Đặc điểm lâm sàng

Một phần của tài liệu Kết quả điều trị trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa bằng phẫu thuật ghép xương tự thân sau bên và cố định cột sống qua cuống (Trang 59 - 60)

Tuổi và giới

Theo kết quả nghiên cứu, tuổi trung bình của BN 55,2 (từ 38 đến 73), tần xuất mắc bệnh thường gặp từ 40 – 60 tuổi (64,5%). Bệnh nhân trên 50 tuổi chiếm đa số (70,9%), đây là điểm khác biệt giữa bệnh lý TĐS do thoái hóa so với TĐS do hở eo, ở TĐS do hở eo tuổi hay gặp là dưới 50 [8], [20]. Đặc điểm về tuổi phù hợp với cơ chế bệnh sinh của bệnh TĐS do thoái hóa, ở tuổi lớn hơn 50 sự thoái hóa của cột sống làm suy yếu các yếu tố ổn định cột sống gây nên trượt đốt sống. Chúng tôi thấy có sự khác biệt về tuổi trung bình giữa Nam và Nữ, nữ là 52,6 tuổi, ở nam là 60,7tuổi. Ở tuổi trên 60, nữ chiếm tỷ lệ khá thấp, chỉ có 3 bệnh nhân (30%), trong khi nam có 7 bệnh nhân (70%). Phải chăng bệnh lý này hay gặp ở Nữ trong độ tuổi từ 40 – 60, còn Nam hay gặp ở tuổi trên 60.

Tuổi là một trong những căn cứ để cân nhắc lựa chọn phẫu thuật và mức độ can thiệp phẫu thuật. Paul căn cứ vào tuổi để xem xét có nên điều trị phẫu thuật hay không, theo tác giả nếu BN tuổi lớn hơn 75 thì nên điều trị bảo tồn. Và ghép xương chỉ nên thực hiện ở BN có tuổi dưới 65 [74]. Theo tác giả, ở tuổi lớn hơn 65 cột sống có thêm những yếu tố tăng cường sự vững chắc như là xẹp đĩa đệm, vôi hóa các dây chằng, dính các khớp…nên ghép xương là không cần thiết. Chúng tôi thấy rằng, tuổi là một căn cứ quan trọng cho việc xem xét vấn đề phẫu thuật, ở Việt Nam tuổi cao thường đồng nghĩa với thể trạng suy giảm và có nhiều bệnh lý kết hợp nên phẫu thuật cần phải cân nhắc, nếu tiên lượng có nhiều nguy cơ do phẫu thuật thì lựa chọn điều trị bảo tồn. Liên quan giữa chỉ định ghép xương và tuổi, chúng tôi đồng ý rằng, nếu trên lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh cho thấy những bằng chứng về sự vững chắc của cột sống thì có thể không cần ghép xương, ngoài ra vẫn nên ghép xương cho các trường hợp khác.

Về giới, nghiên cứu của chúng tôi có số lượng Nữ gấp đôi số lượng Nam, tương đương với những nghiên cứu của các tác giả khác như Phạm Hòa Bình, Võ Văn Thành tỷ lệ Nữ/Nam cũng cao gấp 2 – 3 lần [1],[18]. Lý giải về điều này, nhiều tác giả cho rằng bệnh lý thoái hóa cột sống liên quan nhiều đến sự suy giảm nội tiết tố khi phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, cùng với sự suy yếu hệ thống dây chằng ở nữ giới gây nên trượt đốt sống. Vấn đề mang thai, sinh nở ở phụ nữ có là yếu tố gây gia tăng trượt đốt sống do thoái

hóa hay không còn cần được chứng minh thêm. Có ý kiến cho rằng ở Việt Nam, phụ nữ làm việc vất vả nên tỷ lệ gặp nhiều hơn [16], nhưng theo những tài liệu nước ngoài [24], [27], [32], [82] thì tỷ lệ phụ nữ gặp nhiều không có nghĩa là họ lao động vất vả hơn Nam giới. Vì vậy, yếu tố lao động liên quan đến trượt đốt sống ở Nữ giới cần được xem xét thỏa đáng.

Mặc dù số lượng BN nghiên cứu còn chưa nhiều, nhưng chúng tôi thấy tỷ lệ mắc bệnh của Nam giới ở độ tuổi lớn hơn 60 khá cao (70%). Đây có thể là điểm khác biệt về tuổi trong bệnh lý TĐS do thoái hóa giữa 2 giới. Khả năng ở tuổi ngoài 60 sự thoái hóa cột sống của Nam giới mới có thể gây nên tình trạng bệnh lý này.

Thời gian từ lúc bị bệnh đến khi được phẫu thuật

Được xác định từ khi xuất hiện triệu chứng đau lưng đến lúc mổ. Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian bị bệnh ngắn nhất 5 tháng và dài nhất 10 năm, trung bình là 4,2 năm. Các bệnh nhân đều đi khám và điều trị ở các cơ sở y tế tuyến dưới nhưng không kết quả, bệnh tiến triển từng đợt ngày càng nặng, khi có triệu chứng đau nhiều ở lưng hoặc đau xuống chân gây đi lại khó khăn mới đến viện khám và điều trị, có thể thấy thực tế này qua ODI trước mổ, phần lớn BN có ODI từ 60-80%. Điều này được giải thích là do tâm lý sợ đi bệnh viện, sợ phẫu thuật của bệnh nhân, đến khi không có lựa chọn khác, bệnh nhân mới đi khám và đồng ý phẫu thuật. Một lý do nữa là không có sự tư vấn cần thiết của bác sĩ chuyên khoa, vì vậy bệnh nhân đến cơ sở điều trị chuyên khoa khi điều trị nhiều nơi không hiệu quả. Trong nghiên cứu chỉ có 2 bệnh nhân được điều trị trong vòng 6 tháng từ khi bị bệnh. Nghiên cứu của Phạm Tỵ cũng cho biết thời gian mắc bệnh ở BN khá lâu, phần lớn từ 1-3 năm, cá biệt có BN tới 20 năm [19].

Trong y văn, không thấy đề cập đến thời gian từ khi có triệu chứng bệnh đến khi được điều trị phẫu thuật. Có thể điều này ít ý nghĩa đối với những nước có nền y tế phát triển, việc phát hiện và quản lý bệnh nhân được tiến hành một cách chặt chẽ, có hệ thống, khi có chỉ định sẽ được phẫu thuật kịp thời.

Một phần của tài liệu Kết quả điều trị trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa bằng phẫu thuật ghép xương tự thân sau bên và cố định cột sống qua cuống (Trang 59 - 60)