Vai trò của motif đối với cốt truyện

Một phần của tài liệu motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích việt nam (Trang 69 - 72)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.2. Vai trò của motif đối với cốt truyện

Từ lý thuyết về motif, chúng tôi thấy motif có vai trò quan trọng đối với cốt truyện. Motif được xem như đơn vị hạt nhân của cốt truyện bởi từ motif mà cốt truyện có những biến hóa khác nhau. Mỗi cốt truyện sẽ thu hút các loại motif không hoàn toàn giống nhau. Do đó, một motif có những vai trò khác biệt trong từng cốt truyện.

Khi tìm hiểu mối quan hệ của motif đối với cốt truyện, Nguyễn Ngọc Thường trong bài viết Về mối quan hệ giữa môtíp và cốt truyện đã phân loại motif dựa theo cấu trúc. Theo ông, có ba loại motif đó là: motif khởi đầu (chứa đựng những yếu tố tạo thành tình huống cho sự hình thành cốt truyện, liên quan đến sự chuyển dịch và hoạt động của nhân vật, đảm bảo một lượng thông tin lớn cho tác phẩm và dẫn dắt cốt truyện), motif tình tiết (chứa đựng loại thông tin lớn, thông báo những sự kiện xảy ra trong giai đoạn trước và chỉ ra nguyên nhân xảy ra các hoạt động

sau, dẫn dắt cốt truyện), motif dẫn dắt (còn gọi là motif chuyển tiếp hay motif xâu chuỗi, dẫn dắt motif tình tiết theo một tuyến tính nhất định nhằm đạt đến một nội dung nhất định, cũng có thể chứa đựng sự kiện đóng vai trò chủ yếu, là chiếc cầu nối liền sự kiện với sự kiện, tạo điều kiện cho sự chuyển dịch nhân vật từ vị trí này sang vị trí khác). Qua khảo sát sự vận động của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong từng cốt truyện, tìm hiểu vai trò của motif đối với cốt truyện, chúng tôi có cách phân loại khác với Nguyễn Ngọc Thường. Dựa vào vị trí của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cấu tạo cốt truyện và vai trò của nó trong hệ thống sự kiện của cốt truyện mà chúng tôi có cách phân chia vai trò của motif đối với cốt truyện như sau:

Thứ nhất, motif khởi đầu là motif xuất hiện đầu cốt truyện và tạo tình huống cho sự triển khai cốt truyện.

Thứ hai, motif diến biến xuất hiện ở vị trí giữa cốt truyện và liên kết các sự kiện lại với nhau, giúp cốt truyện được liền mạch, dẫn dắt người đọc đi từ sự kiện này đến sự kiện khác. Nó là sự kiện nối tiếp sự kiện trước, mở rộng cho sự kiện trước và dẫn dắt người đọc đến sự kiện sau. Thiếu motif này cốt truyện không được trọn vẹn, hoàn thiện.

Thứ ba, motif kết thúc là motif xuất hiện ở cuối cốt truyện và khép lại câu chuyện.

Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết xuất hiện trong phần lớn truyền thuyết là ở cốt truyện nói về công trạng của thần linh như:

Sự tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương; Sự tích Anh Công, Dực Công thời Hùng Vương; Sự tích Cao Sĩ đời vua Hùng; Liễu Hạnh Tiên chúa,… Riêng với trường hợp truyền thuyết Truyện lái buôn phương Bắc giấu vàng, dựa vào diễn biến cốt truyện, chúng tôi xác định đây là cốt truyện nói về người phương Bắc tạo ra thần giữ của một cách độc ác.

Đối với những cốt truyện của truyền thuyết, motif hôn nhân giữa người và thần linh đảm nhận hai vai trò đó là: motif khởi đầu và motif diễn biến.

Motif khởi đầu xuất hiện trong Truyện đền thờ Trương Ba. Trong truyện này hôn nhân giữa thần Đế Thích và hai cô gái là tình tiết mở đầu để giới thiệu về thần

Đế Thích và dần dắt câu chuyện đi đến sự kiện sau đó là cuộc gặp gỡ giữa Đế Thích và Trương Ba.

