Khái niệm nghề nghiệp

Một phần của tài liệu định hướng nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành tâm lý học ở một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 25 - 37)

1.2.2.1. Định nghĩa nghề nghiệp

Thuật ngữ “Nghề nghiệp” được sử dụng phổ biến và định nghĩa dưới nhiều góc độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực khoa học: xã hội học, tâm lý học, giáo dục học, kinh tế học,... Nhìn chung, có những quan niệm cơ bản sau về nghề nghiệp:

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, “nghề nghiệp” là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử. Nghề nghiệp có quá trình ra đời, phát triển và suy vong theo tiến trình lịch sử. Điểm xuất phát và cơ sở để xuất hiện nghề nghiệp là lao động. Lao động là loại hoạt động sáng tạo ra con người và là cơ sở cho sự phát triển xã hội loài người. Lao động chính là tiền đề cơ bản làm xuất hiện nghề nghiệp.

Theo quan điểm của kinh tế học, “nghề nghiệp” là tri thức và kỹ năng lao động mà người lao động có được trong quá trình huấn luyện chuyên môn hoặc qua thực tiễn, cho phép người đó có thể thực hiện được một loại hoạt động nhất định trong hệ thống phân công lao động xã hội.

Theo quan điểm Giáo dục học, “nghề nghiệp” là công việc chuyên môn được định hình một cách hệ thống, là dạng đòi hỏi một trình độ học vấn nào đó để thực hiện hoạt động cơ bản, giúp con người tồn tại và phát triển. Từ điển Larousse của Pháp định nghĩa: “Nghề là hoạt động thường ngày được thực hiện bởi con người nhằm tự tạo nguồn thu nhập cần thiết để tồn tại” [13].

Theo quan điểm ngôn ngữ học, có rất nhiều tác giả đã đề cập đến quan điểm “nghề nghiệp” như: Tác giả Nguyễn Tiến Đạt quan niệm, từ “nghề” ghép với từ “nghiệp” thành từ “nghề nghiệp”. “Nghề nghiệp” nên hiểu là “các nghề phức tạp thiên về trí tuệ, có trình độ cao hơn, bao giờ cũng đòi hỏi phải được đào tạo, nhiều khi lâu dài, luôn gắn với các cơ hội thăng tiến trong nghề của con người, vì trong thành phần

từ ghép này có chữ “nghiệp”, hiểu theo nghĩa sự nghiệp, kế nghiệp”. Hay theo đại từ điển Tiếng Việt thông dụng (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb ĐH Quốc gia TPHCM, 2010), định nghĩa : “Nghề là công việc chuyên môn theo sở trường hoặc theo sự phân công của xã hội” còn “Nghề nghiệp là nghề nói chung để sinh sống và phục vụ xã hội” [23, tr.16-18], [35], [81].

Theo quan điểm xã hội học, trong cuốn “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa Tư bản” (1920), nhà xã hội học Đức Max Weber đào sâu ý nghĩa của hoạt động nghề nghiệp. Ông xem xét “nghề nghiệp” không chỉ có nghĩa là nghề nghiệp (profession hay job, xét như là một hoạt động mưu sinh), mà còn mang ý nghĩa thiên chức (xét như là bổn phận) của con người. Vì thế khái niệm nghề nghiệp luôn đi đôi với khái niệm thiên chức, bổn phận của mỗi người trong cuộc sống [80].

Theo quan điểm TLH, “nghề nghiệp” được nhìn nhận theo nhiều quan điểm của rất nhiều nhà TLH. Trong đó, quan niệm được đồng tình nhiều nhất là định nghĩa của tác giả E.A.Klimov: “Nghề là một lĩnh vực sử dụng sức lao động vật chất và tinh thần của con người một cách có giới hạn, cần thiết cho xã hội (do sự phân công lao động mà có), nó tạo khả năng cho con người sử dụng lao động của mình để thu lấy những phương tiện cần thiết cho việc tồn tại và phát triển” [26].

Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, dường như không có sự phân biệt rạch ròi giữa khái niệm “nghề” và “nghề nghiệp”. Vì vậy chúng tôi cho rằng, khái niệm “nghề” và “nghề nghiệp” tuy có những khía cạnh khác nhau, song cũng không nên tách bạch nội hàm hai khái niệm đó, bởi trong chúng có sự “chứa đựng” lẫn nhau, trong “nghề” có ẩn chứa “nghiệp”, và đã có “nghiệp” nhất định phải có “nghề”, cho nên người ta thường dùng thuật ngữ “nghề nghiệp”, bởi sự song hành giữa chúng. Ngoài những quan điểm trên, còn có quan niệm đồng hoá giữa “nghề” và “chuyên môn” theo các tác giả Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân Lãm thì “Nghề là công việc một người thường xuyên làm để sinh nhai”. Theo đó, chuyên môn có nghĩa là “Một lĩnh vực lao động sản xuất hẹp, trong đó con người bằng sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần của mình làm ra những giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần như là phương tiện cần cho sự tồn tại và phát triển của xã hội”. Hay theo nhận định của Viện sĩ X.G.Xtrumilin, “chuyên môn là nghề hẹp, nhưng nó hoàn toàn qui định hình thức của một dạng hoạt động lao động và mang tên gọi đặc trưng cho nghề đó” [42, tr. 36], [57], [91].

Tác giả Phạm Tất Dong cũng đưa ra định nghĩa: “Nghề là nhóm những chuyên môn gần nhau. Một nghề bao gồm nhiều chuyên môn”. Tác giả cũng cho rằng những dấu hiệu quan trọng nhất khi đề cập đến nghề là sự gắn bó lâu dài với công việc chuyên môn, là trình độ, kỹ năng, kỹ xảo đối với việc làm nhờ quá trình đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn [13].

Với những quan niệm trên, có thể hiểu mối tương quan giữa “chuyên môn” và “nghề” như sau: “Chuyên môn” là khái niệm hẹp hơn so với khái niệm “nghề”, nó có đủ các qui định về mặt hình thức của một dạng hoạt động lao động, nó phân biệt sự khác nhau về từng chuyên môn trong nghề. Nghề là sự tổ hợp những chuyên môn có quan hệ cùng loại. Nói cách khác, một nghề bao gồm nhiều chuyên môn.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nghề nghiệp trong giai đoạn phát triển của lịch sử nhân loại là sự phát triển việc làm cho con người. Xã hội càng phát triển, đặc biệt kinh tế càng phát triển thì việc làm càng nhiều và cơ hội tìm việc làm cũng tăng lên. Ở đây, ta cần phân biệt “Nghề nghiệp” với “Việc làm”.

Theo điều 13, Luật lao Động quy định: “Việc làm là mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm”. Có thể coi “nghề nghiệp” là “việc làm” nhưng không phải việc làm nào cũng là nghề nghiệp. Những việc làm nhất thời, không ổn định do con người bỏ sức lao động và được trả công thì chưa phải là nghề nghiệp. Nghề nghiệp và việc làm có điểm chung: Con người phải bỏ sức lao động để tạo ra sản phẩm, để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, chúng khác nhau ở chỗ: “nghề nghiệp” là sự gắn bó lâu dài với công việc chuyên môn, có trình độ, kỹ năng và kỹ xảo nhờ vào quá trình đào tạo. Còn “việc làm” chỉ gắn một phần, một số kỹ năng lao động nào đó thuộc một hay vài nghề miễn là qua hoạt động cụ thể, người lao động có thể hoàn thành nhiệm vụ và kiếm được tiền sinh sống. Khái niệm “nghề” khác với khái niệm “việc làm” và nó chỉ rõ sự chuyên nghiệp dù chỉ là tương đối đòi hỏi con người phải đầu tư, gắn bó và rèn luyện [18, tr. 35].

Từ những lý luận trên ta nhận thấy có 3 vấn đề “Nghề nghiệp”, “Chuyên môn” và “Việc làm” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. “Nghề nghiệp” quy định “chuyên môn”, thường thì có chuyên môn tốt sẽ có nghề tốt, có nghề tốt thường sẽ có “việc làm” tốt. Trái lại, chuyên môn kém sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy muốn có việc làm tốt, ổn định thì phải có chuyên môn tốt hay nghề nghiệp tốt.

Một là, nói tới nghề nghiệp trước hết phải hiểu đó là một nghề trong xã hội, là công việc chuyên môn trong một lĩnh vực hoạt động nhất định, nó đòi hỏi người làm việc (làm nghề) phải có kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo để lao động có hiệu quả.

Hai là, hoạt động nghề nghiệp có mục đích rõ ràng, nó không những mang lại lợi ích cho xã hội mà còn giúp con người thỏa mãn những nhu cầu cần thiết cho việc tồn tại và phát triển của bản thân. Đó cũng chính là cái “nghiệp” mà mỗi người sẽ luôn gắn bó trong cả cuộc đời họ. Đây cũng là điều chứng tỏ tầm quan trọng lớn lao của “Nghề nghiệp” đối với con người và cộng đồng xã hội trong mọi thời đại.

