Biện pháp 6. Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài năng, có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp TLH cụ thể
thông qua các buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp.
Những tổ chức, cơ quan, đơn vị tuyển dụng hiện nay chỉ hướng đến đào tạo lại và sử dụng nguồn lực SV chuyên ngành vừa tốt nghiệp hoặc những SV đã tốt nghiệp đi làm có kinh nghiệm chuyên môn. Điều này cho thấy các cơ quan này chưa có sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực chất lượng cho sự phát triển của tổ chức. Mặt khác cho thấy sự bị động, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đào tạo SV hiện nay. Điều này gây tốn kém thêm thời gian, chi phí đào tạo lại những SV mới tốt nghiệp đối với những tổ chức cần nguồn nhân lực trẻ; hoặc cũng hao tốn chi phí, thậm chí gặp nhiều khó khăn, không tuyển dụng được nhân sự có chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, gây trì hoãn công việc,... Trước tình trạng này, thiết nghĩ những cơ quan, đơn vị tuyển dụng nên chủ động hơn trong việc chuẩn bị, đầu tư nguồn nhân sự có chất lượng với những cách thức như:
- Phối hợp với các Thầy cô thuộc Khoa Tâm lý của các Trường đào tạo để sản xuất bộ sách “Hướng nghiệp nghề Tâm lý”, trong đó đề cập đến bản họa đồ chi tiết của từng nghề nghiệp cụ thể với những yêu cầu, đặc điểm, xu hướng phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực, cách thức học tập, phát triển nghề nghiệp cụ thể. Bên cạnh đó cũng nên đề cập đến cây gia phả về những người thành công trong từng nghề nghiệp chuyên ngành TLH và những chia sẻ về kinh nghiệm hành nghề, về những khó khăn, thuận lợi và đỉnh cao thành công của nghề nghiệp,…
- Phối hợp với Đoàn Trường hoặc Khoa Tâm lý tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm chia sẻ đặc điểm nghề nghiệp cũng như xu hướng và nhu cầu tuyển dụng của ngành cho toàn thể SV trong Khoa Tâm lý học.
- Nắm bắt những ngày lễ trọng đại của Khoa tâm lý như ngày kỷ niệm thành lập Khoa, họp mặt truyền thống Khoa để tổ chức giới thiệu ngành học và thực tế công việc dưới dạng những lễ hội “SV Tâm lý với ngày hội nghề nghiệp”; “Tìm kiếm tài năng nhà Tâm lý trẻ”,…để SV hiểu rõ hơn về nghề nghiệp và có hướng phấn đấu, phát triển phù hợp.
- Kết hợp buổi lễ hội với việc tổ chức các cuộc thi nghiên cứu khoa học, viết bài tham luận, viết và trình bày những ý tưởng, những hướng đi mới trong việc phát triển chuyên ngành, có giải thưởng tôn vinh và tìm ra những gương mặt SV sáng giá của ngành.
- Trao học bổng hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc bằng các khóa học chuyên sâu cho những SV tích cực và đạt thành tích cao trong học tập, cũng như trong các cuộc thi. Một mặt quảng bá về hình ảnh cơ quan, đơn vị tuyển dụng, một mặt góp phần đào tạo nguồn lực tương lai cho cơ quan, đơn vị đứng ra tổ chức.
- Tạo điều kiện giúp đỡ SV thích ứng với công việc trong quá trình thực tập tại cơ quan, đồng thời phân công các nhiệm vụ cụ thể, hướng dẫn, hỗ trợ SV tìm hiểu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Mục đích chính của các cuộc thi, các trò chơi trong những buổi giao lưu, tọa đàm, cũng như những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình thực tập, là tạo ra một sân chơi
trí tuệ, khai thác khả năng đặc trưng, năng lực chuyên môn TLH của các SV, tạo dựng
nền tảng cho nguồn nhân lực thật sự chất lượng, đáp ứng đủ các yêu cầu và hội tụ đủ các tố chất của một nhà TLH trong thực tế nghề nghiệp.