Hiện nay, xu hướng sử dụng dụng cụ cố định cột sống trong điều trị bệnh TĐS ngày càng phổ biến, có nhiều các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy sử dụng sử dụng dụng cụ cố định cột sống có kết quả liền xương, và sự hài lòng của bệnh nhân sau mổ cao [8], [43], [46], [51], [65], [66]. Mặc dù có những biến chứng nhất định khi cố định cột sống bằng dụng cụ nhưng những biến chứng này có thể tránh được nhờ kinh nghiệm của PTV và sự trợ giúp của màn tăng sáng hay những phương tiện định vị trong phẫu thuật.
Biến đổi bệnh lý ở tầng kế cận ở những BN sau khi đóng cứng cột sống đang là vấn đề được các tác giả thảo luận. Những biến đổi thường gặp là thoái hóa đĩa đệm, mất vững cột sống, hẹp ống sống, trượt đốt sống, những biến đổi này có thể là lý do phải phẫu thuật can thiệp lại [34]. Nguyên nhân của những biến đổi này được cho là do sự tăng áp lực ở tầng lân cận sau khi đoạn cột sống được đóng cứng. Để giảm thiểu những biến đổi này người ta tìm cách giảm tác động của áp lực lên các tầng lân cận, trong đó dùng nẹp bán động đang là giải pháp được lựa chọn. Đã có những nghiên cứu về sử dụng của nẹp bán động trên lâm sàng với kết quả khả quan, nhưng kết quả về lâu dài chưa
được thông báo, vì vậy để đánh giá hiệu quả của nẹp bán động trên lâm sàng cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Số tầng cố định là những tầng thực hiện ghép xương, nên nguyên tắc xác định số tầng cần cố định được chúng tôi áp dụng như ở phần ghép xương. Việc áp dụng nguyên tắc này đã được một số tác giả thực hiện [1], [7] khi điều trị phẫu thuật bệnh lý trượt đốt sống do thoái hóa và đều cho kết quả tốt. Chúng tôi thấy rằng, trước những BN có những biến đổi cột sống phức tạp như trong bệnh lý TĐS do thoái hóa thì vấn đề cố định bao nhiêu tầng phải được cân nhắc cẩn thận. Nếu cố định quá mức cần thiết thì sẽ thêm những tổn thương cho BN, cố định không đủ sẽ có nguy cơ phải can thiệp lại. Cần phải đánh giá thật chi tiết tình trạng bệnh lý của các tầng lân cận, đồng thời áp dụng nguyên tắc cố định nêu trên sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho BN.
Vấn đề nắn chỉnh đốt sống trượt không được đặt ra trong quá trình phẫu thuật vì các BN đều trượt độ I nên ít làm biến dạng cấu trúc cột sống. Tuy nhiên, sau phẫu thuật đốt sống trượt phần lớn trở về vị trí giải phẫu (độ trượt bằng 0%), và độ trượt trung bình giảm nhiều (từ 20,7% xuống còn 4,7%). Như vậy, tư thế của bệnh nhân trong mổ đã góp phần nắn chỉnh các đốt sống trượt làm cho nó trở về vị trí bình thường.
4.2.1. Tai biến trong phẫu thuật
Tai biến hay gặp nhất trong quá trình phẫu thuật là rách màng tủy, Chúng tôi gặp 2/31 bệnh nhân (6,4%), do ống tủy hẹp khít, tổ chức mỡ ngoài màng tủy bị tiêu đi, màng tủy bị mất đi lớp bảo vệ, nên khi tiến hành giải chèn ép dễ gây tổn thương màng tủy. Các BN này đều có ống sống hẹp khít rất khó khăn trong quá trình giải chèn ép, và tổn thương màng tủy đều ở giai đoạn này. Theo một số tác giả thì tỷ lệ rách màng tủy trong phẫu thuật TĐS có thể gặp từ 5 – 10% [68]. Các bệnh nhân đều được xử trí khâu kín màng tủy, không có biến chứng rò dịch não tủy sau mổ.
Không xác định đúng điểm vào cuống và đặt sai hướng của vít là biến chứng có thể gặp trong quá trình phẫu thuật cố định cột sống qua cuống. Ở bệnh nhân trượt đốt sống do thoái hóa, mấu khớp phía sau phì đại làm mất các mốc giải phẫu thông thường nên xác định điểm vào cuống rất khó khăn. Có một số mốc quan trọng trong phẫu thuật để tìm điểm vào cuống là củ núm vú, gai ngang, khe khớp, nhưng các mốc này không còn chính xác ở bệnh lý TĐS do thoái hóa nên xác định điểm vào cuống khá khó khăn, đôi khi phải lấy bỏ phần ngoài mấu khớp phì đại để tìm bờ ngoài cuống sống, hoặc cắt cung sau để tìm thành trong của cuống từ đó xác định mốc vào cuống.
Sử dụng màn tăng sáng là cần thiết trong khi tìm điểm vào cuống và xác định hướng của vít. Mặc dù chỉ gặp 1 vít chưa đúng hướng do đầu vít vào dưới đĩa sụn (được phát hiện và khắc phục ngay trong mổ), không gặp tổn thương cuống sống và rễ thần kinh, nhưng cần rút kinh nghiệm là phải kiểm tra trên màn tăng sáng (C-arm) trước và sau khi bắt vít để xác định chính xác vị trí và hướng của vít, đồng thời xử lý kịp thời những tai biến.
4.3. Kết quả sau mổ