Trong truyện Sự tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương, sự kiện hôn nhân giữa Sơn Tinh và Mỵ Nương là một tình tiết quan trọng của cốt truyện, gắn với bối cảnh lịch sử - xã hội của đất nước dưới thời đại Hùng Vương. Sơn Thánh kết thân với các vị thánh, là bậc thân vương của vua, nhờ mối quan hệ hôn nhân với Mỵ Nương mà Sơn Thánh tiến cử các tướng tài, cùng họ đánh giặc. Vai trò này của motif tồn tại trong các cốt truyện về thần linh Sự tích Nhạc Sơn Cư Sĩ thời Hùng Vương, Sự tích Cao Sĩ đời vua Hùng,…

Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết xuất hiện với vai trò là motif diễn biến được sử dụng nhiều hơn vai trò là motif khởi đầu.

Trong cổ tích, motif hôn nhân giữa người và thần linh có mặt trong những cốt truyện đó là: sự bất nghĩa của người bạn (Của thiên trả địa); sự bất công của

người anh đối với em (Hai anh em khác họ); chàng dũng sĩ tài ba (Chàng Sính).

Trong những cốt truyện của cổ tích, những vai trò của motif hôn nhân giữa người và thần linh gồm có:

Thứ nhất, vai trò là motif diễn biến. Motif hôn nhân giữa người và thần linh xuất hiện trong cốt truyện về sự bất nghĩa của người bạn (Của thiên trả địa); sự bất công của người anh đối với em (Hai anh em khác họ). Motif này diễn tả sự thay đổi trong cuộc đời nhân vật thiệt thòi và dẫn dắt người đọc sang phần sau của câu chuyện đó là sự trừng phạt kẻ xấu. Trong truyện Của thiên trả địa, anh Địa từ hoàn cảnh là một người nghèo khổ, bị lừa gạt đã cưới được tiên và trở nên giàu có. Còn kẻ xấu xa như anh Thiên thì phải chịu cảnh nghèo đói.

Thứ hai, vai trò là motif kết thúc. Trong cốt truyện về chàng dũng sĩ tài ba, sau những chiến công của chàng dũng sĩ, motif hôn nhân giữa người và thần linh là sự ban thưởng đối với họ và đã khép lại câu chuyện một cách có hậu. Người dũng sĩ được kết hôn với người xứng đáng và sống hạnh phúc. Trong truyện Chàng Sính,

trải qua chặng hành trình tiêu diệt thuồng luồng, diệt quạ bắt con gái thần trời, chàng Sính đã được cưới con gái thần trời và sống ở cõi trời.

Motif hôn nhân giữa người và thần linh xuất hiện với vai trò motif diễn biến nhiều hơn vai trò motif kết thúc.

Đối chiếu vai trò của motif hôn nhân giữa người và thần linh đối với cốt truyện ở hai thể loại truyền thuyết và cổ tích, chúng tôi nhận thấy hai thể loại này gặp gỡ nhau ở vai trò là motif diễn biến của motif hôn nhân giữa người và thần linh. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng trong vai trò là motif diễn biến của motif hôn nhân giữa người và thần linh ở cả hai thể loại. Bên cạnh đó ở truyền thuyết còn có thêm vai trò là motif khởi đầu còn ở cổ tích thì đảm đương thêm vai trò motif kết thúc. Sự xuất hiện với tỉ lệ cao hơn trong vai trò là motif chi tiết ở truyền truyết so với cổ tích đã giúp chúng tôi khẳng định motif hôn nhân giữa người và thần linh có tầm quan trọng về mặt cấu tạo cốt truyện đối với thể loại truyền thuyết ở phương diện motif chi tiết hơn so với cổ tích. Điều này đã làm nên nét đặc trưng cho thể loại. Vì phải hướng tới những vấn đề lớn lao của cộng đồng, truyền thuyết không có điều kiện tập trung cho những vấn đề của đời sống cá nhân con người như cổ tích. Tuy nhiên, ở phương diện là motif chi tiết, nó vấn chi phối rất mạnh đối với cốt truyện của truyền thuyết. Thiết nghĩ, vấn đề hôn nhân là một vấn đề quan trọng không chỉ đối với con người mà còn đối với xã hội vì vậy motif này vẫn gắn chặt với cốt truyện của truyền thuyết. Bên cạnh đó, tuy đề cập đến thần linh nhưng đây là những vị thần sống ở cõi trần, gần gũi với con người, có mối quan hệ mật thiết với họ nên chuyện hôn nhân cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với thần linh. Còn ở cổ tích, thể loại này tập trung vào vấn đề đời sống cá nhân mà trong đó hôn nhân là một sự kiện quan trọng đối với cuộc đời con người. Thế nên motif hôn nhân giữa người và thần linh phát triển thành type trong thể loại này mạnh mẽ hơn so với truyền thuyết.

Một phần của tài liệu motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích việt nam (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)