Một số tai biến, biến chứng trong và sau tán sỏi điện thuỷ lực

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị sỏi mật bằng phẫu thuật kết hợp tán sỏi điện thủy lực tại Bệnh viện Tỉnh Thanh Hoá (Trang 27 - 29)

- Lấy sỏi xuyên gan qua da: Kỹ thuật này được chỉ định để lấy sỏi gan

1.5.6.4.Một số tai biến, biến chứng trong và sau tán sỏi điện thuỷ lực

Trong và sau tán sỏi điện thuỷ lực trong mổ mở hoặc mổ nội soi đều có các tai biến, biến chứng chung như các cuộc mổ khác như: chảy máu vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, áp xe tồn dư sau phẫu thuật, viêm tụy cấp sau mổ … Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới một số biến chứng của tán sỏi điện thuỷ lực:

* Còn sót sỏi : Các nguyên nhân gây sót sỏi bao gồm:

+ Bỏ sót: Dễ xảy ra nếu người soi đường mật chưa có nhiều kinh nghiệm. Soi tuần tự từng hạ phân thùy và kết hợp chụp XQ đường mật trong mổ sẽ làm giảm tỷ lệ bỏ sót sỏi.

+ Hẹp đường mật: Có một số trường hợp thấy được chỗ hẹp nhưng do hẹp khít, cứng, hẹp một đoạn dài, hẹp và gập góc. Khi đó phải kết hợp lấy sỏi qua da. Một số trường hợp chỉ đưa được rọ qua chỗ hẹp, không soi vào được nên không lấy hết sỏi hoàn toàn.

+ Sỏi nằm trong ống mật nhỏ, gập góc, ống soi không vào được. + Tụt ống dẫn lưu do cố định không tốt.

+ Không soi vào đường mật được sau khi rút ống Kehr do đường hầm dài, gập góc [2], [7], [12].

* Biến chứng: Tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật có kết hợp tán sỏi điện

thủy lực ngoài biến chứng của phẫu thuật chung còn có thể gặp một số biến chứng sau:

+ Sốt lạnh run sau tán sỏi: Triệu chứng này thường chỉ thoáng qua, hết sau khi dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh. Nếu sốt kéo dài thường là do tắc nghẽn một ống mật do hẹp hay do sỏi kẹt sau lần lấy sỏi đầu tiên. Cần phân biệt với lạnh run trong khi soi đường mật, thường do bệnh nhân bị ướt hay dùng nước muối không đủ ấm số lượng nhiều.

+ Chảy máu do tán sỏi, lôi sỏi: Khi tán sỏi, nếu đầu que tán tiếp xúc gần niêm mạc ống mật quá sẽ gây chảy máu, chảy máu thường nhẹ và tự cầm. Tán sỏi trong trường hợp đường mật đang viêm cũng dễ gây chảy máu niêm mạc đường mật. Nếu chảy máu kéo dài và lâu cầm, có thể bơm rửa đường mật với nước ấm để cầm máu.

+ Chảy máu do nong đường mật: Quá trình nong đường mật nếu dùng đầu ống soi mềm để nong có thể gây chảy máy do làm tổn thương đường mật. Trong trường hợp dùng bóng nong đường mật độ an toàn sẽ cao hơn và có hiệu quả hơn.

+ Rách đường hầm Kehr: Xảy ra trong trường hợp sau phẫu thuật còn sót sỏi và được tán sỏi qua đường hầm Kehr. Đây là biến chứng nặng, có thể mổ lại nếu không nhận biết và xử lý kịp thời. Các yếu tố thuận lợi gây rách đường hầm là đường hầm nhỏ, gập góc, chưa đủ thời gian 3 tuần sau mổ, cố gắng kéo sỏi to qua đường hầm. Nếu nhìn thấy rách đường hầm, lập tức ngừng soi đường mật và lấy sỏi, đưa dây dẫn vào đường mật, đặt một ống thông (16 - 18 Fr) qua đường hầm vào đường mật và chờ 2 - 3 ngày sau là có thể soi lại được. Nếu không nhân biết được kịp thời, dịch mật sẽ tràn vào ổ bụng có thể gây tụ dịch dưới gan, tụ dịch dưới cơ hoành gây áp xe khu trú hoặc tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc mật.

+ Kẹt rọ: Xảy ra khi rọ bắt phải sỏi to, không qua được chỗ hẹp trong đường mật hay đường ống Kehr. Cố gắng đẩy sỏi ra khỏi rọ nếu không được phải luồn dây tán vào để tán sỏi.

+ Tụ máu trong gan: Biến chứng này thường xảy ra trong các trường hợp hẹp đường mật phải nong.

+ Viêm tuỵ cấp: Biến chứng này có thể xảy ra sau bất cứ một phẫu thuật nào trong ổ bụng. Tuy nhiên nếu chỉ xét đơn thuần nguyên nhân là do nội soi tán sỏi thì ít xảy ra. Nếu xảy ra có thể do bơm nước vào đường mật tuỵ áp lực cao.

+ Áp xe dưới hoành: Có thể do rách đường ống Kehr hoặc vỡ đường mật nằm sát mặt gan dưới áp lực của bơm rửa.

+ Thủng đường mật rất hiếm xảy ra. Trong quá trình tán sỏi không thực hiện đúng kỹ thuật, đầu tán sỏi chạm vào đường mật hoặc đặt vuông góc với đường mật khi phát xung tán với cường độ cao có thể gây chảy máu và thủng đường mật [2], [7], [12].

+ Tử vong: Hiện tại chưa có tác giả nào công bố tỷ lệ tử vong do tán sỏi đường mật gây nên.

Chương 2

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị sỏi mật bằng phẫu thuật kết hợp tán sỏi điện thủy lực tại Bệnh viện Tỉnh Thanh Hoá (Trang 27 - 29)