6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
3.3.1. Khái niệm chi tiết nghệ thuật
Cùng với giọng điệu và ngôn từ nghệ thuật thì việc lựa chọn chi tiết nghệ thuật là yếu tố không thể thiếu trong tác phẩm văn học. Nó góp phần tạo nên hình tượng và quan niệm về nghệ thuật của tác giả, điều này có nghĩa muốn hiểu rõ hơn về phong cách nhà văn chúng ta cần dụng công hướng vào việc tìm ra chi tiết. Chi tiết càng có sức biểu hiện
càng góp phần nâng cao giá trị tác phẩm. Vì vậy, Hoàng Thu Giang cho rằng: “Không
bao giờ có một tác phẩm hay mà chi tiết nhạt nhẽo, nông cạn, thiếu sức sống”[75]. Vậy
Theo từ điển Tiếng Việt (Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 1988), chi tiết là: “Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng. Là thành phần riêng lẻ hoặc tổ hợp đơn giản nhất có thể tháo lắp được”.
Từ điển thuật ngữ Văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Nxb Giáo dục Hà Nội, 1999), chi tiết (trong văn học): “Các tiểu tiết trong tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng và họ gọi chung là chi tiết nghệ thuật.
Tác giả Hoàng Thu Giang quan niệm: “Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thì góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết”[1].
Tóm lại, chi tiết nghệ thuật chính là những yếu tố nhỏ lẻ nằm trong cấu trúc hệ thống tác phẩm, nhằm thề hiện quan niệm, cấu tứ, thế giới nghệ thuật của nhà văn muốn hướng đến.
Trong tác phẩm văn học, chi tiết không bao giờ thừa. Mỗi chi tiết tuân theo dụng ý của tác giả, nhưng bên trong đó sẽ có những chi tiết tạo điểm nhấn cho toàn bộ tác phẩm và bật lên tư tưởng của nhà văn. Nó là thước đo trình độ sáng tạo của nhà văn, bản chất văn hóa của một cộng đồng. Vì vậy, mỗi tác phẩm văn chương thành công, bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ, nghệ thuật tu từ thì việc sử dụng những chi tiết “đắt” sẽ làm nên cái riêng, cá tính của người nghệ sĩ. Chúng ta thấy đại thi hào Nguyễn Du – người sử dụng những chi tiết vô cùng sáng tạo. Ông miêu tả Mã Giám Sinh chỉ trong
một câu thơ: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” (Truyện Kiều), chỉ ở chi tiết này mà cụ thể hơn
với một từ “tót” đã nói lên tất cả tính tình và con người nhân vật này. Hay cả hành trình mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều chỉ vì một chi tiết: “Hỏi ra xưng nhất là thằng bán tơ?”, nhìn quãng thời gian chịu biết bao đau khổ, tủi nhục của nhân vật mới thấy hết “chi tiết” đó quan trọng như thế nào. Còn với Nam Cao, việc lựa chọn chi tiết càng không thể thiếu của nhà văn hiện thực xuất sắc. Truyện ngắn Chí Phèo là một điển hình cho việc lựa chọn chi tiết của nhà văn. Nói về cả làng Vũ Đại ai cũng nghe Chí chửi là chuyện bình thường, ông viết: “Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu …”, tức là mọi người đã coi Chí ở một thế giới khác, thế giới của thân phận loài vật.
Thể loại ký nói chung, bút ký nói riêng việc sử dụng và lựa chọn các chi tiết để đưa vào tác phẩm là một điều rất quan trọng. Bởi, thể loại này theo khuynh hướng ghi lại các sự việc một cách chân thật, vì thế sự sáng tạo của nhà văn chính là làm sao để các chi tiết có khả năng tạo nên những tình tiết hấp dẫn mà vẫn giữ được đặc điểm của thể loại. Bút ký là một trong những trường hợp thiên về ghi chép người thật, việc thật, tái hiện cuộc sống và con người. Với những đòi hỏi đó, cá tính sáng tạo của nhà văn luôn được bộc lộ trong từng chi tiết, trong đó tùy theo từng tác giả việc thể hiện các chi tiết
theo hướng sáng tạo khác nhau. Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà viết kí tài ba, thể
hiện chất suy tư triết lí, chất trữ tình sâu lắng, và cả chất trí tuệ uyên bác. Làm được như thế, chính là trong các tác phẩm của ông luôn có những chi tiết nghệ thuật rất tâm đắc.
Chẳng hạn, trong bút ký “Ai đã đặt tên cho cho dòng sông”, ông đã đưa chúng ta đến
với dòng chảy sông Hương, đến với Huế với những hành trình đầy gian nan: “Trước khi về đến châu thổ êm đềm nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Chi tiết này cho thấy sự sáng tạo đến đến những cung bậc của cảm xúc, như chính người con gái phải trải qua bao thăng trầm cuộc đời, nó cũng là khơi nguồn cho những chi tiết sau về nguồn gốc và xuất xứ của dòng chảy. Qua đó, chính là cái tôi tác giả xuất hiện với đầy đủ những khả năng nghệ sĩ tài hoa.
Trên đây, chúng tôi vừa sơ lược về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Có thể nói, chi tiết có tầm quan trọng không thể thiếu trong sự hình thành nên một tác phẩm hoàn chỉnh, mà hơn hết các chi tiết hàm chứa nhiều nét nghĩa sẽ tạo nên sự nổi trội cho tác phẩm. Thiết nghĩ, nghiên cứu về chi tiết nghệ thuật trong bút ký Nguyễn Bắc Sơn là việc làm cần thiết để thấy rõ hơn phong cách của nhà văn.