6. Kết cấu của luận văn
3.2.3. Kiểu nhân vật
Về việc so sánh kiểu nhân vật thuộc type hôn nhân giữa người và thần linh ở hai thể loại, chúng tôi chủ yếu khai thác kĩ kiểu nhân vật người và nhân vật thần linh trong mối quan hệ hôn nhân giữa họ.
Đối với kiểu nhân vật người trong truyền thuyết, hầu hết là bậc vua chúa, quan lại kết hôn với thần linh. Trường hợp thần linh kết hôn với thường dân chỉ xuất hiện trong hai truyện: Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương; Sự tích Thần Thông, Cương Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương.
Nhưng nhân vật thường dân cũng là người có danh phận hoặc phẩm chất nổi bật. Truyện thứ nhất đã đề cập đến tình tiết Đức công là người vốn dòng dõi Hùng Vương. Truyện thứ hai thì miêu tả bà Hòe Lang, vợ sơn thần, là người phụ nữ nhân đức. Điều này cũng dễ hiểu bởi cốt lõi của truyền thuyết là sự ngợi ca, tôn vinh những vị phúc thần của dân tộc vì vậy nhân dân cũng có cái nhìn ngưỡng mộ đối với hôn nhân của họ. Thần linh đại diện cho tinh thần của cộng đồng vì vậy cuộc hôn nhân của họ cũng là vấn đề trọng đại, ở tầm quốc gia. Họ phải được kết hôn với những con người xứng đáng.
Nhân vật người thường kết hôn với thần linh trong cổ tích là chàng trai mồ côi, anh chàng đánh cá, chàng tiều phu, chàng trai nghèo,... Nhìn chung họ là những người nghèo khổ, chịu thiệt thòi trong xã hội. Tuy nhiên họ lại mang những phẩm chất tốt đẹp. Họ chăm chỉ làm lụng, sống hiền lành và nhân ái. Trong một trường hợp đó là truyện Từ Thức, nhân vật người là đối tượng ở bậc cao quý như quan lại. Và họ đã may mắn kết duyên vợ chồng với thần linh và có cuộc sống hạnh phúc. Có thể xem đó là một sự bù đắp, một phần thưởng xứng đáng mà người dân lao động dành cho họ.
Có thể thấy rằng truyền thuyết và cổ tích đều để cho mọi tầng lớp trong xã hội được kết hôn với thần linh. Điều này đã thể hiện đạo lí nhân gian đó là luôn ước
mong hạnh phúc cho tất cả mọi người, bất kể đó là người nghèo hay kẻ giàu, chỉ cần sống lương thiện thì xứng đáng hưởng hạnh phúc.
Tuy nhiên, so với cổ tích, sự xuất hiện của nhân vật người là bậc vua chúa trong truyền thuyết nhiều hơn. Bởi vì truyền thuyết có xu hướng ngợi ca công trạng của những vị thần linh đối với cộng đồng nên đặt cuộc hôn nhân của họ ở tầm quốc gia. Còn cổ tích thì ngược lại, nhân vật người được kết hôn với thần linh trong cổ tích chủ yếu là những thường dân bất hạnh nhưng phẩm chất tốt đẹp. Điều này cho thấy cổ tích luôn hướng trọng tâm vào sự bảo vệ công bằng và mơ ước hạnh phúc cho những con người có địa vị thấp bé trong xã hội.
Về kiểu nhân vật thần linh, ở truyền thuyết, chúng tôi xét ba khía cạnh: nguồn gốc, diện mạo và hành động.
Về nguồn gốc, họ là những vị thần linh chủ yếu sống ở cõi nước, còn được gọi là thủy thần (Sự tích bảy anh em Lương, Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh thời
Hùng Vương; Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương;…), những vị thần linh chủ yếu sống ở rừng núi, còn được gọi là sơn thần,
thần núi (Truyện núi Tản Viên; Sự tích Thần Thông, Cương Nghị, Hùng
Cường thời Hùng Vương;…), Những vị thần linh chủ yếu sống ở cõi trời, còn được gọi là nàng tiên, công chúa con trời (Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân
Võ thời Hùng Vương; Bà Chúa nghề tằm;…).
