có nguồn nhân lực có chất lượng cao, đủ sức đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước,
cần phải phát triển con người toàn diện cả về đức, trí, thể mỹ; cần xây dựng con người có kỹ năng lao động giỏi, có ý chí và bản lĩnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triết học Mác - Lênin là khoa học góp phần tích cực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Theo đó, công tác dạy và học triết học Mác - Lênin ở Lào trong xu thế toàn cầu hoá, hơn lúc nào hết, phải được đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp. Giảng viên ở các trường đại học và cao đẳng khi dạy triết học Mác - Lênin không thể chỉ dừng lại ở việc giảng các nguyên lý, quy luật, các cặp phạm trù mà quan trọng hơn, phải chỉ ra được các quy luật cơ bản, những định hướng lớn để phát triển đất nước trong xu thế hội nhập.
Vấn đề đặt ra là, thông qua giảng dạy các học phần của môn triết học Mác - Lênin, giảng viên phải giúp người học có tri thức triết học và biết vận dụng những tri thức đó vào công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách có hiệu quả; hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng và tư duy khoa học trong lãnh đạo, quản lý. Các bài giảng triết học phải thiết thực cả về lý luận lẫn thực tiễn, tạo cho sinh viên niềm hứng khởi học tập và ấn tượng tốt đẹp về môn học; giúp họ chủ động, ham tích lũy tri thức lý luận, nắm được bản chất của vấn đề và khắc phục cách học đối phó chỉ nhằm mục đích trả bài thi.
Để giảng dạy triết học có hiệu quả, trước hết phải đổi mới nội dung giảng dạy và học tập. Cần khẳng định rằng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai mặt hoạt động cơ bản của nhiệm vụ chính trị trong nhà trường ở bậc Đại học và Cao đẳng. Việc lựa chọn, vận dụng phương pháp giảng dạy đòi hỏi người giảng viên phải bao quát một cách tổng thể các nhân tố cơ bản của quá trình dạy học như: mục đích, nhiệm vụ và nội dung dạy học; các nguyên tắc dạy học; trình độ nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên; điều kiện, cơ sở vật chất và phương tiện dạy học.
Trước tác động của toàn cầu hoá, xã hội đang vận động và biến đổi từng ngày. Việc dạy và học triết học Mác- Lênin ở Lào chưa bao giờ lại phải đối mặt với những thách thức lớn như hiện nay. Xu hướng toàn cầu hoá, trong đó có toàn cầu hoá về văn hoá và giáo dục, buộc chúng ta phải xem lại nội dung và phương pháp dạy, học triết học Mác- Lênin theo kiểu truyền thống. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy là tất yếu, song đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào là những vấn đề cần được bàn bạc và cân nhắc hết sức cẩn trọng trước khi đưa ra một quyết định có tính chất bước ngoặt giữa cái truyền thống và cái hiện đại.
Một mặt, phải chỉ ra được những hạn chế của phương pháp dạy, học truyền thống; mặt khác, phải học hỏi, tiếp thu những tinh hoa trong hoạt động dạy, học triết học của các nước có nền giáo dục phát triển cả về nội dung lẫn phương pháp.
Chúng ta nên chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học bằng việc chuyển tải những giá trị của triết học Mác-Lênin, như thế giới quan duy vật biện chứng, phép biện chứng duy vật… đã được thực tiễn kiểm nghiệm hơn là cắt xén hoặc lồng ghép không dựa trên cơ sở khoa học các bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác- Lênin, coi đó là “đổi mới ” dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin. Bằng cách đó, chúng ta chẳng những không phải làm mờ, mà còn làm sâu sắc hơn vai trò của triết học Mác- Lênin- vũ khí tinh thần của giai cấp vô sản trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới ở Lào.
