8. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Lời độc thoại
Lời độc thoại chiếm một số lượng khá nhiều trong sáng tác của Trương Hiền Lượng. Lời độc thoại là cách để nhân vật tự hướng về mình, thể hiện chiều sâu những suy nghĩ, trăn trở, tình cảm diễn ra bên trong. Nó là cách phản ứng tâm lí của nhân vật với những cảnh ngộ mà nhân vật trải nghiệm. Trương Hiền Lượng sử dụng độc thoại nội tâm như một thủ pháp nghệ thuật quan trọng để thể hiện thế giới tâm hồn sâu kín của người nam nhi.
Trương Hiền Lượng sử dụng độc thoại nội tâm thành công ở một số nhân vật như Chương Vĩnh Lân trong Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông là đàn bà, Trần Bảo Thiếp trong Phong cách nam nhi và một loạt các nhân vật phụ khác. Độc thoại nội tâm là sự phát triển nội tại tính cách của nhân vật.
Qua tìm hiểu lời độc thoại trong sáng tác của Trương Hiền Lượng, chúng tôi nhận thấy có hai dạng lời độc thoại.
Dạng thức thứ nhất của lời độc thoại là những lời nhân vật kể lại, nói đến một sự việc nào đó hoặc nhân vật tự bộc lộ thái độ, tình cảm đối với con người và sự việc xung quanh. Sự hòa nhập với cuộc sống tự do tại nông trường lao động không khỏi khiến Chương Vĩnh Lân ngỡ ngàng: “Khinh rẻ ư? Tôi chịu đựng đã quen rồi, không còn cảm thấy bị khinh rẻ nữa. Tôi vẫn nhơn nhơn. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi rời đội lao cải lao động, chuyển sang một cuộc sống mới, mà theo lời cán bộ quản giáo, tôi đã trở thành người lao động sống bằng sức của mình, không có gì có thể làm tôi cụt hứng!”
82
Lời độc thoại hướng về thái độ của anh chàng Hỉ với một thái độ tỏ ra khinh bạc trước câu hỏi của Chương Vĩnh Lân. Anh chìm vào suy nghĩ trước thái độ của Hỉ. Ý thức của con người đã bị cuộc Đại cách mạng văn hóa làm cho tê liệt, không còn cảm thấy bị khinh rẻ nữa.
Nếu như Mã Anh Hoa luôn thả mình vào trong những câu chuyện, luôn dùng trí tưởng tượng bay bổng không có liên quan gì đến cuộc sống hiện thực thì Hỉ hoàn toàn ngược lại: “trong vầng hào quang ấy của anh, tôi thấy mình sao mà yếu đuối, nhu nhược, in hệt như đồ dòi bò, những giọt nước mắt căm phẫn của tôi cũng bắt nguồn từ nỗi oan ức. Tôi vòng ngón trỏ và ngón cái đo cổ tay, quyết định ứng chiến” [27, tr.70]. Chương Vĩnh Lân nhận ra chính sự ngang tàng là điều kiện quan trọng hàng đầu trong hoàn cảnh như hiện nay. Có thể nói Hỉ là mẫu người chuẩn mực của con người lao động sống bằng sức lao động: “tri thức ư? Quỷ tha ma bắt nó đi! Không có nghề tầm thường, chỉ có con người tầm thường. Như cái ông xà ích mà tôi cùng chở phân ấy, giả dụ ông ta có trình độ văn hóa cao, trở thành nhà văn, tôi tin rằng ông ta không làm nên trò trống gì, không có sáng tạo, chỉ là nhà văn “đồ chó chết”. Còn Hỉ, nếu thành nhà văn, chắc chắn anh ta sẽ làm rung chuyển văn đàn”
[27, tr.71].
Hỉ đã dùng sức lực của mình trồng thêm lương thực ở những bãi đất trống của nông trường, giờ anh để cái bàn trà, bộ chăn nệm và cả một bao lương thực khoảng năm chục cân cho Chương Vĩnh Lân và Mã Anh Hoa, Hỉ vẫn thường giấu sau đống cỏ khô. Có lúc Chương Vĩnh Lân đã từng nhìn thấy, đã từng nghĩ đó là của ăn cắp nhưng không: “những người như anh vẫn coi tôi là con người cao thượng: không ăn của lấy cắp. Chỉ có tôi mới hiểu là mình không phải như con người họ nghĩ.” [27, tr.121]. Trong những lời độc thoại hướng về Hỉ, ta nhận thấy ở con người Hỉ luôn ẩn chứa một vẻ đẹp bình dị, càng khám phá càng thấy được cái hay của nó, một vẻ đẹp không tô không vẽ, mà toát ra từ khí chất của một người nam nhi thực thụ.