Về diện mạo, khi xuất hiện ở cõi trần, thần linh có thể xuất hiện trong hình dạng thật của mình hoặc nếu hóa thân trong kiếp người thì thần linh có thể mang hình dạng của con người hoặc con người có bề ngoài kỳ lạ. Những truyền thuyết thuộc kiểu truyện hôn nhân giữa người và thần linh không khắc họa chân dung của thần linh xuất hiện trong hình dạng thật của mình ở cõi trần. Khi hóa thân trong kiếp người, họ là những người có nhan sắc vượt trội so với người thường. Cũng có thể ở họ xuất hiện thêm đặc điểm lạ như trường hợp của ngài Dương công trong truyền thuyết Sự tích Dương công và Nguyệt Tinh công chúa: sau lưng có hai mươi tám vảy như vảy cá, trên trán có một cái sừng bằng thịt nhô lên, lòng bàn chân có bảy cái lông dài hơn một tấc,…
Về hành động, bằng những việc làm cụ thể và những hành động phi thường, thần linh đã giúp nhân dân thoát khỏi cái chết và có cuộc sống tốt hơn. Trong truyền thuyết Sơn Tinh đánh giặc, Sơn Tinh đã dùng phép thần để đánh đuổi quân Thục; Bà Chúa nghề tằm trong truyền thuyết cùng tên đã hướng dẫn nhân dân nghề tằm tang; bà Ả Lễ đã sinh ra những người con thần linh giúp vua trị thủy, đánh giặc (Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ giáng thế giúp dân, thần linh sẽ trở về quê hương của mình. Sự chấm dứt kiếp người của thần linh ở cõi trần thường được gọi là ngài hóa.
Thần linh còn là những vị thần ở cõi nước, cõi trời đầu thai ở trần gian làm người. Trong truyện Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương, Truyện thần Câu Mang thời Hùng Vương, thần linh sống ở cõi trời và
đầu thai ở trần gian. Trong truyện Sự tích bảy anh em Lương, Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh thời Hùng Vương, thần linh là con gái thủy cung, vì có tội nên
bị đầy lên trần gian.
Để tăng sức thuyết phục cho những câu chuyện và kéo thần linh sát lại với con người, nhân dân không chỉ để thần linh kết hôn với con người mà con lịch sử hóa họ. Bóng dáng của những vị nhiên thần trong thần thoại mờ nhạt dần để thay thế vào đó là những vị thần có tên tuổi, được con người sinh ra.
Ở cổ tích, khi tìm hiểu kiểu nhân vật thần linh, chúng tôi cũng lần lượt xét ba khía cạnh: nguồn gốc, diện mạo và hành động.
Về nguồn gốc, nhân vật thần linh trong cổ tích có nguồn gốc là những vị thần linh chủ yếu sống ở cõi nước, còn được gọi là thủy thần, công chúa thủy tề, nàng tiên cá (Anh đánh cá và công chúa thủy tề, Nàng tiên cá,…); Những vị thần linh chủ yếu sống ở cõi trời, còn được gọi là nàng tiên, con gái thần trời, (Sao Mai và Sao Hôm, Nàng tiên ốc, Từ Thức, Sự tích núi vàng,…).
Về diện mạo, họ có thể xuất hiện ở cõi trần trong lốt vật hay trong hình dạng thật của mình. Trong con mắt của người trần, hình dạng thật của thần linh gần giống với con người nhưng xinh đẹp hơn rất nhiều. Hình dạng của thần linh gần giống con người xuất phát từ tư duy của người nguyên thủy khi tưởng tượng ra lực
lượng siêu nhiên. Họ đã dùng thế giới của con người và con người để giải thích thế giới và con người siêu nhiên. Lốt vật của thần linh có hình dáng của con vật như cá, cua, ốc, thiên nga. Thần linh ở cõi nào thì mang lốt con vật thường sống ở cõi đó. Có thể thấy lốt vật là ranh giới giữa người và thần linh, nó cho thấy thế giới giữa người và thần linh không cách biệt quá xa. Những con người nghèo khổ, tội nghiệp nhưng ở hiền sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của thần linh. Đồng thời, lốt vật cũng là sự thử thách, thử lòng con người. Nó cảnh giác mọi người không nên vội đánh giá sự vật, hiện tượng mà chỉ dựa vào bề ngoài. Bản chất thật sự bên trong vẫn quan trọng hơn hình thức bên ngoài. Khi thần linh xuất hiện ở cõi trần thì thường ẩn trong lốt vật để không bị người trần phát hiện. Lúc cần thiết, thần linh có thể trút bỏ lốt vật để hiện hình dạng thật của mình.
