7. Bố cục luận văn
2.3.5. Các loại hình và sản phẩm du lịch văn hóa chủ yếu
2.3.5.1. Các loại hình du lịch văn hóa chủ yếu
Cho đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh hầu như chưa có một công trình hiện đại nào đủ sức thu hút khách tham quan. Đồng thời, do những hạn chế về mặt kinh tế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,… nên tỉnh cũng chưa đủ sức tổ chức các sự kiện âm nhạc, thể thao lớn cũng như nhiều sự kiện khác (các cuộc thi hoa hậu, liên hoan phim,…). Do
đó, loại hình du lịch văn hóa hiện đại của tỉnh vẫn chưa thể phát triển. Và trên thực tế, ở Tây Ninh hiện nay phổ biến loại hình du lịch văn hóa truyền thống bởi hầu hết các điểm, khu du lịch, lễ hội,… đều hoạt động dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống.
- Nhóm du lịch văn hóa truyền thống vật thể bao gồm các hình thức du lịch như:
+ Tham quan các di tích lịch sử cách mạng (Khu Di tích lịch sử văn hóa - Danh thắng và Du lịch núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa điểm Chiến thắng Tua Hai,…).
+ Tham quan, nghiên cứu các di tích văn hóa nghệ thuật (Tòa Thánh Cao Đài,
chùa Khmer - Kédol,…), các di tích khảo cổ (tháp cổ Bình Thạnh, tháp Chót Mạt,…),
Bảo tàng tỉnh Tây Ninh.
+ Tham quan, mua sắm tại khu kinh tế cửa khẩu (Siêu thị miễn thuế Mộc Bài), các làng nghề truyền thống kết hợp thưởng thức ẩm thực (bánh canh, bánh tráng Trảng
Bàng, muối ớt tôm,…).
- Nhóm du lịch văn hóa truyền thống phi vật thể gồm: các lễ hội tôn giáo, tín
ngưỡng (Hội xuân Núi Bà, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, Hội yến Diêu Trì Cung,…), lễ hội cách mạng (lễ hội Về nguồn tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, lễ hội Chiến thắng Tua Hai,…), thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ,…
2.3.5.2. Các sản phẩm du lịch văn hóa chủ yếu
Tây Ninh có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng cùng hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện. Đây là những điều kiện cần rất quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tại địa phương. Tuy vậy, cho đến nay ngoài du lịch tâm linh gắn với lễ hội, tín ngưỡng tương đối nổi trội thì các sản phẩm du lịch còn lại trên địa bàn đều chưa rõ nét, đơn điệu và trùng lặp. Một hạn chế khác là chất lượng sản phẩm du lịch không cao, chưa đủ sức hấp dẫn khách tham quan và cạnh tranh với các sản phẩm du lịch trong khu vực.
Du lịch tâm linh gắn với các lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa nghệ thuật:
Khoảng 10 năm trở lại đây, nền kinh tế nước ta có những bước tiến đáng kể, xã hội ngày càng văn minh, hiện đại song không vì thế mà nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân giảm đi. Tây Ninh là tỉnh có thành phần dân tộc đa dạng với nhiều tôn
giáo khác nhau, trên địa bàn cũng tồn tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để du lịch tâm linh trở thành sản phẩm du lịch văn hóa chủ lực của tỉnh trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian sắp tới.
Điểm tham quan đầu tiên mà phần lớn du khách thường chọn khi đến với Tây Ninh là núi Bà Đen, nhất là vào các dịp lễ tết như Hội xuân Núi Bà, lễ vía Bà,… Khi đến núi Bà, đa phần thanh niên và người trung niên lựa chọn hình thức leo núi, còn người lớn tuổi thường đi cáp treo để lên chùa Bà. Tất cả đều không nằm ngoài ước nguyện được viếng Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, cầu mong mọi sự bình an cho gia đình, người thân, bạn bè trong năm mới. Bên cạnh đó, du khách còn có thể đến tham quan Tòa Thánh Cao Đài - một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nằm trong khuôn viên nội ô huyện Hòa Thành. Hai lễ hội lớn nhất hằng năm diễn ra nơi đây là Đại lễ Vía Đức Chí Tôn và Hội yến Diêu Trì Cung. Đây là các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc và tôn giáo, hằng năm thu hút hàng triệu người từ mọi miền đất nước về dự, cúng bái và thưởng ngoạn cảnh quan. Ngoài ra, Tây Ninh còn có nhiều chương trình lễ hội mang màu sắc tâm linh khác cũng đã thu hút được đông đảo du khách thập phương đến tham dự như lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong, lễ cúng đình, đền, chùa,…
Du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử cách mạng:
Là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường nên ngoài một lượng lớn các khu di tích lịch sử cấp tỉnh, Tây Ninh hiện có rất nhiều khu di tích cấp quốc gia như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, núi Bà Đen, Căn cứ Xứ ủy Nam Bộ, Căn cứ Dương Minh Châu, địa đạo An Thới,… Đây là những nơi mà nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã từng sống và chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân ta. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến Địa điểm Chiến thắng Tua Hai - nơi diễn ra trận đánh mang tính lịch sử dẫn đến cuộc khởi nghĩa toàn miền Nam chống lại chế độ Mỹ - Ngụy thời bấy giờ. Sự phong phú của các di tích là điều kiện rất thuận lợi để Tây Ninh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng cho tỉnh nhà, đó là du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử cách mạng.
