Muốn hình thành và phát triển năng lực sáng tạo của HS thì trong quá trình dạy học, GV không mô tả, giảng giải kiến thức mới như cái đã có sẵn mà phải giúp đỡ, tạo điều kiện để người học tự chủ suy nghĩ, hành động hướng tới cái cần có mà chưa biết, để nắm bắt, làm chủ cái chưa biết, bổ sung vào vốn hiểu biết riêng vốn có của mình.
Công cụ định hướng hành động như trên cần được xây dựng theo các tiếu chí:
- Thứ nhất là định hướng được hành động nhằm trúng mục tiêu kiến thức, kỹ năng cần đạt.
- Thứ hai là định hướng hành động phù hợp với đường lối tiếp cận khoa học, phương pháp hợp lý giải quyết vấn đề, nhiệm vụ đặt ra.
- Thứ ba là định hướng hành động trong điều kiện vừa sức người học, gây được động cơ thúc đẩy người học hành động.
- Thứ tư là công cụ định hướng hành động đồng thời là phương tiện cho phép kiểm soát được hành động học để có thể điều chỉnh, bổ sung sự định hướng một cách hữu hiệu.
Cụ thể, có thể triển khai hoạt động dạy học như sau:
- Tổ chức hoạt động sáng tạo gắn liền với quá trình xây dựng kiến thức mới: Tổ chức quá trình nhận thức vật lý theo chu trình sáng tạo sẽ giúp cho HS trên con đường HĐNT biết được: chỗ nào có thể suy nghĩ dựa trên những hiểu biết đã có, chỗ nào phải đưa ra kiến thức mới, giải pháp mới. Việc tập trung trí lực vào chỗ mới đó sẽ giúp cho hoạt động sáng tạo có hiệu quả, rèn luyện cho tư duy trực giác biện chứng nhạy bén phong phú [15].
Theo quan điểm hoạt động, quá trình vật lý được xây dựng đi từ dễ đến khó, phù hợp trình độ HS, tận dụng kinh nghiệm sống hàng ngày của họ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đề xuất ra được những ý kiến mới mẻ có ý nghĩa, làm cho họ thấy được hoạt động sáng tạo là hoạt động có thể thực hiện được thường xuyên nếu có sự cố gắng nhất định. Trong hoạt động sáng tạo, sự tự tin là yếu tố tâm lý rất quan trọng. Cần có sự tự tin chủ thể nhận thức mới thoát khỏi sự ràng buộc, hạn chế của những hiểu biết cũ. Về nguyên tắc, kiểu dạy học “thông báo – minh hoạ” không thể rèn luyện cho HS năng lực sáng tạo. Cần phải tổ chức quá trình dạy học theo kiểu nêu và giải quyết vấn đề một cách kiên trì mới có thể rèn luyện cho HS năng lực sáng tạo [15].
- Luyện tập phỏng đoán, dự đoán:
Dự đoán có vai trò rất quan trọng trong con đường sáng tạo khoa học. Dự đoán dựa chủ yếu vào trực giác, kết hợp với kinh nghiệm phong phú và kiến thức
sâu sắc về mỗi lĩnh vực. Việc xây dựng giả thuyết dựa trên sự khái quát hoá những sự kiện thực nghiệm, những kinh nghiệm cảm tính.
Trong giai đoạn đầu của HĐNT vật lí của HS có thể có các cách dự đoán sau đây:
+ Dựa vào liên tưởng tới một kinh nghiệm đã có.
+ Dựa trên sự tương tự.
+ Dựa trên sự xuất hiện đồng thời giữa hai hiện tượng mà dự đoán giữa chúng có quan hệ nhân quả.
+ Dựa trên nhận xét thấy hai hiện tượng luôn luôn biến đổi đồng thời, cùng tăng hoặc dùng giảm mà dự đoán về quan hệ nhân quả giữa chúng.
+ Dựa trên sự thuận nghịch thường thấy của nhiều quá trình.
+ Dựa trên sự mở rộng phạm vi ứng dụng của một kiến thức đã biết sang một lĩnh vực khác.
+ Dự đoán về mối quan hệ định lượng: Fray-man cho rằng những hiện tượng vật lý xảy ra rất phức tạp, nhưng các định luật chi phối chúng lại rất đơn giản.
- Lập luận đề xuất phương án thí nghiệm kiểm tra dự đoán
Muốn kiểm tra xem dự đoán, giả thuyết có phù hợp hay không, ta phải xem dự đoán đó biểu hiện trong thực tế như thế nào, có dấu hiệu nào đó có thể quan sát được. Nghĩa là từ một dự đoán mô hình giả thuyết, ta phải suy ra được một hệ quả có thể quan sát được trong thực tế, sau đó tiến hành thí nghiệm để xem hệ quả rút ra bằng suy luận có phù hợp với thí nghiệm không.
Quá trình rút ra hệ quả thường áp dụng suy luận logic hay suy luận toán học. Cho nên, sự suy luận đó không đòi hỏi sự sáng tạo và thực tế có thể kiểm soát được. Vấn đề đòi hỏi sự sáng tạo ở đây là đề xuất được phương án kiểm tra hệ quả đã rút ra được. Để có thể đề ra được một phương án thí nghiệm kiểm tra, không những phải huy động những kiến thức vật lý đã có mà còn cả những kinh nghiệm đã có trong đời sống hàng ngày hay những môn học khác.
Trong loại bài tập sáng tạo này, ngoài việc vận dụng một số kiến thức đã học, phải có những ý kiến mới mẻ, độc lập, không thể suy ra một cách logic từ kiến thức đã học.
Có hai loại bài tập sáng tạo: bài tập thiết kế và bài tập nghiên cứu. Trong loại bài tập thiết kế đòi hỏi HS phải đề xuất một thiết bị bao gồm vẽ các bộ phận chính, sắp xếp chúng để thoả mãn yêu cầu tạo ra một hiện tượng vật lý nào đó. Trong loại bài tập nghiên cứu yêu cầu HS nghiên cứu để giải thích một hiện tượng mới gặp nào đó.