Về hành động, đa phần khi sống ở cõi trần trong vai trò người vợ của con người, thần linh hành động như con người, không có khả năng đặc biệt, thậm chí không thể trở về quê hương của mình. Đó là trường hợp của nàng tiên trong truyện
Sao Mai và Sao Hôm, nàng bị người trần giấu xiêm y nên không thể về trời. Có thể thấy rằng truyền thuyết và cổ tích có sự giao thoa trong nguồn gốc của kiểu nhân vật thần linh. Đó là thần linh ở cõi trời hay ở cõi nước (tiên, con gái của vua trời, con gái vua thủy...). Những vị thần này thường xuống trần gian và mang lại điều tốt lành cho con người. Và dù xuất hiện ở dạng thức nào, họ cũng đều thể hiện vai trò phù trợ cho nhân dân. Những vị thần này thoát thai từ hình tượng nhân vật thần linh có trong thần thoại. Các vị thần linh có tính cách đơn giản một chiều. Mỗi vị thần đem lại một chiến công, một sự đóng góp cho xã hội loài người. Đặc điểm này mang tính kế thừa thần thoại. Trong thần thoại, những vị thần như thần Đất, thần Sét, thần Mưa, thần Sấm, thần Biển, thần Nước, thần Lửa,… đều thực hiện một chức năng, hành động riêng. Thần Đất cai quản cõi đất và có phép dời cát thay núi chỉ trong nháy mắt. Thần Sét chuyên trừng trị những kẻ gây tội ác cho con người,…
Về nét khác biệt, truyền thuyết xây dựng hình tượng những vị thần linh đầu thai, hóa thân trong kiếp người và nhờ công trạng phi thường mà họ được tôn thờ. Vì truyền thuyết muốn ngợi ca những đối tượng có công đối với cộng đồng, trở
thành biểu tượng tinh thần của cộng đồng, nên truyền thuyết có xu hướng lịch sử hóa thần linh. Không chỉ vậy, với cái nhìn ngưỡng vọng, người xưa đã kỳ ảo hóa để tô đẹp cho hình tượng. Hai khuynh hướng này đan bện vào nhau một cách khéo léo trong truyền thuyết và đã làm nên đặc thù cho thể loại này. Ở đây, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi trong nhận thức về hai thế giới: thần linh và con người của người xưa. Nếu trong thần thoại, hai thế giới này hòa trộn vào nhau thì giờ đây, khi trình độ con người phát triển hơn, hai thế giới này lùi xa dần. Để các đối tượng thuộc hai thế giới có thể tác hợp, để kết nối hai thế giới, yêu cầu phải có một điều kiện nào đó. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của nhân vật thần linh hóa thân trong kiếp người. Nhân vật thần linh trong truyền thuyết là những đối tượng có tầm vóc lớn lao, để lại những công trạng to lớn cho cộng đồng. Cổ tích thì chú ý xây dựng nhân vật thần linh có lốt vật để tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện. Không chỉ vậy, nhân vật thần linh trong cổ tích có chức năng hóa giải tình huống, thay đổi những kiếp sống của con người, giúp người xưa thực hiện ước mơ cho những đối tượng có phẩm chất tốt nhưng chịu nhiều bất công trong xã hội.
Qua sự so sánh truyền thuyết và cổ tích ở kiểu truyện hôn nhân giữa người và thần linh, chúng tôi nhận thấy hai thể loại có sự tương đồng và dị biệt ở ba phương diện: cốt truyện, hệ thống motif và kiểu nhân vật. Điểm giống và điểm khác nhau đó đã nói lên sự tương tác về mặt thể loại và nét đặc sắc của từng thể loại.
Tiểu kết chương:
Việc so sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh trên hai phương diện là motif chi tiết và motif chủ đề ở hai thể loại truyền thuyết và cổ tích đã giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về sự hiện diện, vai trò của chúng ở hai thể loại khác nhau. Với vai trò là motif chi tiết, motif hôn nhân giữa người và thần linh có vai trò quan trọng trong truyền thuyết hơn so với cổ tích. Với vai trò là motif chủ đề, tầm quan trọng của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cổ tích đậm nét hơn so với truyền thuyết. Điều này được lí giải bởi đặc trưng thể loại. Trọng tâm của truyền thuyết là hướng đến những vấn đề lớn của cộng đồng trong khi đó cổ tích lại ưu tiên cho những vấn đề của thân phận con người trong xã hội.