Cần thừa nhận một thực tế khác là, không phải giảng viên nào cũng có khả năng truyền đạt những kiến thức triết học Mác - Lênin trừu tượng thành những điều đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của sinh viên năm thứ nhất. Buổi học dễ trở nên nhàm chán, kém hấp dẫn đối với người học nếu giảng viên không có phương pháp phù hợp. Do vậy, sau mỗi buổi lên lớp, giảng viên cần phải rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện, bổ sung nội dung tri thức và phương pháp giảng dạy, không được thoả mãn với những cái đã có; phải xem mỗi buổi dạy là một lần sáng tạo, thử nghiệm; phải có tinh thần cầu
thị, chịu khó học hỏi, tiếp thu và vận dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến kết hợp với phương pháp truyền thống.
Hiện nay, dù đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ nhưng phương pháp giảng dạy các môn lý luận Mác- Lênin ở trường cao đẳng sư phạm Khăng Khảy chủ yếu vẫn là thuyết trình, độc thoại trên lớp. Đây là phương pháp truyền thống, đã trở nên quen thuộc đối với hầu hết các giảng viên. Theo tôi, điều này có sự hợp lý ở những mức độ nhất định.
Trước hết, triết học là một trong những môn học nặng về lý luận và tính chính trị-xã hội trực tiếp, mang tính trừu tượng và khái quát cao. Bên cạnh những tri thức khoa học với nhiều khái niệm, thuật ngữ, phạm trù, quy luật cần phải được giải thích rõ, môn học này còn phải chuyển tải đến người học nhiều nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước. Trong điều kiện các trường chưa có đủ giáo trình và tài liệu tham khảo cho sinh viên, việc sử dụng phương pháp này đã khắc phục được sự thiếu hụt về giáo trình và tài liệu, giúp cho người học nắm được một cách cơ bản nội dung môn học.
Thứ hai, phương pháp thuyết trình phù hợp với lớp học đông. Hiện nay, ở hệ đào tạo chính quy đều phải học theo khối (ghép lớp) với số lượng trung bình trên, dưới 100 sinh viên/lớp.
Thứ ba, việc giảng viên sử dụng khá phổ biến phương pháp thuyết trình bởi vì nó đơn giản, dễ vận dụng, không đòi hỏi những phương tiện thiết bị dạy học hiện đại, người học và người giảng đỡ vất vả.
Với kinh nghiệm của mình trong thực tiễn giảng dạy, tôi cho rằng trong giờ lên lớp, giảng viên nên kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung bài giảng, điều kiện lớp học và đối tượng sinh viên. Nên kết hợp phương pháp thuyết trình với nêu vấn đề, vấn đáp và đối thoại. Sự kết hợp này cùng một lúc phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những hạn chế của từng phương pháp, hạn chế tính thụ động, ỷ lại trong việc tiếp thu kiến thức của sinh viên, buộc người học phải tập trung vào bài
giảng, phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến xây dựng bài học. Sự kết hợp này đòi hỏi cả thầy và trò phải nỗ lực cao, phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho bài học.
Trong giảng dạy triết học, những phương pháp chủ yếu được dùng là thuyết trình, nêu vấn đề, Seminar, hướng dẫn, định hướng. Trong giảng dạy có nhiều phương pháp phong phú, đa dạng. Một chủ đề, bài giảng có thể sử dụng lồng ghép hợp lý nhiều phương pháp. Nhưng lựa chọn những phương pháp nào lại tùy thuộc vào đặc điểm của môn học, của nội dung giảng dạy và đặc điểm của người học. Từ đặc điểm của triết học là môn học có tính trừu tượng cao, từ đặc thù của đối tượng giảng dạy như đã nêu trên, theo chúng tôi, để đổi mới phương pháp giảng dạy, trước mắt cần tập trung kết hợp phương pháp thuyết trình với các phương pháp tích cực khác, như nêu vấn đề, thảo luận theo nhóm, hỏi đáp… kết hợp với sử dụng các phương tiện hiện đại.
