Không gian căn buồng

Một phần của tài liệu hình tượng nam nhi trong sáng tác của trương hiền lượng (Trang 91 - 95)

8. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Không gian căn buồng

Không gian trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng là kiểu không gian dồn ép, đóng khung mọi cảm giác, nhận thức của con người trong một căn phòng bức bí, chật hẹp. Chúng ta bắt gặp kiểu không gian này trong tác phẩm Hóa thân của Kafka,

Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner, Bút kí dưới hầm của Dostoiveski… Không gian căn buồng là một kiểu không gian riêng tư, cá nhân là nơi nhân vật thể hiện sự suy ngẫm của mình về cuộc sống. Căn buồng là nơi diễn ra những khát khao với biết bao những cái hằng ngày vặt vãnh, tầm thường, vô vị. Trương Hiền Lượng đã phản ánh chân thật cuộc sống tù đọng, ngột ngạt đến mức không thể chịu đựng nỗi. Không gian căn buồng như một sợi dây vô hình trói buộc những con người lại với nhau.

Hải Nam cảm nhận ngay tại căn nhà mình, căn buồng mình, “lạnh như băng. Thời tiết đã sang hè, tuy về đêm gió hiu hiu nhưng vẫn ấm, vậy thì cảm giác lạnh lẽo này ở đâu ra?Có lẽ thấm ra từ xương tủy” [25, tr.87]. Thời tiết sang hè, đúng lí ra phải oi bức, nóng nực, vậy mà căn buồng ngủ của Hải Nam và Trần Bảo Thiếp vẫn mang một không khí lạnh lẽo bao trùm, do thời tiết hay do chính sự cảm nhận của

90

con người. Khi kết hôn, khoảng cách giữa hai người càng xa, Trần Bảo thiếp luôn “nhốt” mình trong thư phòng làm việc đến tận mười hai giờ đêm, còn Hải Nam không thể cảm cho việc làm của chồng, phòng ngủ cũng chỉ là nơi để ngủ khi đến giờ. Họ trở nên quẩn quanh, cô đơn ngay chính tại căn buồng của mình.

Không gian căn buồng cũng là nơi chứng kiến khá rõ những suy nghĩ của nhân vật, “anh ngồi ngay xuống giường, cố ý nhai thật kêu những miếng bích qui khô khốc. Anh muốn khiến cô phải chú ý, chồng đi làm suốt ngày, về nhà không có cơm ăn, đấy là cái vô trách nhiệm của người vợ. Nhưng La Hải Nam không chú ý che đậy chút dửng dưng đối với anh, đưa tay che miệng ngáp một cái dài mệt mỏi” [25, tr.374]. Đây là cuộc giao tiếp không bằng lời mà bằng cử chỉ, những giao tiếp như thế này diễn ra khá thường xuyên giữa Trần Bảo Thiếp và Hải Nam. Nếu nói ra mọi bực dọc trong người, nói ra hết mọi cảm nhận thì mọi thứ sẽ vô cùng trở nên tẻ nhạt và vô vị. Trần Bảo Thiếp bực bội trước sự dửng dưng, thiếu quan tâm của Hải Nam, một điều mà bất cứ một người vợ nào cũng hiểu nhưng Hải Nam thì không: “Trần Bảo Thiếp từ hành lang trở về phòng ngủ, mặt khó đăm đăm, nằm xuống cạnh cô, tắt đèn bàn. Vợ chồng dù tình cảm không hòa hợp vẫn có một lồng điện cảm ứng sinh vật thu nhận được thông điệp tình cảm của đối phương, huống chi bây giờ Trần Bảo Thiếp đang rất không vui” [25, tr.375].

Không gian căn buồng chìm ngập trong bầu không khí vắng lặng đến kinh người, Hải Nam muốn thi gan cùng với anh: “hàng ngày anh đã bao lần khiến tôi hết chịu nổi. Còn anh chỉ riêng chiều hôm nay là ăn uống chẳng ra gì thôi” [25, tr.376]. Tình cảm của họ rơi vào trạng thái căng thẳng, dây thần kinh như căng ra. Không gian chật hẹp, bất di bất dịch của căn buồng quạnh quẽ đã đẩy sự cô đơn của con người lên đến cùng cực.