Lời độc thoại đầy tâm trạng, Chương Vĩnh Lân thể hiện sự suy ngẫm của mình về Mã Anh Hoa. Cô đã giúp Chương Vĩnh Lân nối lại cái dòng hồi ức của quá khứ - hiện tại - tương lai, nảy nở ở anh một tình cảm rất lạ. Trong tâm khảm cô đã chôn vùi mảy may không thương tiếc đoạn hồi ức của quá khứ vào trong một đống bụi của
83
thời gian. Cô nhìn cuộc đời một cách rất giản đơn, đi ngược lại hoàn toàn quan niệm và cách nhìn của tầng lớp trí thức, những con người như Chương Vĩnh Lân có cái nhìn về cuộc đời một cách rất tế nhị nhưng đó là cách nhìn ủy mị và thiếu thực tế, “Thái độ ấy khó có thể thích ứng với bão táp của tiến trình lịch sử. Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi thường nhớ đến cô với một tấm lòng biết ơn, cảm ơn cô đã cho tôi cái khí chất của gió lộng trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng” [27, tr.105]. Cách nhìn của cô giúp cho người ta bớt than thân, trách phận, không phải rên rỉ vì sao lại bước đến nơi này bởi một lẽ rất thường tình, cuộc sống là cả một chuỗi nỗi buồn và niềm vui cứ vận vào nhau.
Đoạn độc thoại vang lên trong lúc Chương Vĩnh Lân phát hiện ra vẻ đẹp nơi con người đội trưởng Tạ: “Ánh lửa hắt trên gương mặt mệt mỏi và sớm già, khiến bác có những nét nhân từ của bậc cha mẹ. Con người ta dù thô tục và kém văn hóa đến mấy, chỉ cần có tấm lòng chân thành, có tình có lý, thì vẫn vĩ đại và được tôn trọng” [27, tr.131].
Dù là một người đội trưởng, quản lí tất cả mọi việc ở nông trường nhưng bác luôn làm việc một cách nghiêm túc, làm việc hơn người bình thường khác. Thái độ của bác là một thái độ điển hình, bác giúp đỡ mọi người, bác luôn dành cho Mã Anh Hoa những bao lương thực vì lòng thương cảm dành cho hai mẹ con cô chứ không phải vì một sự đổi chác nào khác. Chương Vĩnh Lân đã phát hiện ra vẻ đẹp tình người còn sót lại ở nông trường này.
Chu Thụy Thành dốc hết mọi nỗi uất ức mấy năm nay trong lòng không để kiếm chác sự đồng tình ở người khác. Khi Đại cách mạng văn hóa nổ ra, lãnh đạo cứ bảo viết thư tố giác người này, người nọ mà anh ta biết, cứ mỗi lần viết là mỗi lần tước đoạt đi sự sống trong anh, để giờ nghiền ngẫm lại anh thấy mình người không ra người, quỉ không ra quỉ. Một con người từng hi vọng vào xã hội này rất nhiều giờ lại đâm ra chán chường với cảm giác chấp nhận sự an bài của số phận.
Chương Vĩnh Lân liên tưởng tới cuộc đời chàng “câm”: “Có ma nào biết anh ta nghĩ những gì trong bụng ! Giá mà anh ta cũng được dốc bầu tâm sự, thổ lộ được hết mọi điều uất ức dồn nén bấy lâu như Chu Thụy Thành hôm nay, thì có lẽ anh sẽ
84
dễ chịu hơn chút đỉnh, khốn nỗi anh ta chưa từng được học hành, nên chỉ có thể rúc mãi vào cái sừng trâu không lối thoát”
[24, tr.276]. Chàng “câm” lạc lõng trong chính xã hội mà chàng “câm” đang sống, tồn tại như một cái bóng vật vờ, không tỏ rõ thái độ, không oán than. Chàng “câm” thu nhận được tất cả thông tin sự việc đang diễn ra xung quanh mình nhưng lại không nói, ú ớ ném trả. Chàng “câm” không đơn thuần chỉ là nạn nhân mà còn là chứng nhân tố cáo sự cay nghiệt của xã hội ấy.
Tâm trạng của Chương Vĩnh Lân được nhìn nhận từ cái nhìn lưỡng phân. Con người hiện tại như đã chết, con người bên trong lại dần dần được hồi sinh, bên trong vẫn âm ỉ sức sống. Người nam nhi có cấu trúc phức tạp, tính cách của họ được Trương Hiền Lượng phát triển nhiều hướng đa dạng, chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội tại: “nhưng thật sự kết hôn rồi (tức là kết hôn với cô ta!). Có nhà (tức là gian buồng hiện nay tôi và Chu Thụy Thành hay là cô ta và bà Mã đang ở!). Có vợ (tức là cô ta!). Vậy là tôi bị cột chặt vào một cái gì đó” [24, tr.131]. Tâm trạng nhân vật vừa xung đột với cảnh đói nghèo vừa xung đột với chính mình. Những lời độc thoại về việc diễn ra trong cuộc sống của mình khiến anh hiểu việc kết hôn với một người đàn bà từng va vấp, bằng tình cảm, bằng khát khao, bằng một thứ bản năng rất dữ dội: “nhưng, tấm thân lõa lồ, mềm mại và tràn trề sức sống ấy, trước sau vẫn cuốn hút tôi, khiến tôi xúc động và hưng phấn” [24, tr.131].