Ba là, nghề nghiệp là một phạm trù lịch sử, nó ra đời và phát triển gắn liền với sự phát triển của xã hội về mọi mặt. “Nghề nghiệp” trong xã hội không phải là một cái gì ổn định, cứng nhắc. Các nghề trong xã hội luôn ở trạng thái biến động do sự phát triển của khoa học và công nghệ. Xã hội càng phát triển thì sự phân hoá ngành nghề càng diễn ra mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp.

Tóm lại, có thể hiểu: “Nghề nghiệp” là một dạng hoạt động lao động đòi hỏi ở con người một quá trình đào tạo chuyên biệt, có những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nhất định, có phẩm chất, đạo đức phù hợp với yêu cầu của dạng lao động tương ứng. Nhờ quá trình hoạt động nghề nghiệp, con người có thể tạo ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và bản thân.

1.2.2.2. Phân loại nghề

Thế giới nghề nghiệp rất phong phú và đa dạng. Hiện có tới 70.000 nghề và hàng chục nghìn chuyên môn. Theo thống kê gần đây, trên thế giới mỗi năm có tới 500 nghề bị đào thải, khoảng 600 nghề mới xuất hiện. Ở nước ta, mỗi năm ở cả 3 hệ trường (dạy nghề THCN, CĐ và ĐH) đào tạo trên dưới 300 nghề, bao gồm hàng nghìn chuyên môn khác nhau. Do đó, có nhiều cách phân loại để tạo thành những nghề và nhóm nghề nhất định. Có thể kể đến một số cách phân loại tiêu biểu như:

Theo tác giả Đặng Danh Ánh, tại Việt Nam danh mục nghề đào tạo công nhân do Viện Khoa học Dạy nghề xây dựng có khoảng 400 nghề, còn nghề xã hội có hàng chục nghìn nghề khác nhau. Căn cứ vào mức độ phức tạp kỹ thuật về trình độ chuyên môn, các nghề được chia thành 3 nhóm: 1/ Các nghề không chuyên môn: lao động đơn giản, không cần qua đào tạo nghề; 2/ Các nghề nửa chuyên môn hóa: chỉ cần đào tạo các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đủ để thực hiện các thao tác đơn giản hay những thao tác chuyên môn hóa trong dây chuyền sản xuất; 3/ Các nghề chuyên môn hóa: đòi hỏi đào tạo chính quy, chuyên sâu [3].

Các nhà khoa học như Phạm Tất Dong, Nguyễn Thế Trường… đưa ra cách phân loại nghề theo yêu cầu của nghề đối với người lao động, có 8 nhóm nghề sau: 1/ Những nghề thuộc lĩnh vực hành chính; 2/ Những nghề thuộc lĩnh vực tiếp xúc với con người; 3/ Những nghề thợ thủ công; 4/ Những nghề trong lĩnh vực kỹ thuật; 5/ Những nghề trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; 6/ Những nghề thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học; 7/ Những nghề tiếp xúc với thiên nhiên; 8/ Những nghề có điều kiện lao động đặc biệt [15].

Theo John Holland và các nhà TLH nghề nghiệp hiện đại, nghề được chia thành 6 kiểu tương ứng với 6 kiểu người: 1/ Kiểu thực tế cụ thể - thao tác kỹ thuật (thợ, kỹ thuật viên…); 2/ Kiểu thận trọng nề nếp - nghiệp vụ quy củ (nhân viên văn phòng, tài vụ, bưu điện, tiếp tân…); 3/ Kiểu kiên trì khoa học - điều tra nghiên cứu (viện sĩ, chuyên viên nghiên cứu…); 4/ Kiểu linh hoạt quảng giao - phục vụ xã hội (cán sự xã hội, giáo viên, bác sĩ, luật sư…); 5/ Kiểu chủ động uy quyền - dựng nghiệp quản lý (giám đốc, đội trưởng, người đi lập nghiệp…); 6/ Kiểu người sáng tạo tự do - văn học nghệ thuật (nhà văn, biên kịch, nghệ sĩ…) [44].

Theo A.E.Glomstok, căn cứ vào các lĩnh vực tri thức và hoạt động khác nhau, nghề được phân thành 13 nhóm: 1/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực toán - lý; 2/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực hoá học; 3/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử; 4/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật; 5/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực địa lý - địa chất; 6/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp; 7/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ và báo chí; 8/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực sử học và hoạt động xã hội; 9/ Nghề sư phạm; 10/ Nghề y; 11/ Nghề nội trợ; 12/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; 13/ Nghề binh nghiệp.