Nhân vật của Trương Hiền Lượng miên man trong những trăn trở, nhân vật cứ nằm ngay trên giường mà suy nghĩ: “Hải Nam vô cùng bực bội, mồ hôi vã ra khắp người, nhớp nháp trên da thịt vừa nóng lại vừa lạnh, khiến cô không tài nào chịu nổi nữa… sau đó cô tụt xuống khỏi ngường, quẳng chiếc đồng hồ lên sôfa trong phòng khách rồi mới quay về ngủ. Vẫn không sao ngủ được, mắt cô mở to, dường như đang

91

gắng sức nhìn cho rõ cái gì đó đang ẩn náu trong căn buồng ngủ tối tăm này. Nhưng chẳng có gì mới lạ, có chăng là cảm nhận kì diệu trong lòng cô mà thôi” [45, tr.377].

Không gian căn buồng cũng chính là không gian suy tưởng để chạm sâu hơn vào quá trình suy nghĩ của nhân vật. Chiếc giường chao đảo như chính tâm trạng của hai người. Căn buồng gợi lên một mớ u buồn, căn buồng chứng kiến một mảng màu trong bức tranh cuộc sống muôn màu của họ. Căn buồng ẩn chứa khát khao của Hải Nam: “trong phòng ngủ tối om,ánh mắt cô sáng long lanh, khác nào ánh mắt mèo ngồi rình ngoài hang chuột hưng phấn, xúc động, căng thẳng, thèm khát và sẵn sàng nhai ngấu tất cả

[25, tr.379], cô cảm thấy dục vọng bị kích thích và tâm lí của cô đang ở trạng thái không cân bằng, cô cảm thấy cuộc sống vô cùng tẻ nhạt và ngao ngán.

Cũng chính tại không gian căn buồng, nhân vật của Trương Hiền Lượng phải đối diện với những cái phàm tục của cuộc sống: “một thứ khác là không gian, không gian này quả là lộn mửa quá, là thứ không gian không thích ứng cho sinh tồn, chứ đừng nói tới sáng tạo ra sản phẩm tinh thần. Tồn tại của con người quyết định ý thức của người ta, trong không gian tồn tại này không thể viết được những tác phẩm có sắc màu tươi đẹp. Ẩm thấp, mùi hôi mốc, vết nứt dữ dằn, rùng rợn, sự hoành hành ngang ngược của chuột và gián trong cái không gian này, lại còn xà nhà không mái cứ rào rào rơi đầy đất cát nữa, tất cả đều thủ tiêu hết mọi tứ thơ” [25, tr.462]. Thạch Nhất Sĩ là một nhà văn có tài và khát vọng cao đẹp, anh muốn cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Hơn hai năm trước khi anh mới dọn tới đây ở, so với lò than và dãy nhà đất thì nơi đây cũng xem ra tạm được nhưng giờ đây trong anh, căn buồng này đã khiến anh hết chịu nỗi: “ngồi trước bàn viết, trong lòng bỗng nhiên cảm thất bị ức chế” [25, tr.462]. Người Trí thức không chỉ bị sự đày đọa về thể xác, mà còn chịu sự áp chế về tinh thần.

Không gian căn buồng biểu hiện qua cái nhìn nhuốm màu tâm trạng của nhân vật Chương Vĩnh Lân. Trong thời Đại cách mạng văn hóa, hai con người kết hôn có một căn buồng để ở xem ra đã có phần tươm tất: “tôi bỗng nhiên có nhà! Mà lại là nhà hai buồng hẳn hoi, so với nhà ở của công nhân nông trường bình thường, thì còn

92

dôi ra được nửa gian. Tuy chỉ là hai gian nhà kho giột nát, nhưng vẫn cứ là có phòng trong ngoài” [24, tr.154].

Không gian căn buồng còn là nơi Chương Vĩnh Lân bao lần muốn thoát ra, muốn “cởi bỏ” tất cả: “Tôi nằm xuống, vớ lấy một quyển sách, nhưng mãi chả đọc được chữ nào. Cô cũng không giục tôi tắt đèn đi ngủ như mọi hôm, cả đến hơi thở cũng không nghe thấy. Gian buồng chìm trong một thứ im lặng đến ngẹt thở đòi hỏi tôi phải phá tan” [24, tr.185]. Chương Vĩnh Lân hiểu khá rõ tình trạng hôn nhân giữa anh và Hoàng Hương Cửu, anh sợ phải sống trong một bầu không khí đến nghẹt thở, không gian căn buồng bị dồn nén cùng với nỗi cô đơn bao quanh nhân vật. Hai người tồn tại trong một mê cung rối rắm, không ai có thể bước vào thế giới riêng tư của nhau.

