Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người

Một phần của tài liệu motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích việt nam (Trang 33 - 39)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người

Trong dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh biểu hiện thành hai nhóm hôn nhân và một số kiểu hôn nhân khác tồn tại rải rác trong một số truyện. Dưới đây chúng tôi lần lượt mô tả chúng.

Dạng hôn nhân này xuất hiện trong các truyền thuyết như: Sự tích bảy anh em

Lương, Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh thời Hùng Vương; Truyện thần Câu Mang thời Hùng Vương; Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương; Sự tích Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba Đại vương thời Triệu Vũ Đế; Sự tích Doãn công dẹp giặc Tô Định; Bà Chúa nghề tằm.

Trong những truyện trên, thần linh thường kết hôn với bậc vua quan hoặc những người có danh phận trong xã hội (dòng dõi Hùng Vương, con gái của thầy dạy học). Vì thần linh là lực lượng siêu nhiên thiện được con người tôn thờ nên nhân dân đã để họ kết hôn với những người xứng đáng. Hơn nữa, nhờ những cuộc hôn nhân này mà thần linh có thể giúp đỡ con người nên để thần linh kết duyên với những người có danh vị trong xã hội cũng là cách để tôn vinh mối nhân duyên này. Tuy hóa thân trong kiếp người nhưng đa phần thân phận thần kỳ của thần linh đã được hé mở bởi chính thần linh hoặc thông qua giấc mộng kỳ lạ của con người. Chính vì thế, cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh hóa thân trong kiếp người có sự hòa trộn giữa thực và ảo, tạo nhiều lôi cuốn.

Hầu hết các truyện, sau khi kết hôn, thần linh đã sinh cho con người những vị thần linh mới để giúp đỡ con người chống giặc ngoại xâm. Chỉ riêng trường hợp truyện Sự tích Doãn công dẹp giặc Tô Định và Bà Chúa nghề tằmlà thần linh trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Ở bình diện nào, những đóng góp của thần linh thông qua cuộc hôn nhân với con người đều rất đáng được coi trọng. Qua đây, nó đã thể hiện sự đa dạng trong những cách thức trợ giúp của thần linh dành cho con người.

Qua nhóm hôn nhân này, chúng tôi còn thấy trong xã hội, những bậc vua chúa có quyền lực rất cao ở mọi lĩnh vực nói chung, việc hôn nhân nói riêng. Vua có quyền chọn bất cứ ai làm vợ và có quyền được cưới nhiều vợ. Phương Dung đã tình cờ gặp Hùng Huy Vương và được vua lập làm hoàng hậu (Sự tích hai hoàng

tử Bảo Quốc Chân Võ thời Hùng Vương), Niệm nương được Hùng Nghị Vương chọn làm Đệ nhất Cung phi (Truyện Thần Câu Mang thời Hùng Vương).

Kết thúc những cuộc hôn nhân này, gia đình con người – thần linh phải chia rẽ vì thần linh và con của họ dù thành công hay thất bại trước kẻ thù xâm lược thì cũng đã hoàn thành nghĩa vụ giáng thế hộ dân. Nên sau đó họ trở về thế giới của

thần linh. Kết thúc này đã cho thấy sự tương thông và cách biệt giữa hai cõi trần gian và thần tiên trong tâm thức dân gian.

Tóm lại, nhóm hôn nhân này đã cho thấy con đường thần linh hỗ trợ con người và vai trò của hôn nhân – gia đình đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước. Đằng sau đó còn là nguyện vọng kéo sát thế giới thần linh đến gần hơn thế giới thế tục của con người trong một thực tại còn nhiều lo sợ và mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ thế lực thần kỳ.

