6. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật
Trong dạng thức này có nhóm hôn nhân: con người may mắn kết hôn với thần linh và một kiểu hôn nhân đơn lẻ. Dưới đây, chúng tôi lần lượt mô tả chúng.
2.2.1.1. Nhóm hôn nhân: con người may mắn kết hôn với thần linh
Những cổ tích chứa dạng hôn nhân này gồm các truyện như: Anh đánh cá và công chúa Thủy tề, Nàng tiên ốc, Duyên tiên, Cưới vợ Mường Trời, Ông Trạng lấy rùa,…
Người trần kết duyên với thần linh là những người bất hạnh nhưng có phẩm chất tốt. Họ may mắn gặp được thần linh. Công chúa thủy phủ đội lốt cá và bị sa lưới của bố con chàng đánh cá (Cô gái con thần nước mê chàng đánh cá). Sau sự gặp gỡ đó, lốt vật của thần linh đã bị phá vỡ. Sự phá vỡ này là do con người hoặc chính thần linh tự trút lốt. Chàng trai mồ côi đã đập tan vỏ ốc của nàng tiên ốc (Nàng tiên ốc). Trong những truyện như Chuyện tình ở núi non nước, Duyên
tiên, Nàng tiên cá,… công chúa con vua thủy đã tự trút bỏ lốt cá. Sau khi lốt vật của thần linh bị phá vỡ, con người và thần linh kết hôn với nhau.
Sau khi kết hôn, con người và thần linh có thể chung sống hạnh phúc ở thế giới của con người (Nàng tiên ốc) hoặc thế giới của thần linh (Anh đánh cá và công
chúa thủy Tề).
Nhưng cũng có thể cuộc hôn nhân của họ gặp biến cố (Duyên tiên, Cưới vợ
Mường Trời). Những kẻ gây ra biến cố là lực lượng siêu nhiên mà cụ thể hơn là cha của thần linh. Trong truyện Duyên tiên,… vua thủy – cha của thần linh đã tìm cách phá hoại cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh. Tình tiết này đã nói lên cái nhìn thực tế hơn của người xưa về cuộc hôn nhân thần kỳ. Những khó khăn
xuất phát từ sự khác biệt giữa hai thế giới con người và thần linh như điều tất yếu xảy ra. Tuy nhiên, kết thúc những truyện trên, gia đình con người – thần linh đã vượt qua hoạn nạn. Nhờ sự đồng lòng, quyết gìn giữ gia đình con người – thần linh cũng như sự giúp đỡ của nhân dân mà lực lượng siêu nhiên đã thất bại trong âm mưu chia rẽ con người và thần linh. Cuối cùng, trải qua biến cố, con người và thần linh đều được đoàn tụ. Tất cả câu chuyện thuộc dạng hôn nhân này đều kết thúc có hậu. Biến cố trong hôn nhân là chi tiết khẳng định, nhấn mạnh hơn cho ước muốn mạnh mẽ của con người về đời sống hôn nhân kỳ diệu, hạnh phúc.
Qua dạng hôn nhân này, có thể thấy rằng lốt vật của thần linh là ranh giới, sự trở ngại trong cuộc hôn nhân giữa người và thần linh. Sự phá bỏ nó là điều kiện cần trong mối quan hệ hôn nhân giữa người và thần linh xuất hiện ở cõi trần trong lốt vật.
Những mối quan hệ hôn nhân giữa người và thần linh ở dạng thức này hầu hết có kết cấu rất đơn giản (tỉ lệ số truyện không có phần thử thách sau khi kết hôn: 5/7 truyện, tỉ lệ số truyện có phần thử thách: 2/7 truyện).
Người trần bất hạnh, phẩm chất tốt
May mắn gặp thần linh
Lốt vật của thần linh bị phá vỡ
Do thần linh Không phải do thần linh Kết hôn
Chung sống hạnh phúc Biến cố Đoàn tụ
2.2.1.2. Kiểu hôn nhân đơn lẻ
Bên cạnh nhóm hôn nhân: con người may mắn kết hôn với thần linh nêu trên, trong dạng thức hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật còn có một kiểu hôn nhân đơn lẻ xuất hiện trong truyện Chàng Amã Ja-Arèq.