Đến với các khu di tích lịch sử - văn hóa, không chỉ được nghe thuyết minh về những tháng ngày đấu tranh oanh liệt của quân dân địa phương, du khách còn được tận mắt chứng kiến những hiện vật lịch sử, tham quan các khu tái hiện nơi sinh hoạt và chiến đấu của các đồng chí cán bộ Trung ương, các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng thời, du khách còn có cơ hội thưởng lãm và mua nhiều vật lưu niệm độc đáo được chế tác từ mảnh bom, vỏ đạn, hay nón tai bèo, khăn rằn,… là những vật dụng từng một thời gắn bó với chiến sĩ và nhân dân cả nước thời kháng chiến.
Sản phẩm du lịch này thường thu hút nhiều đoàn cán bộ, cựu chiến binh về thăm lại chiến khu xưa, nhất là vào các dịp lễ lớn trong năm. Các đoàn học sinh, sinh viên cũng thường đến tham quan, học tập nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh giữ nước hào hùng của cha ông. Về du khách quốc tế, chiếm số lượng không nhỏ vẫn là các cựu quân nhân Hoa Kỳ. Họ trở lại thăm chiến trường và hồi tưởng về một thời đã gieo rắc nỗi đau lên mảnh đất này, qua đó bày tỏ tình hòa hiếu giữa hai dân tộc, gác lại quá khứ để cùng hướng đến tương lai.
Du lịch tham quan, mua sắm tại khu kinh tế cửa khẩu:
Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía nam nước ta trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, thuộc địa phận xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu. Kể từ khi được đưa vào hoạt động vào tháng 10/2005, tuy trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng hệ thống siêu thị miễn thuế (GC, Winmart, Fuso,…) tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn là địa điểm hấp dẫn du khách đến tham quan, mua sắm vào những ngày nghỉ cuối tuần. Hàng hóa được bày bán ở đây rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là hàng Việt Nam. Đối tượng chính đến với Siêu thị miễn thuế Mộc Bài là khách tham quan, bà con tiểu thương từ khắp các tỉnh thành, đặc biệt là từ Tây Ninh và TP.HCM.
Du lịch thưởng thức ẩm thực:
Ngoài việc tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, tham gia lễ hội truyền thống,… thì thưởng thức ẩm thực cũng là một trải nghiệm không thể nào quên đối với khách du lịch khi đến vùng đất này. Tây Ninh vốn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, từ các loại đặc sản (ốc núi, thằn lằn núi Bà Đen) cho đến những món mặn (bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối ớt tôm, mắm chua,…), món ăn chay và các
loại trái cây (mãng cầu Bà Đen, mít nghệ,…). Thời gian gần đây, mạng lưới cửa hàng ăn uống trên địa bàn lại liên tục được mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng đảm bảo. Tất cả đã đáp ứng tốt nhu cầu ăn uống của thực khách sau những chặng đường dài, góp phần vào sự đa dạng của sản phẩm du lịch tại địa phương.
Du lịch làng nghề truyền thống:
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khá nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trong đó không ít làng nghề đã hơn trăm năm tuổi. Một số sản phẩm của các làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được khách hàng tiêu thụ với số lượng ngày càng tăng như bánh tráng phơi sương Trảng Bàng,
muối ớt chay và muối ớt tôm Tây Ninh. Khi đến tham quan làng nghề, khách du lịch
sẽ được tận mắt ngắm nhìn nhiều sản phẩm đa dạng, độc đáo được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn của những nghệ nhân nơi đây. Chẳng những vậy, khách tham
quan còn có cơ hội tự mình thử sức với các thao tác, công đoạn tưởng chừng như đơn
giản nhưng đầy thú vị của những người thợ thủ công. Tất nhiên, khi ra về mỗi du khách cũng không quên mua một vài sản phẩm làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn
bè. Tuy nhiên, ngoài làng nghề bánh tráng Trảng Bàng hiện được một số đơn vị kinh
doanh lữ hành hợp tác đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu thì hầu như các làng nghề còn lại vẫn chưa được khai thác phục vụ du lịch. Rõ ràng đây là một sản phẩm du lịch văn hóa có tiềm năng lớn của tỉnh nhưng lại phát triển chưa tương xứng do khâu quảng bá chưa được chú trọng.