Trung tâm hiện đang quản trị, cập nhật và đưa vào khai thác một nguồn tin KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực lớn nhất Việt Nam. NDT đến Trung tâm chủ yếu quan tâm đến các tài liệu thuộc các ngành KH&CN mũi nhọn như công nghệ hoá học, công nghệ sinh học, nông – lâm – ngư nghiệp, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, địa chất, môi trường…
Theo thống kê, 43,6% NDT đến Trung tâm quan tâm đến các tài liệu về hoá học, cụ thể là về lọc hoá dầu, hoá hữu cơ, hoá dược, điều chế thuốc chữa bệnh từ hợp chất hữu cơ, hoá lý,…Điều này có thể lý giải được bởi hiện nay, Trung tâm đang quản trị, cập nhật và khai thác một số CSDL chuyên về hoá học như: Chemical Abstracts – CSDL tóm tắt về hóa học và kỹ thuật hóa học hàng đầu thế giới có hơn 10 triệu biểu ghi và mức độ gia tăng tài liệu với khoảng 650.000 tài liệu tóm tắt/năm, bao quát các lĩnh vực như hóa sinh, hóa lý, hóa vô cơ, hóa phân tích, hóa ứng dụng, kỹ thuật hóa học, hóa học cao phân tử, hóa hữu cơ. Chemistry and Chemical Engineering – CSDL gồm các thông tin thư mục về hóa học và công nghệ hóa chất. ACS - CSDL bao gồm 34 tên tạp chí của Hội Hóa học Hoa Kỳ, trong đó có những tạp chí rất uy tín như Chemical Review, Journal of American Chemical Society, Analytical Chemistry…
Đứng thứ hai về tỷ lệ NDT là lĩnh vực điện tử, tin học, công nghệ thông tin và viễn thông với 35,4%. Đối với lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học (31,6%), NDT đặc biệt quan tâm đến các vấn đề cụ thể như công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ biến đổi gen,…
Lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp với những vấn đề về nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường thuỷ sản, nông nghiệp công nghệ cao, cơ điện nông nghiệp, cơ giới hoá - tự động hoá sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, trồng cây ăn quả, nhân giống, chăn nuôi thú y,… cũng ngày càng thu hút được đông đảo NDT quan tâm đến (30,6%).
Tiếp theo là các vấn đề về địa lý - địa chất – môi trường chiếm 26,5% NDT. Khoa học kỹ thuật nói chung chiếm tỷ lệ 24,7%. Y - dược học với các vấn đề về cây thuốc, con thuốc, y học cổ truyền, bào chế thuốc chiếm tỷ lệ 23,7%. Kiến trúc – xây dựng chiếm tỷ lệ 17,9%. Toán chiếm tỷ lệ 16,5%. Kinh tế tập trung vào phân tích và dự báo kinh tế, tài chính, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 14,4%. Khoa học vật liệu mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ 14,1%, song các vấn đề được NDT quan tâm rất đa dạng: vật liệu polyme, vật liệu tổ hợp, nano compozit, compozit sợi tự nhiên, polyme blend và cao su, vật liệu xây dựng, sản xuất gạch, gốm sứ, vật liệu nano, vật liệu xúc tác, vật liệu hấp phụ, vật liệu từ phế thải,… Khoáng sản – khai mỏ chiếm tỷ lệ 14,1%. Vật lý chiếm tỷ lệ 13,4%. Năng lượng tập trung vào các vấn đề về năng lượng hạt nhân, nhiệt năng, quản lý dự án năng lượng, kỹ thuật nhiệt, nhà máy nhiệt điện, lò hơi, năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ 12%. Cơ khí - luyện kim - chế tạo máy chiếm tỷ lệ 11,7%. Tin tức văn hoá, chính trị, xã hội chiếm tỷ lệ 10%. Giao thông vận tải chiếm tỷ lệ 7,6% và cuối cùng là khoa học trái đất, thiên văn chiếm tỷ lệ 5,2%. Ngoài ra, một số NDT khi được phỏng vấn trực tiếp cho biết họ rất quan tâm đến các vấn đề cụ thể như đo lường: cảm biến đo, đo lường hệ thống, đo lường các hệ thống động lực, phương pháp khoa học - công nghệ xây dựng hệ thống đo lường, đo xa có dây và không dây; công nghệ chế biến gỗ,…
Bảng 2.6. Những lĩnh vực KH&CN được NDT quan tâm
LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
NDT
Tổng số NCGD Quản lý SXKD Sinh viên SP % SP % SP % SP % SP %