Tình huống hôn nhân của kiểu hôn nhân này mở đầu bằng việc con người giúp đỡ cha của thần linh. Sau đó, thần linh đã giấu mình trong lốt vật để ngầm giúp đỡ con người. Nhưng thần linh đã bị con người phát hiện và xin kết hôn. Thần linh nhận lời và họ cùng chung sống ở thế giới của con người. Khi sống ở trần gian, gia đình con người – thần linh đã đối mặt với kẻ phá hoại hạnh phúc, sự bình yên của gia đình họ nói riêng và của nhân dân nói chung. Lúc này thần linh đã dùng khả năng phi thường của mình để bảo vệ hạnh phúc của gia đình và nhân dân. Trong truyện Chàng Amã Ja – Arèq, việc nàng tiên Vala cùng chồng chống lại tên vua tham lam đã thể hiện sự chống trả của tầng lớp thấp bé trong xã hội đối với lực lượng thống trị. Ở truyện này, mối hôn nhân giữa con người và thần linh mở đầu với sự giúp đỡ của con người dành cho thần linh và diễn biến với sự hỗ trợ của thần linh dành cho con người. Điều này đã thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa hai cõi thế tục và thần tiên.
Con người giúp đỡ cha của thần linh
Thần linh ẩn trong lốt vật, giúp đỡ con người
Con người phát hiện, xin kết hôn
Kết hôn
Cùng sống ở thế giới của con người
Thần linh giúp con người vượt qua khó khăn
Hạnh phúc
Sự kết hôn và đời sống hôn nhân giữa con người và thần linh cũng diễn ra giống như phong tục, lối sống của người trần gian. Việc cưới xin thường trải qua ít nhất là hai bước. Đó là lễ ăn hỏi và lễ cưới. Theo nguyên tắc, để đi đến lễ ăn hỏi trước đó phải có sự đồng ý giữa hai bên gia đình. Lễ ăn hỏi là hình thức nhà trai mang lễ vật đến nhà gái để xin phép cho con trai họ được lấy con gái của nhà gái làm vợ. Lễ cưới là hình thức công bố với gia tộc, họ hàng và bà con láng giềng về sự kết hôn chính thức. Lễ cưới thường được tổ chức khá linh đình. Nghi lễ hôn nhân giữa người và thần linh trong những truyện kể trên đã diễn ra đúng với phong tục, tập quán hôn nhân của người Việt. Trong hôn nhân, cha mẹ có quyền quyết định cho con cái thế nên người con gái trong truyện Ông Trạng lấy rùa đã yêu cầu chàng trai muốn kết duyên với mình đến gặp cha mình để xin phép. Tập quán “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” không chỉ có tại Việt Nam mà còn tồn tại ở rất nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Brunei, Cămpuchia,... Cho đến ngày nay, ở một số dân tộc, tuy không nhiều nhưng vẫn có những gia đình bố mẹ đi tìm và quyết định người chồng tương lai cho con mình.
Trường hợp thần linh mang lốt vật kết hôn với con người và họ đã cùng nhau sống hạnh phúc ở thế giới của thần linh đã cho thấy hạnh phúc của con người
được xây dựng ở một thế giới khác, nằm ngoài xã hội hiện thực còn nhiều bất công. Thế giới đó chính là thế giới ước mơ mà người xưa luôn hướng tới trong những câu chuyện cổ tích. Điều này đã cho thấy cách nhìn, cách kiến giải cuộc sống của người xưa. Con người khó có thể sống hạnh phúc ở cõi trần thế đầy bất công mà phải tìm nó ở thế giới khác.
Nhưng cũng có trường hợp thần linh mang lốt vật kết duyên cùng con người và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no trên trần gian. Họ đối mặt với thử thách và chiến thắng những thử thách đó để mãi mãi bên nhau. Như vậy, ước mơ về một cuộc sống hoàn hảo được thực hiện ngay trên thế gian chứ không cần phải là ở một thế giới xa xôi nào khác. Ước mơ này đã cho thấy một tinh thần rất mạnh mẽ trước hiện thực còn nhiều bất công của người xưa.
Tóm lại hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật là những cuộc hôn nhân may mắn. Vì ở đó thần linh tình cờ gặp con người, đề nghị được kết hôn với con người. Có thể thấy rằng sự may mắn này là phần thưởng dành cho những người tốt, ở hiền gặp lành. Đời sống hôn nhân giữa người và thần linh diễn ra bình thường như cuộc sống của con người ở trần gian từ việc cưới hỏi, sính lễ cho đến lúc chung sống. Ở dạng đơn giản, sau khi kết hôn câu chuyện khép lại trong cảnh sống hạnh phúc. Trường hợp phức tạp hơn là con người và thần linh phải đối mặt với những biến cố, thử thách. Kết thúc đoàn tụ là mơ ước hạnh phúc của dân gian cho những người tốt, chịu nhiều bất công trong xã hội.