PHẦN BA: KẾT LUẬN
Từ việc triển khai đề tài Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam, chúng tôi thu được những kết quả sau:
Thứ nhất, motif hôn nhân giữa người và thần linh đã có những biểu hiện rất đa dạng ở hai thể loại. Hôn nhân giữa con người và thần linh đã cho thấy một quá trình vận động xã hội từ dã man sang văn minh. Trong truyền thuyết, motif này có hai dạng đó là: hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người; hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người. Trong cổ tích, motif này cũng xuất hiện dưới hai dạng đó là: hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật; hôn nhân giữa người và thần linh không có lốt vật. Trong mỗi dạng thức của motif lại tồn tại những kiểu hôn nhân khác nhau.
Thứ hai, hôn nhân là một nghi lễ quan trọng của đời người vì vậy nó đã làm nên bản sắc văn hóa cho mỗi dân tộc. Hôn nhân cũng là điều kiện để hình thành và duy trì sự tồn tại của xã hội. Đặc biệt khi đất nước gặp nguy biến, mỗi thành viên trong gia đình đều có tinh thần trách nhiệm rất cao. Đó là một biểu hiện cao đẹp của truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và góp phần là nên bản sắc văn hóa cho đất nước Việt Nam.
Thứ ba, motif hôn nhân giữa người và thần linh còn là nơi gửi gắm quan niệm thẩm mỹ và nhân sinh của người xưa. Xây dựng những cuộc hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết trên cơ sở đời sống hôn nhân của con người, người xưa đã kéo thần linh đến gần đời sống của con người để con người luôn nhận được sự bảo vệ từ họ. Không chỉ vậy, thần linh cũng rất gần gũi với con người nên họ cũng có một đời sống hôn nhân bình thường như loài người. Để con người kết hôn với thần linh, cổ tích muốn thực hiện ước mơ về một đời sống hạnh phúc, giàu sang cho những người bất hạnh nhưng phẩm chất tốt đẹp trong xã hội.
Thứ tư, sự so sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh ở truyền thuyết và cổ tích đã cho thấy sự chuyển hóa hay tương tác giữa hai thể loại.
Với vai trò là motif chi tiết, về dạng thức, motif hôn nhân giữa người và thần linh đã cho thấy điểm giống nhau ở hai thể loại đó là hôn nhân giữa người và thần
linh là điều tốt đẹp dành cho con người. Về sự khác biệt, có thể thấy hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết đa phần gắn với vấn đề lớn của cộng đồng còn ở cổ tích thì nó chủ yếu gắn với vấn đề đời thường, cá nhân. Về vai trò của motif đối với cốt truyện, motif hôn nhân giữa người và thần linh ở hai thể loại gặp nhau trong vai trò motif diễn biến; vai trò motif khởi đầu chỉ xuất hiện trong truyền thuyết trong khi vai trò motif kết thúc chỉ có mặt ở cổ tích. Với vai trò là motif chi tiết, motif hôn nhân giữa người và thần linh để lại dấu ấn đậm nét trong truyền thuyết hơn so với cổ tích. Đặc điểm này xuất phát từ đặc trưng thể loại.
Với vai trò là motif chủ đề ở hai thể loại trên ba bình diện: cốt truyện, hệ thống motif, kiểu nhân vật, chúng tôi nhận thấy truyền thuyết và cổ tích có sự giống nhau ở cốt truyện đơn tuyến, bắt đầu truyện với phần lai lịch nhân vật và triển khai phần kết hôn trên cơ sở phản ánh đời sống hôn nhân của con người. Sau phần kết hôn, truyền thuyết tập trung làm rõ công trạng phi thường của thần linh trong mối quan hệ hôn nhân với con người còn cổ tích thì miêu tả sự chung sống giữa con người và thần linh. Motif sinh nở thần kỳ, motif công trạng phi thường và nhóm motif về sự ra đi của thần linh chỉ xuất hiện ở truyền thuyết. Motif phá vỡ