Theo E.A.Klimov, nếu lấy đối tượng lao động làm dấu hiệu để phân loại thì nghề được chia thành 5 nhóm chính:

Bảng 1.1. Phân loại nhóm nghề theo E.A.Klimov

Nhóm nghề Đối tượng lao động Nghề nghiệp, chuyên môn

Người - Thiên nhiên Các tổ chức hữu cơ, các quá trình sinh vật và vi sinh vật

Trồng lúa, chăn nuôi, bác sĩ thú y, lâm nghiệp…

Người - Kỹ thuật Hệ thống các thiết bị kỹ thuật, đối tượng vật chất…

Thợ máy, thợ rèn, thợ nguội, thợ xây, lái xe…

Người - Người Con người, nhóm tập thể… Bác sĩ, y tá, giáo viên, bán hàng…

Người - Hệ thống kí hiệu

Những dấu hiệu, con số, mã số, công thức, ngôn ngữ…

Nhân viên kế toán, thủ quỹ, đánh máy, thợ xếp chữ in… Người - Nghệ thuật Các hình ảnh nghệ thuật, các

bộ phận và thuộc tính của nó.

Sơn mài, điêu khắc, hoạ sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ…

Gần đây nhất, nghề nghiệp được phân loại theo Danh mục Nghề nghiệp Việt Nam ban hành theo Quyết định 1019/QĐ – TCTK ngày 12 tháng 11 năm 2008. Danh mục Nghề nghiệp này được soạn thảo dựa theo bảng phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008 (ISCO 88) kế thừa bảng Danh mục Nghề nghiệp ban hành theo Quyết định số 114/1998/QĐ – TCTK ngày 29 tháng 3 năm 1999 của Tổng cục Thống kê về hệ thống chức danh hiện hành của Việt Nam. Có 10 nhóm nghề cấp 1 (các số phía trước là mã nhóm nghề cấp 1) như : 0. Lực lượng quân đội; 1. Nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị; 2. Nhà chuyên môn bậc cao; 3. Nhà chuyên môn bậc trung; 4. Nhân viên trợ lý văn phòng; 5. Nhân viên dịch vụ và bán hàng; 6. Lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 7. Lao động thủ công và các nghề nghiệp khác có liên quan; 8. Thợ vận hành và lắp ráp máy móc thiết bị; 9. Lao động giản đơn [11].

Nhìn chung, còn rất nhiều cách phân loại khác về nghề như: phân loại nghề theo kiểu nhóm rộng và theo đặc điểm của hoạt động nghề; theo dấu hiệu mức độ phức tạp về kỹ thuật; theo diện chuyên môn nghề và hoạt động của nghề,... Mỗi cách phân loại đều dựa vào dấu hiệu nào đó về nghề. Vì vậy, khó có thể đưa ra kết luận cách phân loại nào là đúng đắn, phù hợp nhất. Tùy theo mục đích nghiên cứu mà chúng ta sử dụng cách phân loại cho phù hợp. Ở đề tài này chúng tôi quan tâm đến nghề nghiệp và những chuyên môn thuộc chuyên ngành Tâm lý học.

1.2.2.3. Một số lĩnh vực nghề nghiệp chính trong Tâm lý học

Nghề Tâm lý là một trong những nghề rất phổ biến trên thế giới hiện nay, được ghi trong danh sách nghề của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO). Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tâm lý là nghề của thế kỷ XXI khi mà sự phát triển của xã hội loài người đã đạt tới trình độ cao - kinh tế tri thức. Ở các nước phát triển, nghề Tâm lý rất phổ biến, có uy tín trong xã hội. Ở Việt Nam, do khoa học Tâm lý chỉ mới được hình thành

vào những năm giữa thế kỷ XX, số lượng đội ngũ cán bộ chưa nhiều, uy tín của nghề chưa cao vì thế chưa được phổ biến trong xã hội. Nghề Tâm lý là tổng hòa của các tri thức, kỹ năng hoạt động chuyên ngành mà người học tiếp thu được trong quá trình đào tạo theo các chuyên ngành TLH (cả về lý luận và thực hành) cho phép họ có thể tiến hành hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho cá nhân và các nhóm xã hội, được pháp luật thừa nhận [17, tr. 503].

a. Trên thế giới:

Các lĩnh vực nghề nghiệp trong TLH trên thế giới rất phong phú và đa dạng.

Một phần của tài liệu định hướng nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành tâm lý học ở một số trường đại học tại thành phố hồ chí minh (Trang 25 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)