Ngòi bút của Trương Hiền Lượng xoáy sâu vào những góc khuất thật nhất, sinh động nhất trong căn buồng riêng tư: “trừ lúc đi ngủ, tôi cố tránh không vào gian buồng, cái mùi Tào Học Nghĩa, bóng dáng Tào Học Nghĩa. Chúng nó… ở đâu? Ở đầu giường đằng nào? Chắc không “ấy” nhau ở bên phía tôi vẫn ngủ chứ? Tôi cố chộp bắt trong không khí gian buồng từng động tác, từng cử chỉ của chúng: Tào Học Nghĩa lẻn vào thế giới này, cô ta bước ra đón phía kia; đứa nào với tay giật công tắc đèn? Cô ta hay thằng kia? Rồi chúng nó ôm nhau lăn trên giường như thế nào? Động tác của cô ta thì tôi vẫn quen thuộc, kể cả cái cách cô ta rên ư ử, vậy thì phải chăng cô ta diễn trọn cái quá trình ấy trong vòng tay Tào Học Nghĩa? Tôi biết mình vớ vẩn, nhưng lại không kìm giữ được mình nên vẫn cứ tưởng tượng như vậy hết lần này đến lần khác. Đến nỗi tới lúc nửa đêm giật mình tỉnh dậy, tôi cứ khìn khịt mũi: quái lạ, có cái mùi gì lẩn quẩn đâu đây” [24, tr.217], diễn biến tâm lí trong Chương Vĩnh Lân không đơn giản, một chiều, các mảnh tâm trạng không theo trình tự mà ngổn ngang, đảo ngược, anh đối diện với nỗi đau với tất cả lòng tự trọng của một người đàn ông. Cuộc sống diễn ra trong không gian căn buồng đang quằn quại, nức nở. Con người trở nên quẩn quanh, ngơ ngác trong chính căn buồng của mình. Không gian tác động sâu sắc đến Chương Vĩnh Lân và anh cũng cảm nhận được sự thay đổi của chính mình ngay tại căn buồng. Đây là một kiểu không gian hướng nội, là nơi chứa đựng những ức chế tinh thần và sinh lí của nhân vật không thể giải tỏa.

93

Chuyển từ nông trường lao cải sang nông trường lao động, “nhà cửa trong thôn không khác nông trường lao cải, những dãy nhà bằng đất xếp hàng như ở trại lính, có điều nhà ở đây ọp ẹp hơn. Vách đất đắp bằng đất phèn đã long ra nhiều chỗ. Nông trường lao cải có nhiều sức lao động, lúc nào cũng có thể đắp vá nếu tường bị lở. Ở đây bên cửa ra vào nhỏ hẹp đều có một hai đống củi ướt đẫm, đã ngả màu đen, hoặc có những dây phơi quần áo, ra vẻ là một điểm dân cư” [27, tr.13].

Căn buồng dành cho những người trí thức mới tới nông trường lao động đã mang lại cho họ nhiều cảm nhận khác nhau, tay “chủ nhiệm kinh doanh” đứng trước cái cửa sổ cũ nát: “đây không phải là nông trường bộ, chẳng qua chỉ là một Đội. Xem kìa, mả mẹ nó, nhà với cửa! Thua xa đội lao cải. Đội lao cải còn có bếp lò” [27, tr.14]. Một anh cán bộ biên tập của một tờ báo ở Lan Châu có cảm nhận: “giống hệt vùng Định Tây mà tôi đã từng ở”[27, tr.14], một tay cựu trung úy từng là anh hùng ở Triều Tiên tỏ ra chán nản đến tột độ: “Đ.mẹ, bất quá chỉ là ngoi lên tầng thứ mười bảy của mười tám tầng địa ngục” [27, tr.14]. Anh kế toán của một ngân hàng Thượng Hải thì tỏ rõ sự cam chịu: “đã đến thì ở, dù sao thì không ai ăn đời ở kiếp nơi này, cứ nhịn là hơn!” [27, tr.14]. Căn buồng nơi nông trường lao động đã phơi bày tất cả sự xơ xác, nghèo nàn, lạc hậu khiến những người tri thức đều tủi thân. Con người bị đẩy vào hoàn cảnh không lối thoát, thể hiện sự bế tắc khi họ ý thức rất rõ về bản thân mình, về hoàn cảnh sống. Sống trong một căn buồng nhưng họ không bao giờ chịu hiểu nhau. Con người rơi vào bi kịch của cô đơn, sợ hãi, tuyệt vọng trước sự vô cảm của cộng đồng.

Một phần của tài liệu hình tượng nam nhi trong sáng tác của trương hiền lượng (Trang 91 - 95)