Dạng thức thứ hai của lời độc thoại là độc thoại nội tâm. Đây chính là những lời nhân vật tự nói với mình, tự thể hiện những suy nghĩ, tình cảm đang âm thầm diễn ra bên trong đời sống nội tâm.
Tôn Ngọc Chương là nhân vật có nhiều suy tư về xã hội, về mối quan hệ giữa con người với con người: “nhưng trong nội bộ êkip lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố, họ sẽ nhìn ông ra sao, một người lãnh đạo được bầu lên theo đúng trình tự pháp luật nhưng lại trái với thông lệ xưa nay? Liệu họ có phục tùng không? Ngũ Tích Quý đi rồi, vị phó bí thư nọ cũng đi rồi, nhưng tinh thần vẫn ở lại đây và vẫn có thể điều khiển từ xa” [25, tr.137]. Ông ngẫm nghĩ phân tích mọi người xung quanh mình, suy nghĩ về chính bản thân mình. Ông không thể không tính toán mối quan hệ giữa các bên, dường như còn một thứ áp lực vô hình nào đó bao trùm lấy ông.Ông là
85
vị chủ tịch thành phố đầu tiên được nhân dân bầu ra nhưng ông lại luôn lo sợ vì điều đó “trái với thông lệ xưa nay”, Ngũ Tích Quý và Đường Tông Từ sẽ không để yên cho ông. Ông sẽ phải làm gì với cương vị mới này, làm gì với sự tin tưởng nhân dân trao cho ông. Ông cảm thấy lo lắng khi Trần Bảo Thiếp xuất hiện, ông lại xem xét nên đứng về phía nào, rồi ông tự an ủi mình bằng một thứ triết lí: “Việc quái gì mình phải lo lắng nhỉ? Ông nghĩ. Xem ra mình đâu có phải là phe đối lập của Trần Bảo Thiếp, đã có sẵn ngay một người nhãn tiền đấy rồi. Mình chỉ cần giữ được thế cân bằng giữa bọn họ là được” [25, tr.136].
Người trí thức Chương Vĩnh Lân cảm nhận được có một thứ áp lực rất đáng sợ, ngửi không được, sờ không được nhưng nó như cái bóng lởn vởn quanh anh: “cơ năng sinh lí của tôi, cho đến đầu mút thần kinh của tôi đã khiến tôi không bao giờ được hưởng thụ của cuộc sống con người bình thường nữa, đã khiến tôi mất hết khả năng sáng tạo mà mỗi con người bình thường hằng có. Sinh tồn? Hay hủy diệt? Tôi lặp đi lặp lại mãi câu nói của Hămlet” [24, tr.190].
Khi trạng thái tâm lí của Chương Vĩnh Lân là sự xen lẫn giữa hai thái cực giữa tồn tại hay là không tồn tại. Hiện thực xã hội đã có một sự tác động rất dữ dội, nó luồn lách vào mọi cơ quan của cơ thể, không sờ, không nắm được nhưng sức công phá của nó rất ghê sợ. Mất khả năng làm một người đàn ông là đồng nghĩa với việc bị tước đoạt đi khả năng sáng tạo tinh túy nhất ở con người. Bi kịch của một con người thể hiện trong một đoạn độc thoại chứa đầy tính triết lí cao.
Hiện thực khốc liệt của đời sống đã được soi chiếu và tái hiện góc cạnh nhất, đau đớn nhất, càng khắc sâu hơn sự trống trải, mất mát lớn lao ở người nam nhi thể hiện một nỗi đau trần trụi không cần che giấu: “Tôi có cảm giác mất mát như vừa đánh rơi một vật gì vừa quí giá lại vừa nặng nề, đứng lên theo bản năng, cầm lấy tờ giấy, con dấu với chữ kí, cái quyết định số phận chúng tôi chính là những cái dấu hiệu nực cười đó” [24, tr.329]. Cái khoảnh khắc con dấu với chữ kí đóng dấu lên cuộc đời anh và Hoàng Hương Cửu. Giờ đây anh muốn tháo bung nó ra, lần đầu tiên anh quyết định cái gì cần làm cho bản thân mình, làm theo những gì mà bản thân cho là cần thiết. Cái ăn (thực) và sắc (đàn bà) đã trở thành nỗi ám ảnh, đè nặng cuộc đời.
86
Sự tàn lụi, rã rời len lỏi vào mỗi số phận, làm cho con người ta đau thương, quanh quẩn không lối thoát.
Với thế giới quan tiến bộ giúp ông sáng suốt và tỉnh táo trong việc phản ánh hiện thực vào trong tác phẩm của mình. Trương Hiền Lượng quả thật là bậc thầy miêu tả tâm lí nhân vật khi đặt nhân vật của mình trước những lằn ranh của cảm xúc, để bộc lộ rõ hơn thế giới bên trong phức tạp của người nam nhi.