Hóa học. Công nghệ hóa học 127 43,6 78 61,4 9 7,1 23 18,1 17 13,4
Sinh học. Công nghệ sinh học 92 31,6 19 20,7 12 13 20 21,7 41 44,6
Toán 48 16,5 28 58,3 9 18,8 4 8,3 7 14,6
Vật lý 39 13,4 19 48,7 5 12,8 5 12,8 10 25,6
Nông – Lâm – Ngư nghiệp 89 30,6 31 34,8 21 23,6 23 25,8 14 15,7
Địa lý. Địa chất. Môi trường 77 26,5 33 42,9 9 11,7 10 13 25 32,5
Khoáng sản. Khai mỏ 41 14,1 15 36,6 8 19,5 11 26,8 7 17,1
Điện tử. Tin học. Công nghệ thông tin. Viễn thông
103 35,4 31 30,1 22 21,4 12 11,6 38 36,9
Năng lượng 35 12 10 28,6 12 34,3 7 20 6 17,1
Cơ khí. Luyện kim. Chế tạo máy
34 11,7 8 23,5 5 14,7 15 44,1 6 17,6
Giao thông vận tải 22 7,6 5 22,7 5 22,7 8 36,4 4 18,2
Khoa học trái đất. Thiên văn 15 5,2 6 40 3 20 0 0 6 40
Khoa học vật liệu 41 14,1 11 26,8 5 12,2 22 53,7 3 7,3
Y – Dược học 69 23,7 15 21,7 12 17,4 35 50,7 7 10,1
Kiến trúc. Xây dựng 52 17,9 10 19,2 16 30,8 12 23,1 14 26,9
Kinh tế 42 14,4 10 23,8 15 35,7 10 23,8 7 16,7
Khoa học kỹ thuật nói chung 72 24,7 25 34,7 18 25 19 26,4 10 13,9
NCT giữa các nhóm NDT có sự khác biệt đáng kể:
NDT thuộc lĩnh vực NCGD luôn đòi hỏi thông tin phải vừa mang tính chất tổng hợp, vừa mang tính chi tiết, cụ thể, phần nhiều là chi tiết, cụ thể với các dữ liệu, dữ kiện, các thông số về kích thước, hình dáng, mẫu mã, trọng lượng,…
Nhóm NDT thuộc lĩnh vực NCGD đến Trung tâm quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực hoá học, công nghệ hoá học (61,4%), toán (58,3%), vật lý (48,7%). Ngoài ra, họ cũng có sự quan tâm nhất định đến các lĩnh vực khác như điện tử, tin học, công nghệ thông tin (30,1%), khoáng sản và khai mỏ (36,6%), khoa học trái đất, thiên văn (40%), khoa học kỹ thuật nói chung (34,7%). Đây là những lĩnh vực mà Trung tâm luôn có thế mạnh về nguồn lực thông tin cũng như các sản phẩm và dịch vụ thông tin. Chính vì vậy, đã luôn thu hút được đông đảo đội ngũ NDT là cán bộ NCGD đến Trung tâm để khai thác và sử dụng thông tin.
Nhóm NDT thuộc lĩnh vực quản lý có sự quan tâm khá đồng đều đến các lĩnh vực khoa học. Điều này cũng phản ánh một phần tính chất NCT của công tác quản lý, đó là thông tin đa ngành, đa dạng, bao quát trên diện rộng các lĩnh vực tri thức. Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ không nhỏ NDT thuộc lĩnh vực quản lý quan tâm cụ thể đến một số lĩnh vực như năng lượng (34,3%), kinh tế (35,7%) và kiến trúc, xây dựng (30,8%).
NDT trong lĩnh vực SXKD luôn có NCT cụ thể, chi tiết, thông tin mang tính tác nghiệp, thông tin mới về các thành tựu KH&CN, thông tin có tính chất kinh nghiệm truyền thống trong SXKD, thông tin thay đổi theo nhu cầu xã hội, dễ tiếp nhận, dễ sử dụng và có độ tin cậy.
Phần lớn NDT SXKD đến Trung tâm quan tâm đến lĩnh vực khoa học vật liệu (53,7%), cụ thể là: vật liệu polyme, vật liệu tổ hợp, nano compozit, compozit sợi tự nhiên, polyme blend và cao su, vật liệu xây dựng, sản xuất gạch, gốm sứ, vật liệu nano, vật liệu xúc tác, vật liệu hấp phụ, vật liệu từ phế thải. Tiếp đến là lĩnh vực y - dược học (50,7%), và cơ khí, luyện kim, chế tạo máy (44,1%).
Sinh viên đến Trung tâm chủ yếu thuộc các trường khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Đối với nhóm NDT này, lĩnh vực được họ quan tâm nhất là sinh học, công nghệ sinh học (44,6%), tiếp theo là khoa học trái đất, thiên văn (40%), và điện tử, tin học, công nghệ thông tin, viễn thông (36,9%). Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ sinh viên cũng tỏ ra rất quan tâm tới các vấn đề về văn hoá, chính trị, xã hội, cụ thể là có 34,5% sinh viên quan tâm tới lĩnh vực này. Điều này cho thấy, sinh viên không chỉ quan tâm nghiên cứu các vấn đề thuộc ngành học của mình mà họ còn chịu khó tìm hiểu các vấn đề xã hội để tăng thêm vốn tri thức và hiểu biết.