Việc tăng cường dạy học nêu vấn đề và vấn đáp, đối thoại đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức sâu rộng, phải chuẩn bị kĩ giáo án và thường xuyên cập nhật những tri thức, thông tin mới. Trong từng chương, từng phần giảng viên phải xây dựng được các tình huống có vấn đề. Đó là các tình huống đòi hỏi sự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, phát triển và mở rộng kiến thức. giảng viên phải giới thiệu rõ những vấn đề cần nghiên cứu và các tài liệu có liên quan giúp cho sinh viên tham khảo. Các nội dung Seminar đòi hỏi phải được chuẩn bị kĩ, cần gợi ý cho sinh viên một hệ thống câu hỏi mang tính định hướng để giúp cho người học tự nghiên cứu. Ngoài ra, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tự học (hướng dẫn cách ghi chép, đọc tài liệu, chuẩn bị nội dung Seminar…).
Giảng triết học không thể dừng lại ở nguyên lý chung chung. Có thể khẳng định, hệ thống các ví dụ trong bài giảng triết học là hết sức quan trọng. Không có những ví dụ sinh động, những dẫn chứng cụ thể thì các nguyên lý triết học dù cao, sâu đến đâu cũng chỉ là những cành khô không nhựa sống.
Điều này càng đúng ở Lào, bởi người Lào vốn ít có truyền thống tư duy triết học.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong từng bài giảng, giảng viên cần chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có thực tiễn minh họa bài giảng sẽ hay hơn và sinh động hơn, người học sẽ tiếp thu nhanh và dễ hiểu bài. Tuy nhiên, không phải tất cả các nội dung trong bài giảng đều có ví dụ thực tế, mà phải tuỳ thuộc vào từng vấn đề cụ thể. Với những nội dung quan trọng, cần thiết phải làm rõ hay muốn tăng thêm tính thuyết phục cho người học dễ hiểu thì giảng viên phải chú ý liên hệ thực tiễn. Các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để bảo đảm sự thống nhất, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.
Biên soạn giáo trình với lượng tri thức triết học đưa vào giảng dạy phải cô đọng súc tích, đảm bảo một cách khoa học các nguyên lý cơ bản vừa bám sát thực tiễn chính trị - xã hội, phải nêu bật được độc đáo sáng tạo của Lào trong việc nghiên cứu vận dụng triết học và chủ nghĩa Mác- Lênin để sinh viên thấy được ý nghĩa thực tiễn cần thiết đối với việc học tập nghiên cứu các môn học này.
Vận dụng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào chương trình môn học là một trong những chức năng, nhiệm vụ của khoa học Mác- Lênin. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, lý luận đang diễn ra gay gắt, phức tạp như hiện nay thì việc làm này càng trở nên cần thiết; và góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, định hướng nhận thức và hoạt động thực tiễn cho người học. Liên hệ với đường lối của Đảng, giảng viên nên tập trung vào các quan điểm cơ bản trong các văn kiện Đại hội Đảng, các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương. Về chính sách và pháp luật của nhà nước cần chú ý liên hệ với Hiến pháp và các văn bản luật. Vấn đề là ở chỗ khi liên hệ giảng viên phải thật chọn lọc.
Tránh vận dụng một cách chung chung, gò ép, trùng lặp một vấn đề, một quan điểm trong nhiều chương. Cần chủ động bám sát đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học để không lạm dụng hoặc đi quá xa nội dung môn học.
Chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên triết học, lý luận chính trị Mác- Lênin giỏi, đào tạo thường xuyên, đào tạo ở nước ngoài, trao đổi học thuật thường xuyên. Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về điều kiện vật chất lẫn tinh thần cho các giảng viên các môn khoa học Mác- Lênin.
Đẩy mạnh gắn nghiên cứu với giảng giảng dạy triết học, mạnh dạn đề ra các chuyên đề nghiên cứu giảng dạy mới mẻ, lôi cuốn người học.
Nâng cao chất lượng tuyển chọn đào tạo ở các cơ sở triết học về đội ngũ giảng viên, sinh viên; gắn đào tạo với viện nghiên cứu triết học, trung tâm, đưa đi thực tập sinh một vài năm trước khi trở thành người nghiên cứu, giảng dạy triết học cho sinh viên.
Những vấn đề nói trên nếu được giảng viên chú ý đề cập và giải quyết tốt sẽ góp phần nâng chất lượng giảng dạy môn triết học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của cao đẳng Khăng Khảy hiện nay