Vấn đề sử dụng phương tiện kết xương

Một phần của tài liệu Kết quả điều trị trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa bằng phẫu thuật ghép xương tự thân sau bên và cố định cột sống qua cuống (Trang 29 - 30)

Ghép xương đã được các tác giả thừa nhận về vai trò của nó trong phẫu thuật điều trị trượt đốt sống. Tuy nhiên có sử dụng dụng cụ cố định cột sống hay không vẫn chưa được đồng nhất quan điểm.

Trên thực tế có những nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng dụng cụ và không sử dụng dụng cụ cố định cột sống không khác nhau trong việc đánh giá tỷ lệ liền xương và tình trạng lâm sàng sau mổ. Moller so sánh kết quả phẫu thuật giữa hai nhóm bệnh nhân có sử dụng dụng cụ và không sử dụng dụng cụ kết xương trên 77 bệnh nhân trượt đốt sống, sau 02 năm tác giả thấy rằng không có sự khác biệt về kết quả điều trị giữa hai nhóm [69]. Kimura và cộng sự, hồi cứu 57 bệnh nhân trượt đốt sống L45 độ I, II do thoái hóa chia hai nhóm:nhóm A gồm 28 bệnh nhân được giải ép, ghép xương; nhóm B gồm 29 bệnh nhân được giải ép, ghép xương và cố định dụng cụ qua cuống. Sau 3 năm thấy rằng: Nhóm A: 72,4% hài lòng; 82,8% liền xương. Nhóm B: 82,1% hải lòng; 92,8% liền xương. Ông kết luận rằng không có sự khác nhau có ý nghĩa giữa hai nhóm và không có lợi ích đáng kể trong sử dụng dụng cụ kết xương.

Quan điểm cố định dụng cụ trong trượt đốt sống được nhiều tác giả đồng tình [30], [65], [74], [93] họ cho rằng những bệnh nhân được cố định bằng dụng cụ, cột sống được làm vững ngay sau phẫu thuật, do đó quá trình can xương diễn ra thuận lợi, làm tăng tỷ lệ liền xương. Hơn nữa, cột sống đươc cố định vững chắc cho phép giải phóng rộng rãi rễ thần kinh. Do vậy, phẫu thuật có tính triệt để, bệnh nhân đỡ đau và có thể vận động sớm sau mổ, thời gian nằm viện ngắn. Komblum và cộng sự [56] cho rằng nên sử dụng dụng cụ cố định cột sống qua cuống trong thời gian hình thành can xương.

Không sử dụng dụng cụ cố định có thể làm gia tăng tỷ lệ trượt tiến triển sau mổ. Bridwell và cộng sự theo dõi 44 bệnh nhân phẫu thuật trượt đốt sống 2 năm chia làm 3 nhóm, nhóm cắt cung sau đơn thuần, nhóm cắt cung sau kết hợp ghép xương, nhóm kết hợp ghép xương và cố định dụng cụ. Tác giả thấy rằng tỷ lệ liền xương ở nhóm có sử dụng dụng cụ cao hơn (P=0,002), tỷ lệ

trượt tiến triển sau mổ ở nhóm không cố định dụng cụ lớn hơn nhóm được cố định cột sống [33].

Mardjetko tổng hợp các tài liệu đã công bố ở Anh 1970 – 1993 về điều trị trượt đốt sống do thoái hóa. Thấy rằng ở nhóm giải chèn ép, ghép xương không sử dụng dụng cụ cố định cột sống, sau mổ 90% bệnh nhân hài lòng, tỷ lệ can xương 86%. Ở nhóm sử dụng dụng cụ 93% bệnh nhân đạt liền xương; 91% bệnh nhân hài lòng [63]. Như vậy có sử dụng dụng cụ tăng tỷ lệ liền xương và sự hài lòng của BN.

Các tác giả trong nước như Võ Văn Thành, Nguyễn Danh Đô, Nguyễn Ngọc Khang, Phạm Hòa Bình, Phan Trọng Hậu ...đều ủng hộ sử dụng dụng cụ trong điều trị trượt đốt sống. Những nghiên cứu của các tác giả có sử dụng dụng cụ trong phẫu thuật trượt đốt sống cho tỷ lệ liền xương và kết quả điều trị cao. Nhìn chung xu hướng sử dụng các phương tiện cố định trong phẫu thuật điều trị bệnh trượt đốt sống ngày càng phổ biến trên thế giới và trong nước.

Một phần của tài liệu Kết quả điều trị trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa bằng phẫu thuật ghép xương tự thân sau bên và cố định cột sống qua cuống (Trang 29 - 30)