Dưới đây là mô hình hôn nhân:

Thần linh kết hôn với con người

Thần linh giúp đỡ con người chống ngoại xâm

Sinh ra thần linh mới Trực tiếp chống kẻ thù

Thần linh trở về thế giới của thần linh

2.1.1.2. Nhóm hôn nhân: Thần linh có công với đất nước được kết hôn với bậc

vua chúa

Dạng hôn nhân này xuất hiện trong các truyền thuyết: Sự tích Dương Công và

Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương, Người con gái núi Tam Đảo, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương, Võ Trung và Võ Quốc, Sự tích núi Ngũ Hành.

Ở dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh anh hùng còn là kết quả của sự ban thưởng đối với thần linh sau những công trạng họ đã mang lại cho đất nước như chiến thắng ngoại xâm, cứu nhân dân thoát khỏi bệnh tật,.... Và những cuộc hôn nhân như vậy thường được tiến hành sau khi việc nước tạm yên. Vì hôn nhân là một sự kiện trọng đại trong đời người, những cuộc hôn nhân ở tầm quốc gia lại càng quan trọng hơn nên cần điều kiện tốt để tiến hành.

Đối tượng kết hôn của thần linh anh hùng là những con người xuất sắc, ở địa vị cao trong xã hội. Những con người đó thuộc dòng dõi vua quan. Vì đây là những cuộc hôn nhân nhằm khích lệ tinh thần và thắt chặt hơn mối quan hệ giữa con người với thần linh.

Những truyền thuyết chứa dạng hôn nhân này đã cho thấy những người ở địa vị cao, có quyền lực trong xã hội như bậc vua chúa có quyền ấn định hôn nhân cho người dưới quyền. Như vậy, khi xuất hiện ở cõi trần trong thân phận con người, thần linh cũng đã tuân thủ mọi sự vận hành của xã hội loài người.

Trong những cuộc hôn nhân dạng này, sự chủ động kết hôn và sắp xếp cuộc hôn nhân thuộc về con người. Điều đó đã cho thấy ý thức cao của con người về vai trò của hạnh phúc hôn nhân trong đời sống cá nhân nói riêng, trong sự nghiệp bảo vệ quốc gia nói chung. Trước khi kết hôn, con người có thể biết đối tượng trong hôn nhân là thần linh hóa thân trong kiếp người hay chỉ nhận thức đó là những bậc tài giỏi trong thiên hạ. Song về cơ bản, sự chủ động trong những cuộc hôn nhân này đã cho thấy khát vọng có được những cuộc hôn nhân đẹp. Đây cũng là khát vọng muôn thuở của con người.

Vì những cuộc hôn nhân này là do đối tượng ngoài hôn nhân sắp xếp, quyết định với tính chất ban tặng cho người có công đối với cộng đồng nên những truyền thuyết thuộc dạng hôn nhân này không tập trung đi sâu vào đời sống hôn nhân giữa thần linh và con người như những dạng hôn nhân khác.

Tạo nên những cuộc hôn nhân này, có thể thấy những bậc vua quan bên cạnh việc muốn ban thưởng cho những người có công còn nhằm thiết lập mối quan hệ mật thiết với họ để nhận được sự hỗ trợ từ họ về dài lâu. Trong những truyền thuyết như Sự tích Dương Công và Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương,

Võ Trung và Võ Quốc, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương, sau khi kết

hôn với con người, thần linh tiếp tục sống ở cõi trần và giúp đỡ con người chống ngoại xâm. Có thể thấy những cuộc hôn nhân dạng này có vai trò quan trọng đối với đất nước và nó nằm trong đường lối chính trị của các bậc vua chúa. Việc lấy hôn nhân để phục vụ chính trị đã từng được nhiều bậc vua chúa thực hiện. Những

cuộc hôn nhân trong lịch sử Việt Nam như giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ, các vua chúa gả công chúa cho các tù trưởng miền núi,… đã thể hiện rất rõ điều đó.

Sau khi kết hôn, hoàn thành sứ mệnh giúp đỡ thế giới con người, thần linh sẽ đưa con người trở về thế giới của thần linh (Sự tích Dương công và Nguyệt Tinh

công chúa, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương). Cũng có thể thần linh và con người sống ở thế giới con người (Người con gái núi Tam Đảo, Sự tích

núi Ngũ Hành). Trong truyền thuyết Võ Trung và Võ Quốc, gia đình con người

– thần linh li tán vì thần linh trở về thế giới của mình. Như vậy, đa phần kết thúc của những cuộc hôn nhân dạng này đều có hậu.

Dưới đây là mô hình hôn nhân:

Thần linh có công với đất nước

Được kết hôn với bậc vua chúa

Trở về thế giới của thần linh Chia rẽ Sống ở thế giới của con người

2.1.1.3. Một số kiểu hôn nhân khác

Ngoài hai nhóm hôn nhân trên, ở dạng hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người còn có một số kiểu hôn nhân khác xuất hiện trong từng truyện đơn lẻ. Đó là truyền thuyết Liễu Hạnh Tiên chúa Truyền thuyết về Thiên Ya Na.

Trong truyện Liễu Hạnh Tiên chúa, nàng Tiên chúa trên trời đầu thai làm cô gái Giáng Tiên – con của người trần. Sau đó nàng cũng cưới chồng, sinh con và hết thời gian sống ở cõi trần thì nàng mất, trở về cõi thần linh. Nhưng từ đây, thần linh cũng thường hiển linh ở cõi trần để giúp đỡ con người. Như vậy, trong trường hợp này, cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh là biểu hiện tiêu biểu của kiếp người của thần linh khi họ phạm tội ở thế giới của mình và bị đầy xuống trần gian.

Dưới đây là mô hình hôn nhân:

Thần linh kết hôn với con quan

Hết hạn sống ở cõi trần nên mất

Thường hiển thánh giúp đỡ nhân dân

Truyền thuyết về Thiên Ya Na là trường hợp duy nhất của dạng thức hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người mà thần linh kết hôn với người ở đất nước khác. Cuộc hôn nhân này mang tính chất tình cờ nên đã ngợi ca chữ duyên trong hôn nhân. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không kéo dài khi nữ thần nhớ cha mẹ, quê hương và quyết định trở về đất nước của mình. Có thể thấy rằng người Việt đã gửi tâm thức gia đình vào dạng hôn nhân này. Bởi họ rất coi trọng và gắn chặt cuộc đời mình với quê hương xứ sở. Họ vẫn luôn nhắc nhở nhau từ những lời ca ngàn xưa: Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Một điều đáng lưu ý khác ở dạng hôn nhân này đó là đây là dạng hôn nhân hiếm có trong motif hôn nhân giữa người và thần linh mà ở đó thần linh đã giết người kết hôn với mình. Vì đi tìm bà Thiên Ya Na mà thái tử biển Bắc đã sát hại dân chúng nên bà đã tiêu diệt hắn. Điều này đã cho thấy bản chất mạnh mẽ, quyết liệt của thần linh trong vai trò bảo vệ điều thiện, che chở cho nhân dân. Thế nên người dân đã vô cùng tin cậy vào sự linh ứng và tôn thờ họ.

Dưới đây là mô hình hôn nhân:

Thần linh kết hôn với con người xứ khác

Trở về quê hương giúp đỡ nhân dân

Tóm lại, qua tìm hiểu dạng thức hôn nhân giữa con người và thần linh hóa thân trong kiếp người, chúng tôi nhận thấy có hai nhóm hôn nhân và hai kiểu hôn nhân khác. Trong dạng thức này, khi thần linh hóa thân trong kiếp người và được tác hợp với con người, thần linh tuân theo mọi sự vận hành trong xã hội loài người. Hai nhóm hôn nhân: Gia đình con người – thần linh chống ngoại xâm; thần linh có công với đất nước được kết hôn với bậc vua chúa giống nhau ở đặc điểm là hôn nhân có ý nghĩa đối với vấn đề của cộng đồng. Còn hai kiểu hôn nhân khác nghiêng về cuộc đời của thần linh ở cõi trần nhiều hơn.

Một phần của tài liệu motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích việt nam (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)